Câu chuyện hàng loạt công trình xây dựng trái phép, “xẻ thịt” đất rừng, đất vườn ở Sóc Sơn (Hà Nội) đã khiến dư luận bức xúc trong suốt thời gian dài. Bởi có những công trình đã được chỉ ra sai phạm nhưng vẫn tồn tại 12 năm qua như phủ Thành Chương, nhà ca sĩ Mỹ Linh chưa bị xử lý, tháo dỡ phần sai phạm.
Sau chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội về việc phải xử lý nghiêm vi phạm trật tự xây dựng ở huyện Sóc Sơn, người dân tin tưởng việc xử lý những công trình “xẻ thịt” đất rừng ở Sóc Sơn sẽ được làm quyết liệt trong thời gian tới, bất kể chủ của những công trình này là ai.
Thế nhưng mới đây, khi trao đổi với báo chí, Bí thư huyện ủy Sóc Sơn – Phạm Xuân Phương thông tin huyện đang chỉ đạo xử lý 18 công trình vi phạm, dự kiến xong trong tháng 11. Tuy nhiên, trong những công trình này không có công trình của ca sĩ Mỹ Linh hay phủ Thành Chương.
|
Việt phủ Thành Chương. Ảnh: Zing. |
Giải thích điều này, ông Phương cho rằng đây là những công trình lớn, không thuộc thẩm quyền của huyện. Đáng chú ý, theo lời Bí thư Sóc Sơn, phủ Thành Chương là nơi giới thiệu văn hóa Việt cổ, phá đi thì rất lãng phí.
Vị Bí thư huyện nói rằng, sau khi có phủ Thành Chương nhiều người mới biết đến rừng Sóc Sơn. Và ngay cả bây giờ, hàng ngày các đoàn khách quốc tế vẫn đến tham quan phủ Thành Chương, nghe giới thiệu về văn hóa Việt cổ. Bởi vậy, huyện Sóc Sơn cũng đang xem xét để đưa ra kiến nghị với trường hợp như phủ Thành Chương.
Bí thư huyện Sóc Sơn cho rằng, bây giờ chỉ làm chuyển đổi mục đích sử dụng đất của phủ Thành Chương thôi, nếu làm được như vậy thì tốt.
Lý giải trên của Bí thư huyện ủy Sóc Sơn được cho là khó hiểu, tạo nên nghịch lý. Bởi đã là quy định của pháp luật thì cần phải thực hiện nghiêm chứ không phải “tồn tại hay không tồn tại”, không thể cứ vi phạm bất chấp quy định của pháp luật để rồi “làm chuyển đổi mục đích sử dụng đất” để tồn tại. Trên thế giới không đâu có kiểu xử lý lạ lùng như thế.
Dù biết rằng, phủ Thành Chương của họa sĩ Nguyễn Thành Chương được xây dựng trên phần đất giáp ranh giữa đất rừng với đất thổ cư. Từ một khu đồi hoang trọc thành một quần thể như một địa chỉ văn hóa của Việt Nam khi lưu giữ nhiều căn nhà truyền thống của làng quê Bắc Bộ có từ hàng nghìn năm trước. Một công trình công phu với rất nhiều những giá trị truyền thống, giá trị dân gian, những di sản, cổ vật mà không chỉ có tiền bạc, còn tâm huyết, tài năng của Thành Chương mới có thể sưu tầm, phục dựng được.
Tuy nhiên, đây cũng là một quần thể công trình được xây dựng không phép. Mà theo quy định buộc phải xử lý sai phạm.
Thế nhưng, trong khi huyện Sóc Sơn đang ráo riết tháo dỡ 18 công trình vi phạm và đã từng tháo dỡ cưỡng chế hàng chục công trình vi phạm khác thì với phủ Thành Chương, dường như huyện Sóc Sơn lại đang “tháo gỡ” cho những công trình này tiếp tục được tồn tại và hoạt động.
Rõ ràng, đó là một nghịch lý tạo nên những bất công khi thực thi luật pháp khi một cái chuồng gà, chuồng lợn vi phạm lập tức bị tháo dỡ nhưng những công trình vi phạm với mức độ nghiêm trọng thì vẫn… trơ gan cùng tuế nguyệt hàng chục năm qua không bị xử lý.
Nên nhớ rằng, để phủ Thành Chương không phép hoàn thiện và đưa vào hoạt động là do cán bộ địa chính và thanh tra xây dựng xã buông lỏng quản lý, không kịp thời phát hiện, ngăn chặn xây dựng. Đến nay việc xử lý các cá nhân vi phạm vẫn còn đang là dấu hỏi lớn.
Không phải ngẫu nhiên, đại biểu Dương Trung Quốc trên diễn đàn Quốc hội mới đây cũng lấy những vi phạm xây dựng trái phép trên đất rừng phòng hộ tại Sóc Sơn để kiến nghị chấm dứt việc phạt cho tồn tại. Bởi theo ông, những việc vi phạm tại đất rừng phòng hộ Sóc Sơn rõ ràng cho thấy bộ máy chính quyền ở địa phương phải chịu trách nhiệm “vì chắc chắn không có cái gì lọt qua mặt nhưng mà có những cái lọt qua tay”.
Trên thực tế, việc phạt cho tồn tại khiến nhiều người nhờn luật mà nói như đại biểu Dương Trung Quốc là “một quá trình hủy hoại luật pháp, phá hoại bộ máy công quyền của chúng ta”.
Bởi vậy, dư luận cho rằng, để quy định của pháp luật được thực thi, tránh tình trạng nhờn luật, không chỉ hoạ sĩ Thành Chương mà bất kỳ ai nếu vi phạm đều phải bị xử lý nghiêm minh. Có xử lý nghiêm minh mới đủ sức nặng để răn đe những cá nhân khác, mới khiến dư luận có niềm tin vào công lý luôn được thực thi, dù bất kỳ ai sai phạm, dù công trình ấy được đầu tư quy mô đến đâu.
Phá dỡ phủ Thành Chương như lời Bí thư huyện Sóc Sơn có thể sẽ “lãng phí” nhưng dù có “lãng phí” cũng phải phá bỏ, bởi không có sự “lãng phí” nào bằng sự “lãng phí” quy định của pháp luật khi không được thực thi nghiêm.
Thiên Nga