Theo đó, Sở Y tế TP Hà Nội cho hay, việc cắt đôi test là do bà Chu Thị Loan, phó phụ trách Khoa vi sinh y học, phổ biến, chỉ đạo các nhân viên trong khoa thực hiện. Bệnh viện Xanh Pôn xác định Khoa vi sinh y học không thực hiện đúng các quy định về tiếp nhận quà tặng: Tự ý nhận quà là Test HIV Combo của Công ty Lục Tỉnh cho, tặng không báo cáo bệnh viện.
Khoa vi sinh y học tự ý sử dụng test HIV combo để xét nghiệm kiểm chứng với Test HIV ½ nhưng không xây dựng đề cương nghiên cứu khoa học, không báo cáo bệnh viện là không thực hiện đúng các quy định về kiểm chứng, nghiên cứu khoa học.
Bên cạnh đó, kết luận cũng cho biết việc Khoa vi sinh y học cắt dọc Test HIV Combo làm đôi để xét nghiệm đã không tuân thủ theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất, không đúng quy chế chuyên môn. Việc cấp phát, ghi chép thống kê sử dụng các loại test, kit xét nghiệm HIV, HbsAg của Khoa vi sinh y học không chặt chẽ, không chính xác.
Bệnh viện Xanh Pôn xác định việc để xảy ra những tồn tại, vi phạm trên, trách nhiệm trực tiếp thuộc về Khoa vi sinh y học, đồng thời có trách nhiệm của Bệnh viện trong công tác quản lý vật tư y tế.
Vậy dư luận cũng đặt ra câu hỏi sau khi xảy ra sự việc như vậy trách nhiệm có thuộc Giám đốc? Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đăng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, trong lĩnh vực y tế thì việc thực hiện đúng quy trình khám, chữa bệnh là điều hết sức cần thiết và cực kỳ quan trọng.
|
Luật sư Đăng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội.
|
Luật sư Cường cho rằng trong vụ việc này, hành vi cắt đôi các que thử HIV, viêm gan B của một số cán bộ y tế Bệnh viện Xanh Pôn là không thể chấp nhận được và vi phạm nghiêm trọng quy trình khám, chữa bệnh. Có thể làm ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm do liều lượng test không đủ đáp ứng, gây sai số âm tính giả hoặc dương tính giả, từ đó kéo theo nhiều hệ lụy cho người bệnh mà chúng ta không lường trước được.
'Vụ việc này, các cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ hành vi sai phạm, động cơ mục đích và cả yếu tố vụ lợi, nếu đủ căn cứ có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các cá nhân liên quan về tội vi phạm quy định về khám chữa bệnh', luật sư Cường phân tích.
Ông nói thêm, đối với những người đã làm dịch vụ tại bệnh viện Xanh Pôn, trong trường hợp nghi ngờ về kết quả có thể yêu cầu tiến hành xét nghiệm lại. Nếu thấy kết quả xét nghiệm bị thay đổi, người bệnh hoàn toàn có quyền khởi kiện, yêu cầu bệnh viện bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 584 Bộ luật dân sự 2015, có thể bao gồm thiệt hại về sức khỏe bị xâm phạm, thiệt hại về tổn thất tinh thần.
Còn theo Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư Hà Nội), để có câu trả lời rõ ràng, tránh gây hoang mang trong dư luận, cơ quan điều tra cần vào cuộc để làm rõ các sai phạm xảy ra; đồng thời làm rõ động cơ, mục đích thực hiện hành vi vi phạm của cá nhân, tập thể có liên quan là gì.
Dẫn Điều 356 Bộ luật Hình sự, luật sư Thơm cho biết, hành vi của các nhân viên y tế có thể bị xử lý hình sự nếu gây hậu quả, thiệt hại. Nếu các cá nhân làm trái công vụ để vụ lợi từ 10 triệu đồng trở lên cũng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự.
>>> Xem thêm video: Đơn vị cấp que thử HIV kiên quyết đưa BV Xanh Pôn
Trung Vương