Sáng 9/10, hay tin người bạn của mình qua đời - PGS.TS Văn Như Cương -Thầy Nguyễn Xuân Khang (SN 1949) - Hiệu trưởng Trường Marie Curie, cũng là người đồng sáng lập Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) không khỏi xúc động.
Vì sao lại lấy tên là trường Lương Thế Vinh?
Nhớ lại những hình ảnh với thầy Cương, thầy Khang bồi hồi nói: "Sự gắn bó giữa tôi với anh Cương chủ yếu trong công việc. Cách đây gần 3 năm, anh Cương bị bệnh, nhưng với sự nỗ lực của bản thân, sự lạc quan yêu đời và khát vọng sống, anh đã sớm ổn định tinh thần để điều trị. Anh là người rất dũng cảm khi chống chọi bệnh tật trong nhiều năm nay”.
|
Trường THPT Lương Thế Vinh sáng 9/10, tạm thời không chào cờ ngày thứ 2 vì thầy Văn Như Cương qua đời. |
Nhớ lại những ngày đầu thành lập Trường THPT Lương Thế Vinh, thầy Khang cho hay, năm 1988 thầy và thầy Cương có thư ngỏ gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục về việc thành lập một trường tư thục trên địa bàn thành phố Hà Nội – nay là trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh.
"Khi đó, Bộ trưởng rất ủng hộ ý tưởng của chúng tôi và Bộ có chủ trương tổ chức một hội thảo để chúng tôi báo cáo dự án thành lập trường. Đến ngày 11/8/1988, tại số 14 Lê Thánh Tông, Hà Nội, chúng tôi trình bày dự án của mình trước đại diện của Bộ Giáo dục. Buổi hội thảo kết thúc sau 3 tiếng đồng hồ và đề án thành lập trường ngoài công lập nhận được sự nhất trí cao của hội nghị và đề nghị dùng khái niệm trường dân lập chứ không phải khái niệm trường tư thục như đã đưa. Chúng tôi đã nhất trí. Tiếp đó, Bộ yêu cầu trong một tuần chúng tôi phải xác định 3 điểm: thứ nhất tên trường, thứ 2 địa điểm thành lập trường, thứ 3 là đội ngũ giáo viên. Lúc ấy, hai anh em chúng tôi phấn khởi lắm”, thầy Khang nhớ lại.
|
Nhiều thế hệ học trò vẫn luôn ghi nhớ hình ảnh thầy Văn Như Cương. |
Ngay sau đó, hai thầy cùng nhau nghĩ ra tên để đặt cho ngôi trường tương lai, và thầy Khang đã đặt là "Lương Thế Vinh", khi thầy Cương hỏi thầy Khang tại sao lại đặt là “Lương Thế Vinh”, thì thầy Khang nói: “Trong lịch sử Việt Nam, về khoa học tự nhiên, Lương Thế Vinh là nhà toán học đầu tiên của Việt Nam mà tuổi thơ có rất nhiều giai thoại ấn tượng. Chính vì thế, việc đặt tên trường là Lương Thế Vinh rất thú vị. Và anh Cương cũng rất phấn khởi trước tên trường như thế”, thầy Khang vẫn nhớ in nguyên.
Thầy Văn Như Cương quyết định lấy tên Lương Thế Vinh như tên gợi ý của thầy Khang.
Đến ngày 20/8/1988, Bộ Giáo dục có văn bản gửi UBND TP Hà Nội đề nghị cho phép thành lập trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh - là Trường dân lập đầu tiên của Hà Nội. Ngày 1/6/1989, trường Phổ thông dân lập Lương Thế Vinh được thành lập và tháng 9 năm đó khai giảng năm học đầu tiên.
"Tôi và thầy Cương cùng bắt tay nhau cai thuốc lá"
Đứng trước cổng trường THP Lương Thế Vinh, ông Phạm Ngọc Toại (79 tuổi), không giấu nổi nỗi buồn, thỉnh thoảng khuôn mặt lại đỏ hoe. Ông Toại cho hay, bản thân từng công tác và gắn bó suốt 20 năm với thầy Cương tại trường THPT Lương Thế Vinh cùng bao thế hệ học trò. Nghe tin thầy qua đời, ông Toại như chết lặng vì trước đó vài hôm ông còn vào bệnh viện thăm thầy.
“Tôi và thầy quen nhau gần 25 năm. Chúng tôi đều biết về bệnh tình của thầy, mỗi lần vào thăm thầy vẫn luôn động viên thầy cố gắng mạnh mẽ chống chọi. Lúc đó, thầy bảo thầy còn nhiều dự định ấp ủ bấy lâu mà chưa làm được. Thầy mất đi là nỗi đau quá lớn cho bao thế hệ học trò, thầy cô nhà trường, và trong ngành”, ông Toại chia sẻ.
|
Thầy Toại mắt đỏ hoe khi nhớ lại những kỷ niệm với thầy Văn Như Cương. |
Ngoài ra, ông Toại còn không quên về những kỷ niệm đáng nhớ khi còn gắn bó với thầy Văn Như Cương. “Nhiều lần ngồi đọc thơ với thầy. Thầy Cương đã góp rất nhiều ý kiến hay vào môn Văn mà tôi đang theo dạy. Đến giờ tôi nhớ nhất là tôi với thầy cùng bắt tay nhau cai thuốc lá nhưng tôi thì làm được còn thầy thì chưa. Tôi phải thừa nhận rằng, thầy Cương có cách ứng xử đáng để nhiều người phải học theo. Các thầy cô trong trường ai nấy đều học theo gương của thầy…”, ông Toại bày tỏ.
Lắng nghe ước mơ của mọi học sinh
Bên cạnh ông Toại, đứng trước cổng trường THPT Lương Thế Vinh sáng nay, cựu học sinh Lê Thùy Dương (K10 – THPT Lương Thế Vinh) vẫn nhớ như in những kỷ niệm khi còn học dưới mái trường, và về người thầy Văn Như Cương. “Mình nhớ lần đứng lên phát biểu nhầm một cách hùng hồn: Tại sao trường Lương Thế Vinh lại không có tiểu sử về thầy Văn Như Cương, đúng ra phải nói là tiểu sử trường Lương Thế Vinh. Ngay sau đó, nhà trường đã phát tiểu sử của trường cho học sinh.
Lần thứ 2 là, đại hội đoàn năm thứ 2, mình có ước mơ hội trường lớn để tổ chức đại hội… Sau đó, thầy nói: “Đã lắng nghe bạn Dương”, và một năm sau thì có hội trường riêng… Tôi rất buồn khi nghe tin thầy qua đời, không chỉ riêng tôi mà bao thế hệ học trò sẽ luôn ghi nhớ hình ảnh của thầy trong trái tim”.
Cũng trong sáng nay, một số đồng hương là những người “bạn già” của thầy Văn Như Cương cũng tìm đến trường THPT Lương Thế Vinh khi hay tin thầy qua đời. Họ đứng thẫn thờ trước cổng trường, và chưa thật sự tin thầy đã ra đi mãi mãi.
Hưng Bùi