Chiều nay 25/6, Chính phủ đã trình Quốc hội về các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024.
Cải cách tiền lương tác động gần 50 triệu đối tượng chính sách
|
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại thảo luận tổ về cải cách tiền lương. |
Phát biểu tại thảo luận tổ về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ
Phạm Thị Thanh Trà cho biết,
cải cách tiền lương là vấn đề lớn, hệ trọng, liên quan trực tiếp đến kinh tế vĩ mô, tác động trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế. Đồng thời liên quan trực tiếp đối với gần chục triệu cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người có công.
Cùng với đó tác động đến gần 50 triệu đối tượng thực hiện chính sách xã hội và khoảng gần 15.000 lao động trong doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân.
Chính phủ chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản, khoa học, đánh giá nhiều chiều tác động liên quan cả tích cực và tiêu cực, khó khăn khi thực hiện chính sách cải cách tiền lương.
Thực tế khi đi vào thực hiện Nghị quyết 27 của Trung ương có gặp khó khăn, bất cập, lớn nhất là vấn đề thiết kế các bảng lương và cơ cấu, sắp xếp lại các nhóm phụ cấp.
Bởi, trong tương quan thì giữa các đối tượng chưa đảm bảo được công bằng, hợp lý, hài hoà khi có đối tượng có mức lương tăng cao trên 30% nhưng nhiều đối tượng thấp hơn mức hiện hưởng. Hơn nữa, thực hiện cơ cấu lại phần phụ cấp thì sụt giảm, ảnh hưởng đến những đối tượng cần quan tâm như giáo viên vì phải sắp xếp phụ cấp và không còn phụ cấp thâm niên, đứng lớp, công tác vùng đặc biệt khó khăn...
Ngoài ra, dù triển khai được một thời gian, cả hệ thống thực hiện nước rút hoàn thiện và phê duyệt đề án vị trí việc làm, nhưng nhìn chung chưa đảm bảo yêu cầu chất lượng; khó khăn với mô tả khung năng lực vị trí việc làm.
Bên cạnh đó, khi thực hiện chính sách cải cách tiền lương phải hết sức coi trọng tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, song kết quả chưa như mong đợi.
Chính phủ, thường trực Chính phủ, Thủ tướng, Ban chỉ đạo coi đây là nhiệm vụ rất hệ trọng, dành nhiều thời gian, công sức để tính toán và đi đến phương án trình Bộ Chính trị và hôm nay trình Quốc hội.
Bà Trà nhấn mạnh, thực hiện Nghị quyết 27 theo lộ trình hợp lý, từng bước, thận trọng, chắc chắn, khả thi và hiệu quả. Rõ đến đâu làm đến đó, cái gì khó khăn, vướng mắc, bất cập thì tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện, không nóng vội, đảm bảo ổn định, không xáo trộn.
Đã có kịch bản để đảm bảo giá trị của tăng lương
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng lưu ý, thực hiện cải cách tiền lương phải đảm bao trùm các đối tượng cũng như hưởng chính sách xã hội có liên quan.
Chính phủ đề xuất thực hiện đầy đủ 2 nội dung cải cách tiền lương khu vực doanh nghiệp theo đúng Nghị quyết số 27-NQ/TW, gồm: Điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động (tăng 6% áp dụng từ ngày 01/7/2024); Quy định cơ chế tiền lương đối với doanh nghiệp nhà nước (áp dụng từ ngày 01/01/2025). Hai nội dung này đã rõ nên thực hiện không vướng.
Khu vực công thực hiện 4/6 nội dung cơ bản: Hoàn thiện chế độ nâng lương; bổ sung chế độ tiền thưởng từ ngày 01/7/2024 (bằng 10% quỹ lương cơ bản); quy định và hướng dẫn rõ 5 nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương; hoàn thiện cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập.
Với chế độ tiền thưởng bằng 10% quỹ lương cơ bản dành cho cơ quan, đơn vị thực hiện khen thưởng định kỳ, đột xuất với người hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc có thành tích tiêu biểu, vượt trội trên lĩnh vực công tác khi thực hiện nhiệm vụ được giao. Đây là vấn đề rất mới và nguồn này là không nhỏ.
Với 2 nội dung còn lại khó khăn vướng mắc, bất cập thì theo hướng giữ nguyên hệ số lương cơ sở hiện nay và điều chỉnh mức lương cơ sở thêm 30% và mức điều chỉnh này cao nhất từ trước đến nay. Cơ cấu phụ cấp hiện hưởng cũng giữ nguyên, đồng thời nghiên cứu điều chỉnh phụ cấp, chế độ với một số đối tượng đặc thù mà còn hưởng thấp.
Hện có 34 cơ quan, đơn vị đang có cơ chế thu nhập đặc thù. Điều này trong quá trình phát triển là cần thiết, song có cơ quan được hưởng rất cao. Do đó sẽ rà soát, điều chỉnh cho phù hợp. Cùng với đó đề xuất tăng 15% mức lương hưu và trợ cấp BHXH; tăng khá cao mức trợ cấp ưu đãi người có công, trợ cấp xã hộ.
Về vấn đề nguồn cho cải cách tiền lương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định dù tổng nguồn rất lớn và có tăng so với phướng án Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, song Chính phủ đánh giá đảm bảo được bằng các nguồn tích luỹ, nỗ lực tiết kiệm chi, tăng thu và các nguồn liên quan.
Về ý kiến lo ngại làm sao kiềm chế được lạm phát vì tâm lý tăng lương thường giá cả có dấu hiệu tăng, bà Trà cho biết năm 2023, lương có tăng nhưng CPI tăng không đáng kể, trong ngưỡng Quốc hội cho phép.
Chính phủ đã lên kịch bản chi tiết. Ngoài ban hành Nghị quyết 93 để vừa thúc đẩy tăng tưởng kinh tế, vừa kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và nhiều công điện yêu cầu chủ động từ rất sớm. "Làm sao đảm bảo giá trị của tăng lương” – bà Trà nói. Tuy nhiên, bà Trà cũng lưu ý chặng đường sau 2026 cần giải pháp quyết liệt, cụ thể thực hiện, báo cáo cấp có thẩm quyền đánh giá đồng bộ, toàn diện nhằm cải cách tiền lương đồng bộ, cụ thể, đầy đủ.
Mời quý độc giả xem video Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nói về cải cách tiền lương tại thảo luận tổ chiều 26/6.
Mai Loan