Bão Sơn Tinh giật cấp 10 đổ bộ đất liền: Hoãn họp, cấm biển, di dân ứng phó

Google News

(Kiến Thức) - Các tỉnh từ Thái Bình đến Hà Tĩnh nằm trực tiếp trong vùng ảnh hưởng của bão Sơn Tinh có sức gió giật cấp 10 đang tích cực triển khai các phương án ứng phó như hoãn họp, cấm biển, kêu gọi tàu thuyền, di dân...

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, vào hồi 04 giờ ngày 18/07, vị trí tâm bão Sơn Tinh ở vào khoảng 18,9 độ Vĩ Bắc; 110,5 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông đảo Hải Nam, cách đất liền các tỉnh từ Thái Bình đến Hà Tĩnh khoảng 470km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11.
Vào khoảng chiều tối nay (18/7), vùng tâm bão với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực ven biển các tỉnh từ Thái Bình đến Hà Tĩnh, sau đó bão sẽ đi vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
 
Nam Định: Hoãn các cuộc họp không cần thiết, tập trung chống bão
Để ứng phó với cơn bão số 3 với sức gió giật cấp 10, ngay trong chiều 17/7, UBND tỉnh Nam Định đã ra công điện khẩn hỏa tốc chống bão số 3.
Theo nội dung công điện, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị chỉ đạo hoãn tất cả các cuộc họp chưa cần thiết để tập trung chống bão theo phương châm 4 tại chỗ. Khẩn trương rà soát kiểm đếm tàu thuyền, hướng dẫn ngư dân vào nơi tránh trú an toàn.
Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cũng yêu cầu cấm biển từ 5h sáng ngày 18/7, tập trung sơ tán người canh coi tại các chòi canh trước 12h ngày 18/7.
Ngay trong chiều 17/7, UBND tỉnh Nam Định đã tổ chức cuộc họp triển khai công tác phòng chống, ứng phó với bão số 3 và mưa lũ.
 Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đi kiểm tra đê điều, neo đậu tàu thuyền tại Cồn Tròn, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị yêu cầu các sở, ngành và các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 3 trên các phương tiện thông tin đại chúng; báo cáo kịp thời công tác phòng chống, ứng phó với bão số 3 về BCH PCTT-TKCN tỉnh Nam Định.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao Bộ đội Biên phòng tỉnh và các huyện ven biển quản lý chặt chẽ, kiểm đếm tàu khai thác hải sản; gia cố lồng, bè, ao, đầm nuôi thủy sản. Không để người dân ở lại tàu thuyền, chòi canh nuôi thủy sản. Triển khai phương án đảm bảo an toàn đê điều, đặc biệt là các công trình đang thi công, các sự cố xảy ra năm 2017. Rà soát, kiểm tra các phương án tiêu thoát nước ở đô thị, chặt tỉa cành cây, kiểm soát nhà nguy hiểm. Tổ chức lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng trong mọi tình huống…
Hiện nay, các địa phương tại Nam Định đã xây dựng phương án sơ tán dân khi bão đổ bộ trực tiếp trong các trường hợp bão cấp 10, cấp 11-12, trên cấp 12 và trong trường hợp các triền sông có lũ trên báo động 3.
Thái Bình: Để xảy ra thiệt hại về người, tài sản, người đứng đầu địa phương chịu trách nhiệm
Tại Thái Bình, từ gần sáng 18/7, vùng biển ngoài khơi Thái Thuỵ-Tiền Hải (Thái Bình) có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, sóng biển cao 4-6m; biển động mạnh.
Ngay trong ngày 17/7, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thái Bình đã có công điện khẩn chỉ đạo ứng phó với bão.
Theo đó, yêu cầu khẩn trương kêu gọi hướng dẫn tàu thuyền còn đang hoạt động trên sông, biển khẩn trương về nơi tránh trú an toàn, nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi từ 12h trưa 17/7, khẩn trương chỉ đạo kiểm tra đôn đốc việc cắt tỉa cành cây lớn, chằng chống nhà cửa, trường học, bệnh viện, lồng bè trang trại nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản ở ven sông, biển, đóng các cửa khẩu, băng két qua đê biển, đê cửa sông; di dời số lao động nuôi ngao, nuôi trồng thủy, hải sản và các hộ dân sinh sống ngoài đê chính, ngư dân trên phương tiện làm ăn trên sông, biển; kiên quyết di dân đến nơi an toàn.
 Công tác ứng phó bão số 3 đang được khẩn trương triển khai ở Thái Bình. Ảnh: Thaibinhtv
Công điện nêu rõ: “Nếu địa phương, đơn vị nào để xảy ra thiệt hại về người, tài sản mà không chủ động, ứng phó kịp thời thì người đứng đầu các địa phương, đơn vị đó phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật”.
Ngay trong ngày 17/7, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình - Nguyễn Hồng Diên đã kiểm tra công tác ứng phó với cơn bão số 3 tại huyện Tiền Hải và Thái Thụy.
Bí Thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Hồng Diên đã yêu cầu các đơn vị, địa phương cần thực hiện nghiêm các Công điện khẩn của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình. Khẩn trương kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền, các phương tiện hoạt động trên biển; thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo kịp thời cho các chủ phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động tìm nơi tránh, trú an toàn.
Theo dõi sát diễn biến của mưa bão, chủ động xây dựng các phương án phòng, chống lụt bão, kể cả phương án phòng, chống siêu bão, theo phương châm 4 tại chỗ, tránh tư tưởng chủ quan, trông chờ, hạn chế thấp nhất thiệt hại khi có thiên tai, bão lũ xảy ra. Chuẩn bị đầy đủ phương tiện, nhân lực sẵn sàng tham gia ứng phó sự cố trong mưa bão. Tập trung xử lý, giải tỏa các vật cản trên sông trục, sông dẫn.
Các tỉnh Thanh Hóa, Hải Phòng, Hà Tĩnh khẩn trương ứng phó bão
Để ứng phó với cơn bão số 3, ngay trong chiều tối ngày 17/7, UBND tỉnh Thanh Hóa đã triệu tập cuộc họp bất thường để triển khai các phương án phòng tránh, chủ động ứng phó với cơn bão số 3.
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa - Nguyễn Đức Quyền nhận định, cơn bão Sơn Tinh là cơn bão có cường độ mạnh, di chuyển nhanh, khó lường.
Do vậy, Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Quyền yêu cầu các thành viên của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh phải sát sao, chỉ đạo các địa phương triển khai các biện pháp phòng chống thiên tai theo sự phân công.
Các địa phương ven biển cùng lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh phải tiến hành “cấm biển”, tuyệt đối không cho phương tiện nào ra khơi; với các tàu du lịch, cũng phải kịp thời yêu cầu đi tránh trú sâu vào đất liền.
Các địa phương triển khai cho các chủ lồng bè nuôi trồng thủy sản chằng chống an toàn, đồng thời kiên quyết không để người trên các chòi canh khi bão đổ bộ; khẩn trương triển khai phương án sơ tán dân ở vùng ven biển, ven sông, vùng có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét đến nơi an toàn, sẵn sàng thực hiện phương án sơ tán dân ven biển khi có lệnh.
Ngành nông nghiệp cùng các địa phương chú trọng công tác bảo đảm an toàn cho các hồ chứa, những hồ không bảo đảm an toàn thì tuyệt đối không tích nước. Các ngành, đơn vị liên quan có trách nhiệm chuẩn bị phương tiện, lực lượng cứu hộ, cứu nạn, luôn đặt trong tình trạng sẵn sàng chờ lệnh. Tất cả các ngành thành viên, các đơn vị huyện, các xã phải tổ chức trực ban 24/24 giờ.
 Clip Bão số 3 di chuyển nhanh, miền Trung cấp tập ứng phó. Nguồn VTC 14.
Tại Hà Tĩnh, do ảnh hưởng từ cơn bão, khu vực tỉnh Hà Tĩnh có mưa lớn kéo dài, gió mạnh cấp 6, giật cấp 8, biển động mạnh, các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang ngập lụt diện rộng. Đã có một người dân tử vong do bị lũ cuốn trôi tại xã Sơn Hòa (huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh). Hiện nay, công tác triển khai ứng phó bão đang được tỉnh Hà Tĩnh khẩn trương triển khai.
Tại Hải Phòng, chiều 17/7, UBND thành phố Hải Phòng cũng đã ra công điện khẩn cấp phòng chống bão số 3. Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng đã yêu cầu Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các quận, huyện và thủ trưởng các Sở, ngành phải kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển khẩn trương di chuyển về nơi an toàn, không để người trên các tàu thuyền, nhà bè trên biển trước khi bão đổ bộ.
Trực cấp cứu 24/24h
Chiều ngày 17/7, Bộ Y tế đã tiếp tục có công điện khẩn số 698/CĐ-BYT gửi Sở Y tế các tỉnh/thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh đề nghị triển khai công tác y tế ứng phó với cơn bão số 3 (bão Sơn Tinh).
Bộ Y tế cũng yêu cầu Sở Y tế các tỉnh/thành phố trên chủ động sẵn sàng về nguồn nhân lực, vật tư cơ số thuốc, hóa chất phòng chống lụt bão, tổ chức trực ban, trực cấp cứu, sẵn sàng thu dung cấp cứu cho nạn nhân ảnh hưởng của mưa, lũ bão gây ra.
Các đội cấp cứu cơ động luôn trong trạng thái sẵn sàng ứng cứu cho tuyến dưới khi có lệnh. Khẩn trương triển khai các phương án bảo vệ hoặc di dời các cơ sở y tế để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân, cán bộ y tế cũng như trang thiết bị y tế tại các vùng cơ nguy cơ bị ảnh hưởng do mưa lũ, lên kế hoạch chủ động sơ tán cơ sở y tế ở những vùng thấp, trũng, vùng có nguy cơ lũ quét, lũ ống và sạt lở đất.
Đối với các đơn vị trực thuộc Bộ khu Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và vực miền Trung, Bộ Y tế yêu cầu chuẩn bị sẵn các cơ số thuốc, thiết bị phương tiện và phân công các đội y tế cơ động sẵn sàng hỗ trợ các địa phương trong công tác ứng phó, khắc phục hậu quả do mưa, bão gây ra.
Hải Ninh