* Bài viết sau đây thể hiện góc nhìn riêng của Kiến Thức
Hiện nay trong thời buổi cạnh tranh toàn cầu, nền giáo dục cũng không tránh khỏi nằm ngoài xu thế tiến bộ đó của thời đại. Các cơ sở giáo dục ngày nay sẽ phải cạnh tranh nhau về thứ hạng, để người học biết rõ mà "chọn mặt gửi vàng", đem tương lai của mình mà gửi gắm vào trường đào tạo.
Thế cho nên, bảng xếp hạng 49 trường đại học ở Việt Nam do một nhóm chuyên gia độc lập công bố vừa qua đã gây xôn xao trong dư luận cả nước, khi nhiều đại học trẻ "lên ngôi" trong khi các trường khối kinh tế nổi tiếng nằm ở vị trí khá thấp.
Theo TS Lê Quang Hưng, nhà nghiên cứu tại Melbourne, Australia - chủ biên của Báo cáo xếp hạng, thì nhóm thực hiện đề án vì đánh giá và xếp hạng đang là xu hướng trên thế giới, nhưng không có bảng xếp hạng nào phù hợp với Việt Nam.
Tỉ lệ lượng hóa các tiêu chí do nhóm chuyên gia đưa ra là: 40% (nghiên cứu khoa học), 40% (giáo dục đào tạo) và 20% (cơ sở vật chất và quản trị).
|
Nguồn ảnh: dangcongsan.vn |
Tuy nhiên, cách xếp hạng như vậy rõ ràng không giúp ích gì cho người học khi đang đứng trước "ngã 3 đường". Người học đang băn khoăn trước các cổng trường đại học đang ra sức chào đón chiêu sinh, họ không biết "chọn một dòng hay để nước trôi", nên chọn học trường nào để đảm bảo có công ăn việc làm trong tương lai?
Trong khi cái người học quan tâm nhất mà cái bảng xếp hạng này đã không đáp ứng đến, thì như vậy nó cũng đồng thời không đáp ứng được cả yêu cầu giáo dục đào tạo đáp ứng sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Một lẽ tất nhiên, nhà nước cần đánh giá hiệu quả của các cơ sở giáo dục này qua việc cung cấp được nguồn nhân lực sử dụng được là bao nhiêu trong việc làm mới bộ máy nhà nước với năng lực nhân sự ngày càng cao, chứ không phải đánh giá qua những cái danh tiếng hão như đào tạo được bao nhiêu tiến sĩ, thạc sĩ như kiểu "lò ấp công nghiệp" của Học viện Khoa học xã hội (KHXH), Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam mà Bộ GD-ĐT vừa qua phải thanh tra.
Và ngay cả đến các doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ tuyển dụng cũng cần nhất là nguồn nhân lực đáp ứng tốt công việc của họ trên thực tế, không cần những cái” tiêu chí trời ơi đóng góp tận đẩu đâu” không phải nơi họ tuyển dụng.
Cho nên, những tiêu chí mà nhóm chuyên gia này đưa ra thì trên thực tế đó chỉ là những tiêu chí thứ yếu. Tiêu chí quan trọng nhất của trường đại học hiện nay, là tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp ra trường được làm đúng chuyên môn đào tạo. Đó mới là tiêu chí đánh giá mà cả người học, cho đến nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức đều cần biết để đánh giá được năng lực của cơ sở đào tạo so với yêu cầu của thực tiễn.
Rõ ràng, công trình khoa học có vang vọng đến đâu, giáo dục và đào tạo có nhiều thạc sĩ tiến sĩ “như rừng”, cơ sở vật chất có lộng lẫy thế nào đi nữa mà sinh viên tốt nghiệp ra trường vẫn cứ phải "bằng cấp treo chuồng gà" làm trái ngành trái nghề, thì những tiêu chí ấy đâu có ý nghĩa gì ở Việt Nam hiện nay?
Như vậy, đánh giá xếp hạng đại học ở Việt Nam hiện nay thì cần nhất là đánh giá theo đầu ra của sinh viên tốt nghiệp trường đó mỗi năm, không phải đánh giá theo kiểu "lâu năm lên lão làng", cứ xét thành tích ảo mà xếp hạng "lão làng" như vậy.
Theo bảng xếp hạng tổng thể mà nhóm chuyên gia này công bố, ĐHQG Hà Nội đứng đầu bảng với số điểm trung bình là 85.3. Các ĐH vùng và ĐHQG khác như ĐHQG TP.HCM, ĐH Đà Nẵng, ĐH Cần Thơ, ĐH Huế… đều nằm trong tốp 10.
Cụ thể, ĐH Đà Nẵng xếp thứ 4, ĐHQG TP.HCM xếp thứ 5, ĐH Cần Thơ xếp thứ 6 và ĐH Huế xếp thứ 8.
Đáng chú ý, trong bảng xếp hạng này là các trường ĐH "trẻ" như Trường ĐH Tôn Đức Thắng và Trường ĐH Duy Tân đều có mặt trong tốp 10. Trong đó, Trường ĐH Tôn Đức Thắng xếp thứ 2 với mức điểm 72.0 điểm còn ĐH Duy Tân xếp ở vị trí thứ 9.
Các trường ĐH khối kinh tế có vị trí khá thấp trong bảng xếp hạng này. Cụ thể Trương ĐH Ngoại thương xếp thứ 23. Trường ĐH Thương mại xếp thứ 29. Trường ĐH Kinh tế quốc dân xếp thứ 30. Học viện Tài chính xếp thứ 40 và Học viện Ngân hàng xếp thứ 47.
Phạm Mạnh Hà