Bác sỹ kiên nhẫn chờ 3 ngày để gỡ tội cho Hoàng Công Lương là ai?

Google News

Tại phiên tòa xét xử Hoàng Công Lương sáng nay, ban đầu HĐXX đồng ý đề nghị của luật sư cho một bác sỹ được nói trước tòa. Tuy nhiên, đến phút chót, HĐXX bất ngờ không công nhận tư cách tham dự phiên tòa của bác sỹ này.

Tại phiên tòa xét xử bác sỹ Hoàng Công Lương diễn ra sáng nay (17/5), luật sư Nguyễn Chiến (bào chữa cho bác sỹ Hoàng Công Lương) đề nghị HĐXX cho phép 1 bác sỹ từ TP.HCM được nói rõ về nguyên lý hoạt động của hệ thống lọc nước RO trong chạy thận.
Người mà luật sư Nguyễn Chiến tin cậy, đề xuất với HĐXX là ông Bùi Nghĩa Thịnh, bác sĩ công tác tại Bệnh viện quận Thủ Đức (TP.HCM).
Ông Thịnh liên tục có mặt theo dõi diễn biến tòa ngay từ ngày đầu xét xử (15/5) đến hôm nay. Theo lời giới thiệu của luật sư Nguyễn Chiến, ông Bùi Nghĩa Thịnh là một chuyên gia trong lĩnh vực chạy thận, đã có thời gian tu nghiệp ở nước ngoài và đã có nghiên cứu về máy lọc RO, đặc biệt là vấn đề về test (kiểm tra - PV) AME.
Việc ông Thịnh tham dự phiên tòa sẽ góp phần làm rõ hơn các vấn đề liên quan đến hệ thống, quy trình lắp đặt máy lọc nước đảm bảo theo tiêu chuẩn, đồng thời làm rõ nội dung liên quan đến việc test AME.
Tuy nhiên, HĐXX cho biết, qua kiểm tra lý lịch của bác sỹ Thịnh, HĐXX thấy rằng việc ông Thịnh trả lời là không cần thiết nên đã không chấp nhận đề nghị của luật sư Nguyễn Chiến trong lúc này.
“Ông yêu cầu hỏi ý kiến của một chuyên gia mà ông thấy cần, tuy nhiên HĐXX chưa chấp nhận tư cách tham gia phiên tòa của bác sỹ Thịnh”, HĐXX trả lời luật sư Nguyễn Chiến.
Ngay say đó, luật sư Chiến yêu cầu hỏi đại diện Sở Y tế, tuy nhiên HĐXX cũng cho rằng điều này là “không cần thiết nên không chấp nhận đề nghị này” và yêu cầu luật sư tập trung hỏi những người được tòa án triệu tập.
 Luật sư Nguyễn Chiến tham gia bào chữa cho bác sỹ Hoàng Công Lương.
Trước đó, vào cuối giờ chiều hôm qua (16/5), bác sỹ Bùi Nghĩa Thịnh đã được HĐXX cho phép được nói trước tòa.
Ông Thịnh cho biết sẵn sàng trả lời các câu hỏi của HĐXX và luật sư với điều kiện báo chí chỉ được phép ghi âm chứ không đưa hình ảnh của ông lên mặt báo.
Tuy nhiên, trước khi bác sỹ Thịnh nói, luật sư Nguyễn Chiến yêu cầu HĐXX đưa bị cáo Bùi Mạnh Quốc ra khỏi phòng xử. Luật sư Chiến nêu lý do: Bị cáo Quốc là Giám đốc Công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh, cũng là người thực hiện việc bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2 ở đơn nguyên Thận nhân tạo BVĐK tỉnh Hòa Bình. Bị cáo có thể nghe được nội dung về chuyên môn, thiết kế sơ đồ hệ thống lọc RO mà thay đổi lời khai, gây bất lợi cho bị cáo Hoàng Công Lương.
HĐXX cho rằng những nội dung này không có gì là bí mật nên không cần thiết phải cách ly bị cáo Quốc. Trước tình huống này, luật sư Nguyễn Chiến đề nghị được đặt câu hỏi với bị cáo trước.
 Bị cáo Bùi Mạnh Quốc.
Trả lời câu hỏi của luật sư Chiến, bị cáo Bùi Mạnh Quốc thừa nhận sau khi sửa chữa hệ thống lọc RO cần phải lấy mẫu xét nghiệm nước để đảm bảo an toàn.
Có mặt tại bệnh viện sáng 29/5/2017, điều dưỡng Nguyễn Thị Thu Hằng nói đến trưa sẽ lấy mẫu xét nghiệm (sau khi tiến hành chạy thận cho bệnh nhân) và bị cáo đã đồng ý.
Quốc cho biết do lưu lượng nước không đạt nên Công ty Thiên Sơn đã yêu cầu bị cáo thay 4 màng lọc RO nhưng bị cáo chỉ thay 2 màng lọc và vệ sinh 2 màng lọc còn lại.
Theo sơ đồ bị cáo vẽ tại cơ quan cảnh sát điều tra (CSĐT), cột than trong hệ thống máy lọc có 1 cột, mặc dù đúng theo tiêu chuẩn là 2 cột. Khi được hỏi tại sao chỉ có 1 cột, Quốc trả lời vì mình không trực tiếp lắp đặt nên không biết tại sao và nghĩ rằng chỉ cần 1 cột là đã đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.
Bị cáo Quốc cũng cho biết, khi đến để sửa chữa thấy 2 van bị bịt kín, mạng nhện đóng lên van chứng tỏ đã rất lâu không ai động đến. Một van được đặt dưới bàn làm việc, van còn lại ở phía sau tủ và phải kéo tủ ra mới thấy.
Sau khi kết thúc phần hỏi đáp giữa luật sư và Bùi Mạnh Quốc, HĐXX tuyên bố kết thúc ngày làm việc, phần trả lời của bác sỹ Bùi Nghĩa Thịnh sẽ diễn ra vào sáng hôm sau (tức sáng nay, 17/5). Tuy nhiên, đầu giờ làm việc sáng nay, HĐXX bất ngờ bác tư cách tham dự phiên tòa của bác sỹ Thịnh như đã nói ở trên.
Theo PV/Infonet