Theo phản ánh của phụ huynh có con em đang theo học tại trường Phổ thông Đoàn Thị Điểm Ecopark (Văn Giang, Hưng Yên), học sinh phải đóng tiền ăn bán trú đầy đủ nhưng suất ăn quá ít, nhiều cháu về nhà trong tình trạng đói lả, có cháu lại bị đau bụng.
Ngày 12/4, theo báo cáo kết quả kiểm tra công tác bán trú năm học 2016-2017, tại trường phổ thông
Đoàn Thị Điểm Ecopark cho thấy dù nhà trường đã cam kết nhập toàn bộ thực phẩm tươi sống và rau quả từ nhà cung cấp Metro, trong trường hợp đơn vị này không đáp ứng đủ, sẽ nhập của các đơn vị tương đương. Tuy nhiên, thực tế là nguyên liệu chế biến thức ăn cho học sinh lại được nhập tại các cơ sở nhỏ lẻ, thực phẩm không rõ nguồn gốc.
|
Phụ huynh lo lắng, bức xúc về chất lượng bán trú tại trường PT Đoàn Thị Điểm Ecopark. |
Cũng trong đợt kiểm tra gần đây, đoàn kiểm tra cũng đã phải hủy bỏ lô cá nhập từ cửa hàng Hồng Vân do test formol vượt ngưỡng. Thêm vào đó, chất lượng thực phẩm sử dụng cho bữa ăn bán trú cũng bị phản ánh là không đảm bảo vệ sinh.
Đến đợt kiểm tra vào ngày 14/4 mới đây, phụ huynh lại phát hiện nhà trường vẫn tiếp tục nhập thực phẩm cá, thịt,.. từ các nhà cung cấp nhỏ lẻ ở chợ, lượng thực phẩm thiếu (khi đoàn kiểm tra cân đo, đong đếm thực phẩm chỉ ra bị thiếu mới đi nhập thêm, nhập bù…), đơn cử như 3 rổ rau cải thái sẵn được dùng cho 1.200 suất ăn sáng của học sinh.
Chất lượng thức ăn được đánh giá là không đảm bảo khi sử dụng dầu ăn cháy đen, mánh mỳ được để trong tủ đông 10 ngày vẫn mang ra chế biến thức ăn cho học sinh.
Ngoài ra, nhà bếp cũng chưa thực hiện chế biến thức ăn 2 chiều, thức ăn sống chín được để cùng khu vực, không sử dụng dụng cụ nếm thức ăn riêng.
Thêm vào đó, đoàn kiểm tra cũng phát hiện dấu hiệu gian lận khi thay nhãn mác lô bánh mỳ dự định dùng làm pate vào ngày 16/3. “Khi kiểm tra tủ đông thì có 4 khay bánh mỳ trên ngăn thứ 2 tủ đông ghi nhãn mác là từ ngày 7/3-17/3, có 2 khay ghi nhãn mác từ ngày 7/3-010/3 để ngăn bên dưới cùng với 2 khay xương cá để đông từ hôm trước. Nhưng sau đó chúng tôi nghi ngờ về chất lượng của lô bánh mỳ này nên đã quay lại kiểm tra. Lúc này nhãn mác của lô bánh mỳ đã được đổi lại thành từ ngày 13/3-17/3”, một phụ huynh có mặt trong đoàn kiểm tra cho biết.
Ngay sau đó, đoàn kiểm tra đã yêu cầu hủy bỏ toàn bộ số bánh mỳ này, nhưng nhà trường vẫn không tiêu hủy, chỉ đến khi đoàn quay lại vào ngày hôm sau, kiên quyết yêu cầu hủy số bánh trên, nhà trường mới thực hiện.
Từ điển hình trên, vị phụ huynh này đặt ra câu hỏi, liệu có sai phạm gì trong việc nhập thực phẩm của học sinh hay không khiến nhà trường vội vã thay đổi lại nhãn mác sau khi được kiểm tra?
Theo chia sẻ của một phụ huynh, để vào trường kiểm tra, có lần phụ huynh đã hẹn từ 5 giờ sáng, nhưng phải đợi đến tận 13 giờ chiều mới được vào vì lý do ngoài giờ hành chính. Việc đưa ra những lý do để trì hoãn, gây khó dễ trong công tác kiểm tra của phụ huynh không chỉ diễn ra một lần khiến nhiều phụ huynh càng không khỏi nghi ngờ về chất lượng tổ chức bữa ăn bán trú tại trường.
Chưa hết bức xúc, gần đây phía nhà trường lại ra một thông báo đến tay phụ huynh. Theo đó, học sinh bậc Tiểu học muốn học ở trường phải ăn bữa sáng và bữa trưa đồng thời phải đóng phí giữ chỗ là 5 triệu đồng.
Theo thông báo của nhà trường, phí giữ chỗ nộp trước 12/5 và nếu sau 15/7 cha mẹ không nộp phí giữ chỗ thì nhà trường sẽ trả hồ sơ học bạ khi năm học kết thúc. Nhiều cha mẹ học sinh không đồng tình với khoản đóng phí giữ chỗ này.
Được biết trước đó, hiệu trưởng nhà trường đã từng cam kết, nếu để xảy ra những vấn đề trong bữa ăn bán trú của học sinh, không đảm bảo chất lượng giáo dục, hiệu trưởng sẽ từ chức để nhận lỗi. Tại buổi họp ban phụ huynh ngày 16/4, một số phụ huynh bức xúc đã yêu cầu nếu nhà trường không thể giải quết những vấn đề này, ban phụ huynh sẽ đề nghị hiệu trưởng từ chức như đã hứa.
Theo Nguyễn Trang/VOV