Tối 3/1, Đội CSGT Công an quận 1 phối hớp với Đội trấn áp tội phạm 363 thuộc Công an TP.HCM ra quân tuần tra, đồng thời kết hợp kiểm tra nồng độ cồn của người tham gia giao thông trên địa bàn theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành.
Theo đó, tổ công tác được chia làm hai mũi, một mũi là lực lượng 363 làm chủ lực đi tuần tra trên nhiều tuyến phố ở quận 1, mũi còn lại là tổ công tác thuộc Đội CSGT Công an quận 1 sẽ lập chốt trên đường để tiến hành kiểm tra nồng độ cồn của người tham gia giao thông.
Thiếu tá Lê Thanh Trọng - Đội trưởng Đội CSGT Công an quận 1 cho biết, khi tổ công tác kiểm tra nồng độ cồn ở điểm chốt chặn, nếu người vi phạm có hành vi chống đối hoặc có dấu hiệu tội phạm khác, thì sẽ kết nối với đội 363 để tới kết hợp trấn áp và xử lý ngay tại chỗ.
|
Lực lượng chức năng đo nồng độ cồn của người tham gia giao thông. |
Khoảng 20h, tổ công tác CSGT Công an quận 1 lập điểm kiểm tra nồng độ cồn trên đường Phạm Ngũ Lão (quận 1). Tại đây tổ công tác đã tiến hành kiểm tra nồng độ cồn nhiều chủ phương tiện tham gia giao thông, bao gồm xe máy, ô tô và cả người điều khiển xe đạp.
Trong quá trình kiểm tra, tổ công tác ghi nhận được 2 trường hợp điều khiển phương tiện tham gia giao thông có nồng độ cồn trong máu cao. Các CSGT cho kiểm tra nồng độ cồn lại lần 2 để đảm bảo sự chính xác.
Trong số 2 trường hợp vi phạm, anh Lã Trung Dũng (ngụ quận 12) có nồng độ cồn 0,37 miligam/lít khí thở. Ngay sau đó, anh này bị lập biên bản xử lý, với mức phạt theo khung của Nghị định 100 là từ 4-5 triệu đồng.
Trường hợp của anh Dũng bị phạt 4,5 triệu đồng, tước bằng lái xe 11 tháng và tạm giữ phương tiện 7 ngày.
|
Anh Lã Trung Dũng bị xử lý do nồng độ cồn trong máu quá quy định. |
"Vi phạm lần đầu thì nên phạt nhẹ thôi, chỉ uống 2-3 lon bia mà phạt 4,5 triệu đồng thì cao quá, vậy thôi chắc tôi bỏ chiếc xe luôn, chứ xe máy tôi giá chỉ khoảng 5 triệu" - anh Lã Trung Dũng nói.
Theo Thiếu tá Lê Thanh Trọng, hiện tại quy trình kiểm tra nồng độ cồn của đơn vị đã được áp dụng theo quy chuẩn quốc tế, kiểm tra nhanh chóng, tài xế chỉ cần tấp vào khu vực kiểm tra sau đó thực hiện thao tác kiểm tra bằng máy, chỉ vài giây là có kết quả.
"Nếu máy báo tài xế có nồng độ cồn trong người thì lực lượng sẽ mời xuống kiểm tra lại lần nữa và tiến hành thủ tục xử lý, nếu máy báo không có cồn thì tài xế được tiếp tục lưu thông. Với loại máy kiểm tra nồng độ cồn mà đơn vị mới được cung cấp mới thì một giờ có thể kiểm tra được 50-60 người, nhanh hơn trước đây rất nhiều" - Thiếu tá Trọng cho biết.
Theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, đối với hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, mức xử phạt cao nhất đối với người điều khiển xe ô tô từ 30 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng; đối với người điều khiển xe mô tô từ 6 - 8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng; người điều khiển xe đạp, xe thô sơ từ 400.000 - 600.000 đồng.
Mạnh Phong