Để ứng phó khẩn cấp với bão số 3 (tên quốc tế là bão Sơn Tinh) chuẩn bị đổ bộ vào các tỉnh từ Thái Bình đến Hà Tĩnh, sáng 18/7, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã tổ chức cuộc họp do Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - Nguyễn Xuân Cường chủ trì.
Theo bản tin lúc 10h sáng của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn TW, trong 24 giờ tới, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 25-30km; trong chiều tối và tối nay (18/7), vùng tâm bão với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực ven biển các tỉnh từ Thái Bình đến Quảng Bình, sau đó bão sẽ đi vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Tại cuộc họp, đại diện của các cơ quan đã báo cáo tình hình và công tác chỉ đạo ứng phó với bão số 3; các Bộ, ngành đã có các công điện chỉ đạo các đơn vị trực thuộc để triển khai và tổ chức các đoàn công tác kiểm tra chỉ đạo tại địa phương.
|
Quang cảnh cuộc họp. |
|
Ông Hoàng Đức Cường _ Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia. |
Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT do Ủy viên thường trực –Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 3 tại tỉnh Nam Định và Thái Bình; Đoàn công tác của Tổng cục Thủy lợi do Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tỉnh làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra công tác tiêu úng tại một số địa phương.
|
Đại tá Trần Dương Kiên - Trưởng phòng cứu hộ, cứu nạn, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng. |
Về tình hình hồ chứa, các hồ chứa khu vực miền núi phía Bắc đạt từ 50-70% dung tích thiết kế; riêng tại tỉnh Lào Cai và Hà Giang các hồ chứa đã đạt trên 90% dung tích thiết kế; Các hồ chứa thuộc các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế đạt từ 50-65% dung tích thiết kế.
Về hệ thống đê điều, do mưa to, dài ngày, trên tuyến đê biển 5 của tỉnh Thái Bình bị sạt lở 05 đoạn với tổng chiều dài 135m. Hiện địa phương đã lập phương án xử lý theo phương châm “4 tại chỗ” để triển khai thực hiện.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết, tính đến 6h00 ngày 18/7, các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Bình đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 56.595 phương tiện/237.532 lao động biết diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động di chuyển phòng, tránh hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Trong khi Đại tá Trần Dương Kiên - Trưởng phòng cứu hộ, cứu nạn, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng – thông tin, đến 8h45 sáng nay chỉ còn 34 tàu cá/94 lao động vẫn đang hoạt động ở vùng nguy hiểm và các địa phương đã thông tin cho các tàu này biết, sẽ khẩn trương di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm trước 12h trưa ngày 18/7.
Không để các tàu thuyền hoạt động trong khu vực nguy hiểm
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã chỉ đạo tiếp tục rà soát, kiểm tra các tàu thuyền trên biển, không để các tàu thuyền hoạt động trong khu vực nguy hiểm.
“Kiểm tra toàn bộ khu vực tránh trú tàu thuyền từ Hải Phòng đến Hà Tĩnh đảm bảo an toàn; thực hiện cấm biển; Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cho công tác cứu hộ cứu nạn; Bộ Ngoại giao tăng cường công tác điện đàm cho các nước trong khu vực hỗ trợ tàu thuyền của Việt Nam đến tránh trú bão; kiểm tra lại các điểm du lịch đảm bảo an toàn cho khách du lịch và người dân”, Bộ trưởng Cường nói.
|
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường. |
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng chỉ đạo tiếp tục kiểm tra, rà soát, đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, hồ đập xung yếu; triển khai các biện pháp chống sạt lở bờ sông, bờ biển; sạt lở đất ở khu vực phía Tây các tỉnh Bắc Trung bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh).
Đối với sản xuất, trồng trọt, tập trung ứng phó với ngập úng để bảo vệ cây lúa, mở rộng phạm vi các tỉnh nam sông Hồng, chủ động tiêu úng trước.
Đối với hồ chứa, tiếp tục theo dõi, tính toán vận hành liên hồ chứa phù hợp với diễn biến tình hình mưa lũ đảm bảo an toàn chống lũ theo quy định.
Cùng với đó, các Bộ, ngành liên quan duy trì tổ chức trực ban nghiêm túc, căn cứ tình hình diễn biến thực tế để chỉ đạo, có các phương án sẵn sàng, chủ động ứng phó. Theo dõi vận hành các hệ thống hồ thủy điện đặc biệt theo dõi các hệ thống hồ thủy điện nhỏ ở miền Trung và Tây Nguyên.
Hải Ninh