Liên quan vụ việc nhân viên y tế Bệnh viện Xanh Pôn gian dối xét nghiệm, cắt đôi que thử HIV, viêm gan B, ngày 10/12, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung gửi công văn hỏa tốc giao Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo kiểm tra thông tin nhóm nhân viên Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn gian lận kết quả, bớt xén vật tư y tế trong quy trình xét nghiệm HIV và viêm gan B tại cơ sở này, kiểm điểm, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Chiều cùng ngày, tại hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội tổ chức, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội Phạm Thanh Học cho biết, trước những vụ việc dạng này, TP phải dành thời gian để kiểm tra, điều tra. Nếu hậu quả ít nghiêm trọng thì các cơ quan quản lý sẽ tiến hành kiểm điểm, rút kinh nghiệm; nếu nghiêm trọng phải điều tra, truy tố.
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, cơ quan thanh tra cần vào cuộc sớm để xác minh làm rõ thông tin vụ việc, nếu có dấu hiệu hình sự chỉ cần chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra xem xét giải quyết theo quy định pháp luật.
|
Nhân viên Bệnh viện Xanh Pôn gian dối xét nghiệm khi nhân bản que thử HIV, viêm gan B từ 1 thành 2. |
“Trong lĩnh vực y tế, việc thực hiện đúng quy trình khám, chữa bệnh là điều hết sức cần thiết và cực kỳ quan trọng, chỉ cần một khâu sai sót thì có thể kéo theo nhiều hệ lụy nguy hiểm cho người bệnh”, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
Luật sư Cường cho biết, theo thông tin ban đầu, bệnh viện Xanh Pôn cho rằng việc cắt đôi, sử dụng 1/2 các que thử HIV không làm thay đổi kết quả, không thu tiền thêm của người bệnh, không trả kết quả này cho người bệnh, không lấy thêm mẫu máu...! Do vậy, cần làm rõ nguyên nhân, động cơ của hành vi này là gì ? Tại sao phải cắt đôi que thử? Cơ quan chức năng cần làm rõ nguyên nhân động cơ và yếu tố vụ lợi trong vụ việc này để có hình thức xử lý phù hợp.
“Tôi cho rằng trong vụ việc này, hành vi cắt đôi các que thử HIV, viêm gan B của một số cán bộ y tế Bệnh viện Xanh Pôn là không thể chấp nhận được và vi phạm nghiêm trọng quy trình khám, chữa bệnh"” Luật sư Đặng Văn Cường nêu ý kiến.
Luật sư Cường phân tích, 1/2 que thử thì không thể có đầy đủ tính năng, tác dụng, chức năng giống như một que nguyên vẹn, hành vi này hoàn toàn có thể làm ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm do liều lượng test không đủ đáp ứng, có thể gây sai số, âm tính giả hoặc dương tính giả cho người bệnh hoặc thậm chí có thể kéo theo nhiều hệ lụy cho người bệnh mà chúng ta không thể lường trước được.
Vấn đề này cần phải có kết luận chính xác từ người có chuyên môn, từ cơ quan chức năng về ý tế để có hình thức xử lý cho phù hợp.
“Điều cần làm rõ ở đây là động cơ mục đích là gì, yếu tố nào thúc đẩy những người này đã thực hiện hành vi này, nếu không vì vụ lợi thì vì điều gì, phải chăng là hành vi này còn thể hiện sự vi phạm, xuống cấp nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp của một số cán bộ y tế", luật sư Cường nêu quan điểm.
|
Luật sư Đặng Văn Cường. |
Đồng thời cho rằng, trong vụ việc này, các cơ quan chức năng vào cuộc cần làm rõ hành vi sai phạm, động cơ mục đích, yếu tố vụ lợi, trong trường hợp đủ căn cứ thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các cá nhân có liên quan về tội vi phạm quy định về khám chữa bệnh Hoặc tội Tham ô tài sản, tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ hoặc các tội danh khác thuộc nhóm tội phạm về chức vụ theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015.
“Những người đã làm dịch vụ trong trường hợp nghi ngờ về kết quả có thể yêu cầu tiến hành xét nghiệm lại. Trong trường hợp kết quả xét nghiệm bị thay đổi, người bệnh hoàn toàn có quyền khởi kiện yêu cầu Bệnh viện bồi thường thiệt hại trong trường hợp có thiệt hại xảy ra theo quy định tại Điều 584 Bộ luật dân sự 2015, có thể bao gồm thiệt hại về sức khỏe bị xâm phạm, thiệt hại về tổn thất tinh thần", Luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng cơ quan điều tra cần vào cuộc để làm rõ các sai phạm xảy ra, động cơ, mục đích thực hiện hành vi vi phạm của cá nhân, tập thể có liên quan.
"Đây là việc làm của người có chức vụ, quyền hạn được phân công thực hiện chức năng, nhiệm vụ cụ thể", luật sư Thơm nói.
Đồng thời cho biết, nếu có căn cứ xác định nhóm nhân viên bệnh viện vì động cơ vụ lợi mà lợi dụng công việc được giao gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân thì đủ dấu hiệu phạm tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Theo Điều 356 Bộ luật Hình sự, tội phạm này có cấu thành vật chất nên hậu quả gây thiệt hại là dấu hiệu bắt buộc. Nếu các cá nhân làm trái công vụ để vụ lợi từ 10 triệu đồng trở lên, sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự.
Mời độc giả xem video Bệnh viện Xanh Pôn gian lận xét nghiệm: Ai chỉ đạo làm?:
Hải Ninh