Vụ việc ông Trần Đức Hà (SN 1970, trú tại phòng 701, nhà L2, khu đô thị Ciputra (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) bị tố đánh một bé trai 12 tuổi đến chấn thương sọ não do nghi ngờ bé lấy vợt cầu lông của con trai mình khiến dư luận bức xúc trong những ngày gần đây.
Liên quan vụ việc trên, mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã giao Giám đốc CATP chỉ đạo Công an quận Bắc Từ Liêm và các đơn vị nghiệp vụ có liên quan tổ chức xác minh, điều tra vụ việc nêu trên, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (nếu có) theo quy định pháp luật.
Nhiều ý kiến từ dư luận cho rằng cần khởi tố vụ án trên để điều tra hành vi đánh bé 12 tuổi. Ngày 16/12, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, đã có văn bản gửi Công an thành phố Hà Nội và các bên liên quan đề nghị khẩn trương điều tra, khởi tố vụ án hình sự về hành vi cố ý gây thương tích đối với người dưới 16 tuổi; đồng thời áp dụng biện pháp bảo vệ gia đình và bé trai cháu bé.
Hành vi đánh trẻ em như nội dung đơn của gia đình và qua lời các nhân chứng cũng như diễn biến vụ việc trên của ông Hà là không thể chấp nhận được. Bởi hành vi đánh trẻ em gây hậu quả nghiêm trọng tới thể chất và tinh thần của nạn nhân. Do vậy cần xử lý nghiêm theo các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, để khởi tố được vụ án trên cần phải làm rõ nhiều vấn đề, tình tiết liên quan.
|
Việc ông Hà đánh bé 12 tuổi khiến dư luận bức xúc. |
Cần làm rõ chấn thương của bé 12 tuổi
Ngay sau khi xảy ra vụ việc bé N.A bị ông Trần Đức Hà hành hung do nghi ngờ bé lấy vợt cầu lông của con trai ông Hà, gia đình bé N.A đã đưa bé đi khám tại Bệnh viện Hồng Ngọc. Bác sĩ kết luận N.A bị chấn động não, chấn thương phần mềm vùng ngực.
Theo toa thuốc do Bệnh viện Hồng Ngọc kê cho thấy, các bác sĩ chẩn đoán sơ bộ, bệnh nhân bị chấn thương sọ não, chấn thương ngực và chẩn đoán xác thực bé bị chấn động não, chấn thương phần mềm vùng ngực.
Do vậy bác sĩ bệnh viện này đã kê đơn thuốc gồm Alpha Chymotrypsin Choay, Piracetam - Egis 800 mg, Tanakan và thuốc Paracetamol Efferalgan 500 với lời dặn nghỉ ngơi tại nhà, dùng thuốc theo đơn và đến khám lại ngay khi có bất thường (đau đầu, nôn…).
Theo đơn thuốc trên, thuốc Alpha Chymotrypsin Choay là một loại thuốc dùng để chống viêm như trong điều trị viêm mô mềm và phù nề. Piracetam - Egis 800Mg dùng đề điều trị chứng chóng mặt, suy giảm trí nhớ. Trong khi đó, thuốc Tanakan được dùng trong các trường hợp: bệnh mất trí nhớ, lo âu, tâm thần phân liệt và suy não (không đủ lưu lượng máu đến não) và thuốc Paracetamol Efferalgan 500 có tác dụng giảm đau (làm giảm cơn đau) và tác dụng hạ sốt (giảm sốt).
Nếu theo kết quả khám và đơn thuốc của Bệnh viện Hồng Ngọc, chấn thương của bé N.A ở dạng bình thường. Tuy nhiên, để làm rõ chấn thương của bé, Cơ quan công an cần đưa bé đi giám định thương tích.
Một cán bộ Công an quận Bắc Từ Liêm cho biết, đây là vụ án cố ý gây thương tích nên phải đi giám định thương tật thì mới có căn cứ để xử lý hành vi của ông Trần Đức Hà.
“Công an quận đã gửi ban hành quyết định trưng cầu giám định thương tật đối với cháu bé, nhưng người nhà xin hoãn đưa cháu đi giám định thương tật", cán bộ này cho biết. Lý giải về vấn đề tại sao lại hoãn không cho cháu bé đi giám định thương tật gia đình cháu N.A cho biết là bởi vì cháu đang bận đi học.
|
Đơn thuốc của Bệnh viện Hồng Ngọc kê cho cháu bé. |
Người lớn đánh trẻ con là vi phạm Luật… xử thế nào?
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng VPLS Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, trẻ em là đối tượng đặc biệt được pháp luật Việt Nam và cả Công ước quốc tế bảo vệ.
Tại điều 20 Hiến pháp 2013 quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”.
Điều 27, Luật trẻ em 2016 quy định về quyền được bảo vệ để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc nêu rõ: “Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc làm tổn hại đến sự phát triển toàn diện của trẻ em”.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm cho biết, xét hành vi của ông Hà thấy chỉ vì nghi ngờ cháu lấy vợt cầu lông của con nên đã túm cổ cháu N.A, đấm thẳng vào thái dương trái, phải, ngực và đá vào chân cháu. Đáng lẽ ra, với tư cách là người lớn tuổi, cũng là cha có con nhỏ thì ông Hà phải nói chuyện với bố mẹ cháu để tìm hiểu sự việc nhưng đáng tiếc lại sử dụng vũ lực đánh cháu bé một cách dã man, tàn bạo như vậy là không thể chấp nhận được kể cả về đạo đức xã hội và pháp luật.
“Với hậu quả cháu bé chuẩn đoán bị chấn động não và chấn thương phần mềm vùng ngực thì ông Hà sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật do hành vi xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của cháu bé”, luật sư Thơm cho hay.
Để có căn cứ xử lý vụ việc, luật sư Thơm cho rằng, cơ quan điều tra cần trưng cầu giám định tỷ lệ thương tích của cháu bé theo quy định của pháp luật.
Nếu kết quả giám định tỷ lệ thương tích cho thấy các chấn thương vùng đầu (sọ não) là nghiêm trọng, nguy hiểm đến tính mạng cháu bé thì ông Hà sẽ phải chịu trách nhiệm về tội Giết người được quy định tại điểm b, n Khoản 1 Điều 123 BLHS.
Trường hợp kết quả giám định tỷ lệ thương tích của cháu bé không nguy hiểm đến tính mạng hoặc không nghiêm trọng dưới 11% thì ông Hà cũng phải chịu trách nhiệm về tội Cố ý gây thương tích theo điểm c, i Khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự.
Trường hợp cháu bé bị hành hung chỉ bị chấn thương phần mềm, không gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe, không có tỷ lệ thương tật (0%) thì ông Hà sẽ phải xử lý bằng biện pháp hành chính theo Nghị định 167/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi “Xâm hại đến sức khỏe của người khác”.
Ngoài việc xử lý hành vi hành hung cháu, ông Trần Đức Hà còn phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ các chi phí khám chữa bệnh, bồi bổ cơ thể, tổn hại tinh thần và các chi phí hợp lý, hợp lệ khác theo quy định của Bộ luật dân sự.
>>> Mời độc giả xem video Vì chiếc vợt cầu lông, bé trai bị hàng xóm hành hung gây chấn động não:
Tâm Đức