Cháy xe máy cháy ở Bình Thuận: Lập hội đồng thẩm định giá

Google News

Liên quan vụ cháy bãi xe tạm giữ phương tiện vi phạm của công an Bình Thuận, Cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận sẽ thành lập hội đồng giám định giá trị tài sản trong vụ cháy hơn 200 xe máy.

Ngày 16/3, Đại tá Huỳnh Ngọc Liêm, Phó giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận, cho biết, cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra, làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể gây ra vụ cháy hơn 200 xe máy tại bãi tạm giữ xe máy Công an huyện Tánh Linh (Bình Thuận).
Qua xác minh sơ bộ ban đầu, nguyên nhân gây ra vụ cháy là do một chiến sĩ nghĩa vụ sơ suất vứt tàn thuốc ở khu vực bãi xe, sau đó gió cuốn tàn thuốc vào đúng vị trí hút xăng gây cháy.
Chay xe may chay o Binh Thuan: Lap hoi dong tham dinh gia
Đại tá Huỳnh Thanh Liêm, Phó giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận (Ảnh: Phước Tuần). 
Theo Đại tá Liêm, cơ quan chức năng sẽ thành lập hội đồng giám định, giá trị thiệt hại tài sản. Dựa vào giấy tờ xe, biên bản vi phạm, hội đồng giám định, đánh giá lại giá trị chính xác của từng loại xe của người dân theo đúng quy định pháp luật.
"Trước mắt pháp nhân bồi thường thiệt hại của người dân là Công an huyện Tánh Linh. Còn hướng xử lý tiếp theo của cá nhân, tập thể liên quan sẽ được cơ quan chức năng điều tra, kết luận", ông Liêm nói.
Người dân có thiệt hại về xe máy bị tạm giữ sẽ được Công an huyện Tánh Linh hướng dẫn các thủ tục theo quy định pháp luật để làm hồ sơ nhận đền bù.
Qua đánh giá sơ bộ, vụ cháy gây thiệt hại khoảng 2 tỷ đồng (chỉ tính riêng xe máy), chưa kể một loạt công trình phụ cận, đường dây điện truyền tải thông tin hư hại.
Chay xe may chay o Binh Thuan: Lap hoi dong tham dinh gia-Hinh-2
 
Theo luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), nếu cơ quan có thẩm quyền kết luận nguyên nhân gây cháy do sự kiện bất khả kháng, nơi ra quyết định tạm giữ, tịch thu phương tiện xe nêu trên không phải chịu trách nhiệm bồi thường theo Khoản 2, Điều 584, Bộ luật Dân sự 2015.
Còn nếu xác định việc gây cháy không phải do sự kiện bất khả kháng, có hành vi phá hoại hoặc bất cẩn của cá nhân nào đó, cơ quan ra quyết định tạm giữ vẫn phải bồi thường cho các chủ phương tiện, sau đó mới khởi kiện cá nhân gây cháy để yêu cầu đền bù thiệt hại. Trường hợp có căn cứ cho thấy đủ yếu tố cấu thành tội phạm có thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
Trên thực tế khi công an tạm giữ xe vi phạm thường không ghi vào biên bản tình trạng xe cũ hay mới, hư hỏng ra sao. Vì thế, theo ông Nghĩa để định giá mỗi chiếc xe trước khi bị cháy có giá trị bao nhiêu để làm căn cứ bồi thường là cả một vấn đề. Mặt khác, nếu bãi giữ xe được mua bảo hiểm, cơ quan bảo hiểm sẽ là đơn vị đứng ra chịu trách nhiệm bồi thường cho các chủ sở hữu xe.
Theo Dân Trí