Một dải đất ven biển Quảng Xương (Thanh Hóa) nằm trên trục tuyến giao thông ven biển nối TP Sầm Sơn đi Khu kinh tế Nghi Sơn. Bờ biển được du khách đánh giá là sạch, đẹp. Cho nên từ rất lâu, khu vực này đã trở thành những khu đất vàng, đắt giá phục vụ cho tiềm năng du lịch. Kéo theo đó là tình trạng hỗn loạn về việc mua bán đất nông nghiệp tại Quảng Xương.
Lãnh đạo thi nhau điều chuyển hoặc bị khởi tố
Mới đây nhất, ngày 17/5, Công an huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam 5 cựu cán bộ xã Quảng Lộc (huyện Quảng Xương) để điều tra tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ.
Nhóm cựu cán bộ xã ở huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) cấu kết "biến" 8 lô đất nông nghiệp thành đất ở hợp pháp rồi chia nhau chiếm đoạt, gây thất thoát hàng trăm triệu đồng.
Theo thông tin, ông Hoàng Công Đương, Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi cũng đã nộp đơn xin nghỉ việc và đang được xem xét.
Cũng trong tháng 5, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã tổ chức hội nghị công bố các quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác cán bộ.
Theo đó, ông Trần Văn Công thôi giữ chức Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương nhiệm kỳ 2016 - 2021, giới thiệu để bầu bổ sung Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, giữ chức Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa nhiệm kỳ 2018 - 2023.
Ông Trần Văn Công, Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương, người trực tiếp ký cấp 26 lô đất công tại xã Quảng Thái (Quảng Xương) đầy sai phạm cho nhiều cán bộ xã, người thân cán bộ xã Quảng Thái, cấp khống tăng diện tích của 4 lô cho em trai, em dâu, khiến dư luận bất bình trong thời gian qua.
Sai phạm đã được khẳng định trong Kết luận thanh tra 1639 từ hồi tháng 10/2018. Nhưng thay vì bị xử lý, ông Công lại được “thăng chức” bằng việc lên tỉnh công tác.
|
Gây nhiều sai phạm về đất cát, ông Trần Văn Công vẫn chưa bị xử lý, ngược lại còn "được" điều chuyển về tỉnh công tác. |
Cũng tương tự như vậy, ông Nguyễn Văn Chính được cho thôi giữ chức Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Quảng Xương để giữ chức Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Ông Lê Huy Kỳ, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Quảng Xương, được phân công phụ trách Đảng bộ huyện Quảng Xương.
Ông Nguyễn Văn Chính trong thời gian giữ chức Bí thư Huyện ủy Quảng Xương đã để bố mẹ xây nhà trên đất nông nghiệp, hiện chưa giải quyết; dính dáng đến hàng loạt nghi vấn về đất đai như nhờ người khác đứng tên nhận thuê hơn 2ha đất ven đại lộ Võ Nguyên Giáp rồi bỏ không mấy năm qua, đến nay chưa được thu hồi.
Nguyên dàn lãnh đạo huyện Quảng Xương đã điều chuyển công tác gần hết, chỉ còn lại ông Nguyễn Đình Dự, Phó chủ tịch UBND huyện.
Người dân "mắc kẹt" trên chính mảnh đất của mình
Báo điện tử Kiến Thức tiếp tục nhận được phản ánh của người dân trên địa bàn huyện Quảng Xương về việc chính quyền chưa trả lời và giải quyết dứt điểm các khiếu nại, tố cáo của người dân liên quan đến những vấn đề đất đai đang cực kỳ nóng bóng trên địa bàn.
Trong đó, theo người dân xã Quảng Lợi, Quảng Thạch, thì gia đình ông Lê Văn Thịnh (thôn Thạch Bắc, Quảng Thạch) là một trong những hộ bị “hành” nhiều nhất.
Ông Thịnh gần như bỏ hết công ăn việc làm hằng ngày, khóc thét chạy vòng quanh vác đơn đi kêu cứu và tố cáo, chầu chực tất cả các cuộc hội họp những mong ý kiến phản ánh của gia đình mình được ghi nhận và giải quyết.
Cụ thể, ngày 2/8/2018, UBND tỉnh Thanh Hóa ra Quyết định 2926/QĐ-UBND “về việc giao đất cho công ty SoTo để thực hiện dự án xã Quảng Lợi, Quảng Xương”. Theo Quyết định 2926, đất của ông Thịnh thuộc địa bàn xã Quảng Thạch, không thuộc phạm vi dự án.
Ngày 21/1/2019 tỉnh có công văn số 966/UBND-TD về việc giao cho UBND huyện Quảng Xương giải quyết các khiếu nại, tố cáo về việc ban hành Quyết định 631 và QĐ 632 của huyện Quảng Xương.
Thế nhưng, huyện không giải quyết theo chỉ đạo của tỉnh mà ngày 31/1/2019, ông Nguyễn Đình Dự - Phó Chủ tịch huyện Quảng Xương đã ban hành Thông báo số 69/TB-UBND “thông báo về việc thu hồi đất”.
Theo ông Thịnh, việc này là bất chấp quy định pháp luật, không tuân theo chỉ đạo của tỉnh, lạm quyền lấy tư cách UBND ban hành văn bản quy phạm pháp luật trái luật để thu hồi đối với 4.248,7m2 diện tích đất mà toàn bộ gia đình ông Thịnh đang quản lý và sử dụng.
|
Văn bản trả lời việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với ông Lê Văn Thịnh của UBND huyện Quảng Xương do Phó chủ tịch Nguyễn Đình Dự ký. |
Cũng tương tự như thế, gia đình ông Thịnh có thực hiện việc chuyển nhượng sử dụng một mảnh đất ở vị trị khác cho một gia đình trong xã, thủ tục đầy đủ, hoàn toàn đúng pháp luật, nhưng đã bị UBND huyện Quảng Xương “treo” một thời gian khá dài không cho phép thực hiện.
Theo ông Thịnh tố cáo thì có mục đích gây sức ép buộc ông phải chấp nhận để huyện thu hồi khu đất rừng phòng hộ ven biển mà huyện đang cố tình thu hồi trái luật theo Quyết định 631,632 (đã bị thu hồi).
Theo lời ông Lê Văn Thịnh, trước đó, UBND huyện Quảng Xương, cụ thể là Phó chủ tịch Nguyễn Đình Dự lấy lý do ông Thịnh không hợp tác, không cho tiến hành đo đạc kiểm tra xác định mốc giới, do đó không xã định được ranh giới thửa đất, vị trí và mốc giới chuyển quyền, nên UBND huyện Quảng Xương tạm dừng không thực hiện việc đăng ký biến động hồ sơ chuyển nhượng đất tại thôn Thạch Bắc, xã Quảng Thạch của hộ gia đình ông Lê Văn Thịnh.
Được sự tư vấn của những người hiểu biết pháp luật, ông Thịnh làm đơn yêu cầu kiểm tra thực địa, phòng ĐKQSD đất kiểm tra và đã kết luận đảm bảo đúng theo những quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, bỗng đâu bất thình lình xuất hiện đơn tố cáo mà theo những người hiểu biết pháp luật là hoàn toàn không có căn cứ, của công ty SoTo về việc ông Lê Văn Thịnh có lấn chiếm đất của dự án Tiên Trang.
Với lý do đất đang có tranh chấp, việc chuyển nhượng đất của gia đình ông Lê Văn Thịnh bị treo cứng tại chỗ. Sự việc khiến cho người bán (ông Thịnh) lẫn người mua (ông Lê Văn Dũng) "khóc thét", "mắc kẹt" trên chính mảnh đất của gia đình mình.
|
Mảnh đất (thuộc xã Quảng Thạch) mà Công ty SoTo tố cáo là lấn chiếm Dự án đô thị du lịch sinh thái biển Tiên Trang (trên địa bàn xã Quảng Lợi - theo Quyết định 2926). |
Điều kỳ lạ là, mảnh đất của gia đình ông Thịnh chuyển nhượng có nguồn gốc sử dụng từ năm 2009 với giấy tờ đầy đủ, đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Mãi đến 2015 Công ty SoTo gửi đơn khiếu nại lần đầu, sự việc không được giải quyết do không đủ căn cứ.
Đến thời điểm đoàn kiểm đếm của UBND huyện Quảng Xương tiến hành đo đạc xong và kết luận đủ điều kiện chuyển nhượng, thì lại xuất hiện đơn tố cáo tiếp của Công ty SoTo. Hơn nữa, việc thực hiện Đô thị du lịch biển Tiên Trang theo Quyết định mới nhất là Quyết định 2926 chỉ thực hiện trên địa bàn xã Quảng Lợi, còn ông Thịnh ở xã Quảng Thạch.
“Chính quyền trả lời vô trách nhiệm”
Luật sư Nguyễn Anh Tuấn, giám đốc Công ty TNHH Luật Đại Nam, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết: “Thực tế, nguồn gốc đất của ông Lê Văn Thịnh rất rõ ràng, đầy đủ chứng cứ pháp lý từ năm 2009. Phải gần chục năm sau SoTo mới gửi đơn đề nghị, nếu như có sự việc kiến nghị ấy, thì trách nhiệm của UBND huyện là phải giải quyết việc tranh chấp đó, vì UBND huyện Quảng Xương là cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai, thì phải xem xét việc tranh chấp đó ai đúng ai sai, thậm chí nếu công dân chưa biết thì phải hướng dẫn công dân làm đủ các trình tự thủ tục, không để việc khiếu kiện kéo dài, cũng như không thể trả lời người dân một cách vô trách nhiệm như thế.
Theo như trình bày của ông Thịnh và theo dõi hồ sơ vụ việc, các cơ quan quản lý Nhà nước, cụ thể ở đây là UBND huyện Quảng Xương, UBND xã Quảng Thạch phải có trách nhiệm phục vụ người dân vì những nhu cầu chính đáng của họ, thứ nhất là chuyển giao quyền sử dụng đất của ông Lê Văn Thịnh, việc này được pháp luật công nhận và Nhà nước cũng đã quy định về quy trình rất rõ ràng rồi. ”, luật sư Tuấn khẳng định.
|
Luật sư Nguyễn Anh Tuấn. |
UBND huyện không thực hiện cái đó là không thực hiện đúng trách nhiệm của mình, đã xâm hại chính đáng đến quyền lợi của người dân, làm cho việc khiếu kiện của người dân tăng lên, vượt cấp gây ra mất an toàn chính trị của địa phương.
Theo quan điểm cá nhân luật sư Nguyễn Anh Tuấn, họ (các cán bộ huyện Quảng Xương - PV) chưa làm hết trách nhiệm của mình. Lãnh đạo huyện hay các cấp trên, cụ thể ở đây là tỉnh Thanh Hóa, cần xem xét rằng những cán bộ thừa hành đó có đủ năng lực và phẩm chất hay không để thực hiện trách nhiệm của Nhà nước giao cho? Chứ không thể sử dụng những cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm hoặc thiếu năng lực dẫn đến việc quyền lợi của người dân không được đảm bảo, cũng như uy tín của chính quyền bị suy giảm, gây xáo trộn cho hoạt động quản lý của Nhà nước.
Ông Nguyễn Đình Dự (Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương) đã được cấp trên phân công mảng công việc của mình, với trách nhiệm đó, ông Dự phải nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân, tìm những vấn đề tháo gỡ trong thẩm quyền của mình để giải quyết, trong trường hơp không đủ thẩm quyền thì phải chủ động trình với lãnh đạo cấp trên.
Ở đây, xin ý kiến cấp trên không có, giải quyết cho người dân cũng không có, dẫn tới việc quyền lợi chính đáng của người dân không được đảm bảo.
“Tôi chưa đánh giá có yếu tố cá nhân, động cơ, mục đích, tuy nhiêm phẩm chất của một lãnh đạo thì phải coi phục vụ nhân dân là nhiệm vụ chính. Phẩm chất hay năng lưc chuyên môn không đảm bảo, thì cấp trên cần phải xem xét”, luật sư Nguyễn Anh Tuấn khẳng định.
Kiến Thức sẽ tiếp tục thông tin vụ cán bộ bán đất nông nghiệp ở Quảng Xương, Thanh Hóa.
Minh Hải