Liên quan vấn đề này, Báo Lao Động có trao đổi với ông Tô Xuân Bảo - Phó cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường Công nghiệp (Bộ Công Thương), Trưởng đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật của chủ đầu tư Thuỷ điện Thượng Nhật (xã Thượng Nhật, H.Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên-Huế).
Vì sao đoàn kiểm tra đề xuất rút giấy phép hoạt động của Thuỷ điện Thượng Nhật, thưa ông?
- Trong quá trình kiểm tra tại công trình Thủy điện Thượng Nhật, chúng tôi thấy rằng, chủ đầu tư đã vi phạm hai lỗi: “Không thực hiện quan trắc”; “Vận hành không đúng quy trình vận hành hồ chứa thủy điện đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt”.
Khi cấp giấy phép hoạt động điện lực cho Thuỷ điện Thượng Nhật, có điều kiện "chủ đầu tư phải duy trì vấn đề an toàn quản lý hồ thuỷ điện", tuy nhiên, chủ đầu tư đã vi phạm, không đảm bảo duy trì điều kiện cấp phép và các vấn đề theo quy định của pháp luật; không đảm bảo an toàn công trình vận hành. Khi có vấn đề như vậy, chúng tôi đề xuất thu hồi giấy phép hoạt động.
Giấy phép hoạt động điện lực của Thủy điện Thượng Nhật đến thời điểm 11.12.2020 sẽ hết hạn. Theo quy định, giấy phép hoạt động điện lực là một trong những cơ sở để doanh nghiệp tiến hành tổ chức vận hành nhà máy điện, đồng thời mua bán điện trong lĩnh vực điện lực.
Có thông tin Thủy điện Thượng Nhật, mặc dù chưa được phép tích nước, nhưng nơi đây đã được ghi nhận có phát điện, hoạt động thương mại. Ông nói gì về điều này?
- Trong quá trình làm việc với chủ đầu tư, chúng tôi không đề cập vấn đề này, mà tập trung thực hiện theo chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Công Thương.
Đoàn kiểm tra tập trung vào công tác quản lý an toàn vận hành hồ Thuỷ điện Thượng Nhật, công tác phòng chống thiên tai tại đây sau cơn bão số 13, thanh kiểm tra việc Thuỷ điện Thượng Nhật không tuân thủ “lệnh” của tỉnh. Còn vấn đề như phóng viên nêu không thuộc thẩm quyền của đoàn công tác.
|
Ông Tô Xuân Bảo làm việc với chủ đầu tư Thuỷ điện Thượng Nhật. Ảnh: Phúc Đạt |
Với các hành vi vi phạm, Thuỷ điện Thượng Nhật sẽ bị xử lý như thế nào?
- Chúng tôi đã lập 2 biên bản xử phạt vi phạm hành chính nêu trên. Trong quá trình kiểm tra, sau 5 ngày, nếu chủ đầu tư không có bất kỳ kiến nghị giải trình nào, chúng tôi sẽ ra quyết định xử phạt và buộc chủ đầu tư phải thực hiện.
Cụ thể, mức xử phạt được quy địnhtại khoản 3 điều 16, Nghị định 134/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Mức xử phạt đối với cá nhân từ 30-65 triệu đồng. Tuy nhiên, vi phạm của Thuỷ điện Thượng Nhật là vi phạm theo pháp nhân, tổ chức, mức xử phạt gấp đôi – 130 triệu đồng/2 hành vi.
- Cảm ơn ông!
Thủy điện Thượng Nhật là công trình thủy điện nhỏ với công suất lắp máy (2 tổ máy) 11 MW, nhưng vẫn chưa chính thức hoạt động, dù đã 12 năm triển khai.
Theo Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên-Huế, đến nay công trình thủy điện này mới chỉ được UBND tỉnh cấp phép cho tích nước giai đoạn 1 để thử nghiệm trong thời hạn 90 ngày, kể từ khi được cấp phép hồi tháng 1.2020. Chưa hoạt động và chưa được tích nước chính thức nhưng những ngày qua đơn vị này đã không tuân thủ điều tiết lũ, không xả các cửa van như chỉ đạo của chính quyền địa phương.
Trước đó, Thủy điện Thượng Nhật đã tự ý tích nước khi chưa được phép, không xả tất cả các cửa van để đón lũ, bất chấp yêu cầu của cơ quan chức năng.
UBND H.Nam Đông đã phải gửi cáo, kiến nghị can thiệp khẩn từ UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế; cơ quan công an đã cử lực lượng vào hiện trường giám sát.
Theo Cường Ngô (Lao Động)