Chân dung PGS Văn Như Cương: Người thầy thẳng thắn, cương trực

Google News

(Kiến Thức) - Sự ra đi của PGS Văn Như Cương là một mất mát lớn cho ngành giáo dục Việt Nam. Thầy được biết tới là một con người thẳng thắn, cương trực.

Dẫu biết rằng sinh lão bệnh tử, thế nhưng ai ai cũng đều tiếc thương sự ra đi của thầy Văn Như Cương. Thầy Văn Như Cương sinh năm 1937 trong một gia đình làm nghề dạy học chữ Hán (đồ Nho) tại làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.
Năm 1954, học xong phổ thông, ông ra Hà Nội học khoa Toán, Đại học Sư phạm Hà Nội. Tốt nghiệp đại học, ông trở thành cán bộ giảng dạy tại trường.
Ông học chương trình nghiên cứu sinh ngành toán học tại Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô cũ và bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ vào năm 1971.
Sau khi về nước ông làm giảng viên, công tác tại bộ môn Hình học trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm Vinh.
Năm 1989, ông mở trường Lương Thế Vinh, trường phổ thông dân lập đầu tiên của Việt Nam từ khi Đổi mới. Thầy được đánh giá cao với năng lực sư phạm và cũng nổi tiếng là người thẳng tính, rất thương yêu học trò. Sau 25 năm làm hiệu trưởng, thầy đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị trường từ năm 2014.
Ông đã chủ biên và trực tiếp biên soạn hơn 60 đầu sách sách giáo khoa, sách tham khảo phổ thông và giáo trình đại học về chuyên ngành hình học… Ông là tác giả bộ sách giáo khoa hình học phổ thông (chương trình nâng cao) của Việt Nam.
Tuy nhiên, cách đây gần 3 năm thầy phát hiện mắc ung thư gan khiến sức khỏe bị ảnh hưởng do vậy thầy thường xuyên phải nằm viện. Sau khoảng thời gian chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác, 0h27 phút sáng ngày 9/10 thầy đã trút hơi thở cuối cùng, hưởng thọ 80 tuổi.
Chan dung PGS Van Nhu Cuong: Nguoi thay thang than, cuong truc
 Thầy Văn Như Cương chiến đấu chống lại căn bệnh ung thư quái ác suốt 3 năm qua. Nguồn ảnh: Gia Đình Mới
Những câu nói ấn tượng của thầy Văn Như Cương
PGS Văn Như Cương đã có nhiều đóng góp cho nền giáo dục nước nhà. Thầy mạnh dạn phát ngôn và đề ra các phương án đổi mới giáo dục, chống tiêu cực thi cử, gian dối trong trường học, bạo lực học đường, lương tâm người làm nghề giáo, phẩm chất của học sinh…
Phần lớn các ý kiến của PGS Văn Như Cương đều thẳng thắn, cương trực và có sức ảnh hưởng lớn đến xã hội.
Dưới đây là một số phát ngôn ấn tượng của PGS Văn Như Cương:
- Hãy nhớ rằng chúng ta được nuôi dưỡng bằng dòng sữa mẹ Việt Nam
- Đứa trẻ kiêu căng, tự phụ hoặc tự ti, sợ hãi không phải là mục tiêu của giáo dục
- Học trò xem tôi như người bố, người ông nên tôi thấy mình đáng sống lắm
- Không lao động không có sáng tạo. Người lười lao động chắc chắn không làm việc gì thành công
- Trước hết phải là người tử tế
- Tôi thương con em chúng ta khi phải học đủ mọi thứ
- Ai cũng vào đại học là lạc hậu
- Biển học mênh mông, sách vở chỉ là vùng biển gần bờ
- Hãy dạy con mình sống nhiều hơn với thế giới thật xung quanh
- Tuổi 70 của chúng tôi phải học tập nhiều hơn tuổi 17 bây giờ.
Giai thoại thú vị về thầy Văn Như Cương
Cuộc đời thầy luôn hết lòng vì sự nghiệp giáo dục cùng với tính cách trung thực và thẳng thắn của ông đã làm nên một chân dung đặc sắc cùng với những giai thoại đầy thú vị.
Chan dung PGS Van Nhu Cuong: Nguoi thay thang than, cuong truc-Hinh-2
 Thầy Văn Như Cương và học trò trường Lương Thế Vinh. Nguồn ảnh: Fanpage trường Lương Thế Vinh.
Ví dụ như khi đang giảng dạy tại Đại học Sư phạm Hà Nội, đồng nghiệp khoa Văn thấy thầy là một thầy giáo dạy Toán nhưng lại có tên "Văn Như Cương" bèn thử tài văn chương bằng cách ra câu đối: "Văn như Văn Như Cương”. Không cần nghĩ ngợi nhiều, thầy Cương đối lại: “Võ nguyên Võ Nguyên Giáp”.
Bà Đặng Bích Hà, phu nhân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, (bà là người có họ hàng với PGS.TS Văn Như Cương) ngày ấy cũng công tác tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội biết chuyện, bà vui miệng kể lại với chồng. Nghe xong Đại tướng Võ Nguyên Giáp tủm tỉm cười khen: “Giỏi, đối như vậy là rất chỉnh. Người thông minh mới làm được như vậy”.
Hay là câu chuyện về bộ râu đặc biệt của thầy Cương, với những giai thoại thú vị suýt bị mẹ và vợ cắt mất. Vào đầu những năm 1970, người ta quan niệm ai để râu ria xồm xoàm, hoặc cạo trọc đầu là có vấn đề, không bất mãn thì cũng bất trị, nom có vẻ khác đời. Thế nên, Thầy Cương tìm cách thuyết phục vợ, biện bạch rằng, có bộ râu này mà làm việc gì khuất tất, sàm sỡ thì ai cũng biết, có mà dám. Nghe như đùa nhưng lại là sự thật nên nói mãi vợ cũng đành chiều theo. Quả nhiên ai cũng nhớ đến thầy Cương ở trường sư phạm, qua bộ râu dài và đẹp như một bậc trưởng lão.
Từ ngày đứng ra thành lập trường THPT Lương Thế Vinh, năm 1989 thầy hiệu trưởng Văn Như Cương đã nổi tiếng với bộ râu “tuyết” của mình. Có lần một người hỏi vì sao ông có ít tóc nhưng râu lại dài thế? Ông nhanh chóng đáp lại, tại cái mồm tôi làm việc nhiều, còn cái đầu tôi làm việc ít.
Người ta lại hỏi vì sao ông lại hết lòng vì sự nghiệp trồng người đến vậy, ông điềm đạm vuốt râu đọc mấy dòng thơ tâm huyết: “Ta phải về thôi tuổi xế chiều. Dẫu còn dan díu chút tình yêu. Bài ca sư phạm không đành bỏ. Sự nghiệp trồng người vẫn cố theo”.
Phượng Hồng (tổng hợp)