Chiều 24/6, tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi. Một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm là sản phẩm phân bón được đưa vào chịu thuế, theo đề xuất của Chính phủ, mức áp thuế VAT cho phân bón là 5%, thay vì 0% như luật hiện hành.
2 lý do không đồng tình áp thuế 5% VAT đối với phân bón
Nêu ý kiến, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng, cần xem lại việc việc chuyển các mặt hàng phân bón, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp (là yếu tố đầu vào cho sản xuất nông nghiệp) sang đối tượng chịu thuế VAT 5%.
|
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội). Ảnh: Mai Loan. |
Đưa ra lý do, đại biểu Hoàng Văn Cường chỉ ra, việc lý giải phân bón không phải chịu thuế VAT làm giá phân bón tăng là không đúng.
Vì theo Báo cáo của Bộ Tài chính: sau khi Luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 có hiệu lực qui định chuyển thuế VAT đối với phân bón chuyển từ 5% sang không phải chịu thuế, thì giá phân bón liên tục giảm xuống.
Cụ thể, quý I/2015 giảm nhẹ so với quý I/2014. Năm 2016: Giảm khoảng 500đ/kg so với năm 2015; Năm 2017: giảm 700-900 đ/kg So với năm 2016.
Đến năm 2018, lần đầu tiên giá phân bón trong nước tăng do nguồn cung trong nước giảm do Nhà máy Đạm Phú Mỹ dừng hoạt động do sự cố kỹ thuật; Năm 2022 tăng hơn 5.000đ/kg do căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine.
Như vậy, đúng theo nguyên lý là giảm thuế thì dẫn đến giảm giá bán. Còn việc giá phân bón những năm gần đây tăng là do nhiều yếu tố từ cầu thị trường trong nước và các yếu cung của thị trường quốc tế, không phải do quy định phân bón không chịu thuế VAT.
Một lý do nữa, theo đại biểu Hoàng Văn Cường, lập luận áp thuế 5% đối với phân bón để doanh nghiệp được hoàn thuế đầu vào sẽ giảm chi phí sản xuất để giảm giá bán, người nông dân được hưởng lợi cũng không thuyết phục.
Ông Cường dẫn báo cáo đánh giá tác động của Bộ Tài chính, số thuế VAT đầu vào các doanh nghiệp sản xuất phân bón chưa được khấu trừ mỗi năm khoảng 1,5 nghìn tỷ đồng. Trung bình doanh thu chưa bao gồm thuế VAT của ngành phân bón khoảng 114 nghìn tỷ đồng.
Nếu áp dụng thuế suất thuế VAT 5% thì số thuế VAT khi bán phân bón thu được khoảng 5,7 nghìn tỷ đồng. Đó là nguồn tiền để hoàn thuế đầu vào cho các doanh nghiệ phân bón khoảng 1,5 ngàn tỷ, nộp vào ngân sách khoảng 4,2 nghìn tỷ đồng.
Người nông dân phải bỏ thêm số tiền 5,7 ngàn tỷ tiền thuế VAT khi mua phân bón. Số tiền này người nông dân không được hoàn lại vì sản phẩm nông nghiệp bán ra không thu thuế VAT.
“Vậy nói là nông dân được hưởng lợi thì liệu đó có phải là sự ngụy biện để yên lòng người dân?”, đại biểu Hoàng Văn Cường đặt câu hỏi.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, thuế VAT là thuế đánh vào người tiêu dùng cuối cùng phải chịu. Do vậy, chúng ta không thể bắt người nông dân mua phân bón đầu vào phải chịu thuế cũng như không thể bắt các doanh nghiệp sản xuất phân bón phải chịu thuế khi mua nguyên liệu đầu vào.
"Do vậy, tôi đồng tình với đề xuất trong luật này quy định cho phép các doanh nghiệp sản xuất phân bón được hoàn thuế VAT đầu vào trên cơ sở thuế VAT phân bón là 0% hoặc không chịu thuế như nhiều nước trên thế giới. Cũng áp dụng tương tự đối với các loại máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp và thủy sản”, đại biểu Hoàng Văn Cường nêu quan điểm.
Mong Chính phủ tính toán kỹ lưỡng lợi ích chi phí của hai phương án,
Ở một góc nhìn khác, trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống bên hành lang Quốc hội, đại biểu Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, đại biểu hoan nghênh Chính phủ đã đưa mặt hàng phân bón từ diện không chịu thuế giá tăng vào thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng trong dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi. Việc đưa phân bón vào diện chịu thuế VAT sẽ mang lại lợi ích lớn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh mặt hàng này và những đối tượng liên quan.
|
Đại biểu Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Ảnh: Mai Loan. |
Theo ông Hiếu, trước đây, phân bón không thuộc diện chịu thuế VAT, như vậy, doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước phải "gánh thêm" chi phí đầu vào, do doanh nghiệp không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng. Vì vậy, chi phí sản xuất của doanh nghiệp trong nước có phần kém cạnh tranh hơn so với sản phẩm nhập khẩu.
Hiện nay, Quốc hội đề xuất đưa phân bón vào mặt hàng chịu thuế VAT sẽ giúp giảm chi phí đầu vào để sản xuất mặt hàng phân bón, vì sẽ được khấu trừ hoàn thuế VAT đối chi phí đầu vào cho sản xuất, giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, giảm giá đầu ra sản phẩm bán cho người tiêu thụ.
Về việc Chính phủ đang đề xuất phân bón thuộc diện chịu thuế 5%, đại biểu Phan Đức Hiếu cho biết, nếu so sánh, cả 2 kịch bản 0% (không áp dụng thuế VAT) và kịch bản thu thuế VAT 5% đều mang lại lợi ích cho nhà sản xuất và người tiêu dùng, do tạo cơ hội giảm chi phí sản xuất phân bón tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong thị trường phân bón còn có lợi ích của nhà nhập khẩu, lợi ích của Nhà nước. Với kịch bản thuế 5%, đối với nhà nhập khẩu không sản xuất trong nước sẽ có lợi hơn cho doanh nghiệp kinh doanh.
Kịch bản 0% có lợi chung cho nhà nhập khẩu, người tiêu dùng, nhưng lợi ích của Nhà nước bị ảnh hưởng do hoàn thuế đối với chi phí sản xuất đầu vào.
So sánh tổng thể 2 phương án, kịch bản thuế 5% là tốt nhất, có lợi ích hài hòa cho tất cả các bên: Doanh nghiệp sản xuất - Nhà nước- người tiêu dùng. Ngoài ra, còn thúc đẩy sản xuất trong nước, thu hút đầu tư, tạo công ăn việc làm. Điểm yếu của kịch bản này không có lợi cho doanh nghiệp nhập khẩu và người tiêu dùng đối với sản phẩm nhập khẩu.
Đại biểu Phan Đức Hiếu mong muốn Chính phủ tiếp tục tính toán kỹ lưỡng lợi ích chi phí của hai phương án, để Quốc hội có thêm cơ sở lựa chọn phương án tối ưu.
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống ngày 24/6, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cũng bày tỏ quan điểm không đồng tình với đề xuất áp thuế VAT cho phân bón là 5%. Theo đại biểu Hòa, điều đó sẽ làm tăng gánh nặng cho nông dân.
“Theo tôi là không nên tăng, cần phải xem xét, đánh giá lại. Bởi thời gian vừa qua, chưa áp 5% người dân đã phàn nàn giá phân bón tăng cao rồi, giờ tăng nữa thì sẽ tăng gánh nặng cho người dân”, đại biểu Phạm Văn Hòa nêu quan điểm
Mời quý độc giả xem video đại biểu Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trao đổi về đề xuất áp 5% VAT cho phân bón. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.
Mai Loan