Trong những ngày cao điểm của nắng nóng, phóng viên Báo Tri Thức và Cuộc Sống đã có mặt tại thôn Suối Sâu để ghi nhận khó khăn của người dân nơi đây.
Thôn Suối Sâu hiện nay có trên 300 hộ dân với hơn 1.200 nhân khẩu. Người dân chủ yếu sống bằng nghề trồng cây ăn trái, cây cao su. Ấp Suối Sâu có suối Giêng thuộc dự án Biển Lạc – Hàm Tân chảy qua địa bàn khoảng 5km. Dòng suối này là nơi cung cấp nước chủ yếu cho thôn Suối Sâu và một phần xã Suối Kiết. Từ tháng 12/2023, suối Giêng đã cạn nước, nay dòng suối đã trơ đáy. Không có nguồn nước, cây trồng của người dân từ nhiều tháng nay đành chịu “khát” chờ trời mưa.
|
Suối Giêng đoạn qua thôn Suối Sâu cạn trơ đáy, lộ ra những tảng đá. |
Không chỉ có cây trồng, tất cả các nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho người dân tại đây cũng đã cạn kiệt. Nhiều giếng đào của người dân cạn trơ đáy trong khi địa phương chưa có nước sạch. Những tháng trở lại đây người dân đã phải đi mua nước sinh hoạt với giá cao.
|
Người dân mua nước sinh hoạt với giá từ 150.000 đến 200.000 vận chuyển từ nơi khác đến. |
Ông Bùi Minh Tâm- Trưởng thôn Suối Sâu cho biết: “Những tháng qua, một số hộ dân còn dùng nước sinh hoạt lấy từ hồ chứa nước của Giáo xứ Suối Sâu. Nay hồ chứa nước này cũng đã cạn kiệt. Toàn xã phải mua nước sinh hoạt từ xe máy cày đưa từ nơi khác tới với giá 150.000 đồng đến 200.00 đồng cho một bồn hai khối. Những chỗ xa thì giá đội lên 300.000 đồng”
|
Ông Bùi Minh Tâm - Trưởng thôn Suối Sâu, Xã Suối Kiết. |
Nhiều người dân thôn Suối Sâu mong muốn địa phương sớm có chủ trương đưa nước sinh hoạt về cho dân. Bên cạnh đó, đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận đẩy nhanh tiến độ dự án kênh Biển Lạc – Hàm Tân để nguồn nước tưới tiêu của người dân thôn Suối Sâu được đảm bảo.
Nguyễn Trung