Liên quan đến sai phạm trong việc sử dụng đất rừng Sóc Sơn, mới đây, ngày 28/11, Văn phòng Chính phủ có công văn 11581 gửi Bộ Công an, Bộ NN&PTNT, UBND TP Hà Nội truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về xử lý phản ánh của báo chí về các công trình xây dựng trên đất rừng phòng hộ tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội.
Công văn nêu rõ, trong những ngày vừa qua, nhiều báo có bài viết phản ánh tình trạng các công trình xây dựng vi phạm trên đất rừng phòng hộ tại nhiều xã thuộc huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội gây bức xúc dư luận.
Về việc này, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND thành phố Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công an khẩn trương báo cáo kết quả thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý sau thanh tra đất rừng huyện Sóc Sơn tại Văn bản số 2664/VPCP-V.I ngày 22/5/2006 của Văn phòng Chính phủ trước ngày 15/12/2018.
|
Hàng loạt công trình biệt thự, nhà vườn đua nhau xẻ núi, lấp hồ ở khu vực đất rừng Sóc Sơn gây bức xúc dư luận. Ảnh: cafef |
Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo công tác thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng đất rừng trên địa bàn huyện Sóc Sơn, đảm bảo kết luận đầy đủ, chính xác, khách quan và xử lý nghiêm các vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/2/2019.
Trước đó, Kiến Thức đã đưa tin, mới đây UBND Hà Nội đã chính thức có quyết định thanh tra toàn diện quá trình quản lý, sử dụng đất rừng, trật tự xây dựng từ 2008 đến nay tại hai xã Minh Phú và Minh Trí thuộc huyện Sóc Sơn. Thời gian thanh tra là 45 ngày.
Ngày 26/10, Chủ tịch UBND xã Minh Phú bị đình chỉ công tác để huyện tập trung chỉ đạo giải quyết 18 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn.
Ngày 30/10, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chủ trì phiên họp giao ban công tác UBND TP tháng 10, nhiệm vụ trọng tâm các tháng cuối năm.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị liên quan phải xử lý nghiêm vi phạm trật tự xây dựng trong vụ "xẻ thịt đất rừng" Sóc Sơn. Với 27 công trình vi phạm mới ở rừng đặc dụng, Sở NN&NT và huyện phải tổ chức cưỡng chế vi phạm.
“Trước tiên, cần ra thông báo để các hộ dân tự tháo dỡ, không thực hiện thì sẽ ra quyết định cưỡng chế, không để tồn tại các công trình vi phạm. Phải thực hiện nghiêm bất kể là ai. Với các công trình vi phạm trước đó, cần thực hiện đúng theo kết luận của Thanh tra Chính phủ. Sau khi Thanh tra thành phố thực hiện xong thanh tra toàn diện sẽ xem xét cụ thể trách nhiệm”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh.
Mới đây, chiều 29/11, tại buổi họp báo chuẩn bị cho kỳ họp thứ 7 HĐND TP Hà Nội, Trưởng ban Pháp chế Nguyễn Hoài Nam khi trả lời thông tin báo chí liên quan đến những sai phạm trong quản lý đất rừng tại Sóc Sơn đã thừa nhận việc đôn đốc xử lý vi phạm có chậm trễ, việc thực hiện khắc phục sai phạm chưa đến nơi đến chốn, chưa quyết liệt.
“Riêng Sóc Sơn, năm 2006, chính ban Pháp chế giám sát và phát hiện ra vi phạm, sau đó thanh tra vào cuộc và cách chức mười mấy đồng chí cán bộ cấp xã và lãnh đạo huyện Sóc Sơn. Sau đó, Thanh tra Chính phủ vào và yêu cầu khởi tố, thì hàng loạt lãnh đạo xã đã đi tù. Tuy nhiên, việc tổ chức triển khai kết luận thanh tra thì có chậm. Do đó, hiện thành phố đang đợi kết luận của Thanh tra Thành phố, không chỉ rà soát các vi phạm cũ mà kể cả vi phạm mới để có hướng xử lý”, ông Nguyễn Hoài Nam nói.
Hải Ninh