Biên chế trong giáo dục đại học: Những tranh cãi không hồi kết

Google News

Tương tự như trong giáo dục phổ thông, tranh luận về biên chế trong giáo dục đại học cũng rất phức tạp nhưng câu chuyện mang màu sắc khá khác biệt.

Những thay đổi đối với chế độ biên chế ở trường đại học

Theo thống kê của Hiệp hội Giáo sư Mỹ, năm 1975 có tới 57% các vị trí giảng viên ở Mỹ là biên chế hoặc theo ngạch biên chế nhưng đến năm 2009, tỷ lệ này giảm đáng kể chỉ còn khoảng 30%. Sự thay đổi này diễn ra chủ yếu trong giai đoạn 1997-2007.

Đáng lưu ý rằng trước khi vấn đề bãi bỏ biên chế được đặt ra ở các trường đại học Mỹ, chế độ biên chế đã không còn tồn tại ở các ngành khác.

Trước đó, ở Anh, khi Thủ tướng Thatcher yêu cầu các trường đại học nâng cao hiệu quả, chế độ biên chế cũng đã được bãi bỏ.

Ở các hệ thống khác như Úc và các nước châu Âu, tỷ lệ giáo sư biên chế giảm dần cùng với việc thắt chặt việc trao biên chế cho cán bộ giảng dạy, nghiên cứu. Việc bãi bỏ biên chế trong đại học chủ yếu liên quan tới những vấn đề về chất lượng, hiệu quả đào tạo và tài chính.
Bien che trong giao duc dai hoc: Nhung tranh cai khong hoi ket
 
Tuy vậy, trong vài năm trở lại đây, một số trường đại học như nhóm trường Sage (Mỹ) lại đang xem xét tái thiết lập hệ thống biên chế sau hơn một thập kỷ bãi bỏ chế độ nhân sự này.

Sự việc xảy ra khi các trường đưa vào áp dụng mô hình quản trị đại học chia sẻ vai trò giữa tài chính và học thuật (shared governance) thấy rằng họ thiếu đội ngũ cán bộ học thuật có độ gắn kết cao với trường để tham gia quản trị và các hoạt động của nhà trường.

Những tranh cãi không hồi kết về biên chế

Các ý kiến đối lập chủ yếu xoay quanh hai nhóm vấn đề chính: chất lượng đào tạo và tài chính trong đại học. Việc sử dụng giảng viên hợp đồng cho phép lãnh đạo trường linh hoạt trong việc phát triển quy mô đội ngũ giảng dạy theo nhu cầu và điều kiện tài chính. Tuyển dụng giảng viên bán thời gian cũng tránh cho trường phải trả những chi phí đãi ngộ dành cho giảng viên biên chế.

Ngoài những lý do liên quan tới tài chính, còn có những nguyên do về chuyên môn thúc đẩy việc xoá bỏ biên chế ở các trường đại học.

Biên chế được cho là cản trở việc sản sinh tri thức mới. Do áp lực nghiên cứu khoa học để được nhận vào biên chế, giảng viên ít tập trung tìm tòi nghiên cứu những lĩnh vực mới và quan trọng (Wetherbe, 2013).

Liên quan tới công tác đào tạo, do các trường phải mất nhiều chi phí duy trì đội ngũ giảng viên biên chế, việc đầu tư cho công nghệ đào tạo tốt sẽ bị hạn chế. Hơn nữa, do không cắt giảm những giáo sư biên chế ở những ngành học cũ, các trường ít còn năng lực tài chính để tuyển dụng giáo sư các ngành mới để đáp ứng nhu cầu phát triển mới trong giáo dục đại học, nhất là các trường ngành STEM.

Các giáo sư trong biên chế cũng được cho là có xu hướng ít chịu đổi mới phương pháp giảng dạy. Mặc dù về nguyên tắc, giáo sư biên chế có thể bị sa thải nhưng cũng như trong giáo dục phổ thông, con số này chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ.

Trong khi các trường vẫn tiếp tục xu hướng bỏ biên chế, bắt đầu xuất hiện một số trường đặt vấn đề đưa biên chế trở lại sau nhiều năm xoá bỏ. Một trong những lập luận là biên chế giúp thúc đẩy da dạng văn hoá trong đại học (Abdul-Raheem, 2016).

Biên chế cũng được cho là thu hút được giảng viên có năng lực và nâng cao sự tham gia của họ vào các hoạt động của trường (Kiley, 2012). Một số học giả lại cho rằng để cho giảng viên chuyên tâm vào một lĩnh vực chuyên môn cao thì cần phải cho họ vào biên chế và công việc ổn định.

Cho dù biên chế không có tác động trực tiếp tới kết quả học tập của người học, đây là yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới động cơ, hứng thú làm việc của giáo viên, từ đó có tác động tới nhiều mặt như phương pháp giảng dạy và sự tận tâm của họ với nghề, qua đó ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng giảng dạy và kết quả của người học.

Tuy nhiên quá trình này còn có sự tham gia của rất nhiều yếu tố khác mà sự tương tác của chúng không dễ đoán định. Đây chính là khoảng trống cho các tranh luận bất tận về biên chế.

Giải pháp thay thế hoặc điều chỉnh biên chế

Giữa những tranh luận vẫn đang tiếp diễn về biên chế, các trường không ngừng đưa ra các giải pháp khác nhau.

Một hướng vẫn duy trì biên chế nhưng thắt chặt khâu đánh giá trước biên chế và sau biên chế. Hướng thứ hai là xoá bỏ biên chế, thay vào đó là ký kết hợp đồng có thời hạn, dài hạn nhiều năm, hoặc hợp đồng ngắn hạn với các đối tượng tuyển dụng. Có một loại hợp đồng khác là hợp đồng vĩnh viễn, nhưng không phải biên chế, vừa giúp giảng viên yên tâm về vị trí và việc, vừa giúp họ được hưởng một số đãi ngộ như biên chế.

Một số trường lại thử nghiệm áp dụng cả hai ngạch biên chế và không biên chế, cho phép giảng viên của họ được lựa chọn ngạch sẽ theo.

Trên thực tế, khi được lựa chọn, có một số không nhỏ đã lựa chọn ngạch biên chế, nhưng không phải không có người chọn ngạch không biên chế. Như vậy, có thể thấy rằng cả hai ngạch này và các loại hợp đồng đều có những ưu điểm và bất cập riêng.

Một vài điểm cần lưu ý về biên chế trong giáo dục trên thế giới
Bien che trong giao duc dai hoc: Nhung tranh cai khong hoi ket-Hinh-2
 
1. Biên chế là chính sách nhân sự quan trọng nhất nhưng cũng gây nhiều tranh cãi gay gắt nhất ở nhiều hệ thống giáo dục kể cả giáo dục phổ thông và giáo dục đại học trong nhiều năm qua.

Việc rà soát, đánh giá, điều chỉnh chính sách biên chế giáo viên sau với mục đích cải tiến và nâng cao hiệu quả giáo dục là bình thường và cần thiết ở bất cứ hệ thống giáo dục nào.

Cũng cần lưu ý rằng đây là chính sách độc lập. Việc áp dụng hay không áp dụng biên chế không phủ nhận các chính sách giáo viên khác, nhất là các chính sách liên quan tới phát triển giáo dục vùng miền.

2. Bản chất của biên chế không phải là để đảm bảo công ăn việc làm suốt đời cho giáo viên. Đó chỉ là một hệ quả của biên chế.

3. Hầu hết các nước đều áp dụng nhiều biện pháp quản lý chất lượng giáo viên như cấp chứng chỉ hành nghề thông qua thi tuyển ngặt nghèo, đào tạo và kèm cặp giáo viên mới sát sao, bồi dưỡng giáo viên và đánh giá định kỳ để tái cấp phép hành nghề. Những hình thức này đều được thực hiện nghiêm túc, khắt khe và thực chất, không phải chỉ mang tính hình thức, thủ tục.

4. Việc áp dụng chính sách biên chế có sự khác biệt giữa các bậc đào tạo (giáo dục phổ thông và giáo dục đại học), giữa các trường (trong giáo dục đại học) và giữa các địa phương (trong giáo dục phổ thông).

5. Biên chế trong giáo dục phổ thông ở nhiều nước được quản lý ở cấp tỉnh/hạt tương đương với cấp Sở giáo dục. Điều này có nghĩa biên chế chỉ có giá trị trong phạm vi tỉnh, không có giá trị trên phạm vi quốc gia.

Như vậy giáo viên thuộc biên chế của một tỉnh chỉ có thể luân chuyển công việc giữa các trường phổ thông trong địa phận hành chính của tỉnh đó.

Trong giáo dục đại học, cần đặc biệt lưu ý rằng để tôn trọng tính tự chủ và tự do học thuật của các trường, biên chế giảng viên ở nước ngoài được tổ chức theo trường. Không có biên chế nhà nước cho giảng viên. Như vậy, một giảng viên biên chế của trường này nếu chuyển sang trường khác không được nghiễm nhiên chuyển vào biên chế của trường mới. Họ vẫn phải trải qua quá trình xét duyệt biên chế như các ứng viên khác.

6. Có thể thấy những thay đổi trong chính sách nhân sự ở đại học liên quan chặt chẽ tới sự thay đổi về mô hình quản trị đại học.

Khi mô hình quản trị đại học học thuật (collegial governance) xem trọng vai trò của đội ngũ cán bộ học thuật (academics), chế độ biên chế được sử dụng rộng rãi để thu hút và phát triển đội ngũ giảng viên.

Sau đó, dưới áp lực về hiệu quả đặt ra trong giáo dục đại học, mô hình "quản trị doanh nghiệp"(corporate governance) đặt hiệu quả kinh tế và tài chính làm trọng đã thay thế mô hình cũ. Hiệu quả kinh tế và vấn đề tài chính được đặt lên đầu đã dẫn tới việc bãi bỏ chế độ biên chế.

Sau khi mô hình quản trị 'corporate governance' bộc lộ những bất cập đối với sự phát triển của giáo dục đại học, các trường chuyển sang mô hình quản trị 'shared governance' với mục đích cân bằng vai trò giữa học thuật và tài chính. Đó là khi chính sách biên chế được xem xét và áp dụng trở lại có điều chỉnh.

Rõ ràng là việc áp dụng và điều chỉnh chính sách biên chế phải phù hợp với mục tiêu và mô hình quản trị của nhà trường. Như vậy, chính sách như biên chế của các trường đại học không giống nhau, từ quy trình đến tiêu chuẩn xét biên chế. Vì những khác biệt này, quyết định cấp biên chế không có giá trị liên thông giữa các trường.

7. Khi áp dụng chính sách biên chế điều chỉnh, các trường đại học thường phân biệt hai nhóm cán bộ học thuật: (1) giảng viên chuyên giảng dạy, và (2) cán bộ nghiên cứu. Hai nhóm cán bộ này có chính sách đánh giá và tuyển dụng khác nhau.



Theo các văn bản quy phạm pháp luật gồm Nghị định 71/2003/NĐ-CP về phân cấp quản lý biên chế hành chính, sự nghiệp nhà nước, Luật Cán bộ, công chức 2008, Luật Viên chức 2010, Nghị định 108/2014/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế, giáo viên là viên chức được quản lý bằng hợp đồng làm việc (khác với hợp đồng lao động); chỉ có cán bộ lãnh đạo, quản lý giáo dục mới là công chức và được quản lý bằng biên chế.

Như vậy, theo quy định pháp luật, khái niệm biên chế giáo viên không còn tồn tại.

Quan sát cái cách mà công luận và chính giáo giới phản ứng với đề xuất xoá bỏ "biên chế giáo viên'', người viết không khỏi thắc mắc rằng trên thực tế, các quy định pháp luật này có được nhà trường và các cơ quan quản lý giáo dục thực thi không, và nếu có, ở mức nào.

Những giáo viên thuộc biên chế nhà nước sau sự ra đời của các văn bản pháp quy nói trên có được ký hợp đồng làm việc hay không? Và nếu biên chế giáo viên không tồn tại về mặt pháp lý, vậy câu chuyện xoá bỏ biên chế trong giáo dục được thảo luận gần đây thực chất là về vấn đề gì?

Có thế thấy từ các phát ngôn của Bộ Giáo dục và Đào tạo nơi đề xuất xoá bỏ biên chế, chủ trương này nhằm vào đối tượng giáo viên, vốn theo quy định không được hưởng chế độ này.

Như vậy đây phải chăng chỉ là thực thi đầy đủ những quy định đã ban hành?

Cần lưu ý rằng năm 2008, Học viện Khoa học Giáo dục đã đặt vấn đề xoá bỏ biên chế.

Về kỹ thuật, cùng với các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục khác, việc xem xét vấn đề biên chế là cần thiết, có thể nói là khó tránh khỏi trong cải cách giáo dục.

Tuy nhiên, cần phải đặt biên chế trong bối cảnh nền giáo dục và kinh tế xã hội trong nước để tìm giải pháp phù hợp, cần đặc biệt tránh bắt chước dập khuôn từ nước ngoài hay so sánh không cùng nền tảng với các nền giáo dục khác. Hiện trạng giáo dục trong nước cho thấy việc rà soát chất lượng đào tạo và đội ngũ giáo viên là cấp thiết.

Do chính sách biên chế có thể có tác động lớn tới giáo viên - đối tượng trực tiếp tham gia vào quá trình giáo dục, bất cứ thay đổi nào liên quan tới chính sách này đều phải được nghiên cứu, đánh giá thận trọng. Cần tính đến và lường trước những tác động không mong muốn của nó về cả về giáo dục lẫn kinh tế, xã hội để có phương án ngăn chặn và giảm thiểu các tác động tiêu cực. Phản ứng gay gắt từ nhiều phía đối với đề xuất bãi bỏ biên chế vừa qua phần nào cho thấy mức độ phức tạp của vấn đề này.

Còn nữa, chính sách biên chế trong giáo dục phổ thông và giáo dục đại học cần phải được nghiên cứu riêng, trong đó đối với trường đại học, biên chế có thể được gắn với chính sách về tự chủ tài chính và tổ chức; với hệ thống trường phổ thông, biên chế cần được gắn với các chính sách phát triển địa phương và các chính sách xã hội khác.

Ngoài sự cẩn trọng, trong bối cảnh niềm tin của công chúng vào cải cách giáo dục đang sụt giảm nghiêm trọng, sự minh bạch, liêm chính trong nghiên cứu, hoạch định và thực hiện chính sách cũng là vấn đề cốt yếu quyết định sự thành công của chính sách này.
Theo TS Đỗ Thị Ngọc Quyên/Vietnamnet