Cuối giờ chiều qua, phiên tòa xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương và 2 bị cáo khác xảy ra tại BV đa khoa tỉnh Hòa Bình chuyển sang phần xét hỏi của luật sư.
LS Nguyễn Chiến (bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương) hỏi ông Hoàng Công Tình (thời điểm xảy ra sự cố là phó khoa Hồi sức tích cực – HSTC) về nguồn gốc hệ thống máy lọc thận tại khoa.
Ông Tình cho biết, hệ thống máy lọc thận được công ty CP dược phẩm Thiên Sơn đặt và BV thuê lại. Ngoài lắp đặt máy, từ trước tới nay, mọi sửa chữa, bảo dưỡng, thay thế trang thiết bị máy thận và hệ thống nước RO đều do chuyên gia của công ty này thực hiện, lần gần nhất là 28/5/2017.
|
BS Hoàng Công Tình trả lời tại toà |
“BV thuê của công ty Thiên Sơn thì BV phải trả tiền bảo dưỡng hay công ty Thiên Sơn phải có trách nhiệm bảo dưỡng?” - luật sư Chiến hỏi.
“Theo tôi được biết, BV trả tiền cho Thiên Sơn theo ca lọc, có nhiên viên của Thiên Sơn tại BV để đếm số ca lọc hàng ngày rồi ghi vào sổ để theo dõi”, ông Tình nói.
Đến đây, chủ tọa Nghiêm Hoài Anh cắt lời: “Đề nghị luật sư tập trung vào hành vi của 3 bị cáo, còn việc có hay không trách nhiệm của những người có trách nhiệm cũng như lãnh đạo cũ của BV sẽ làm rõ sau này”.
Tuy nhiên LS Nguyễn Chiến lập luận, từ nguồn gốc, hợp đồng, quyền và nghĩa vụ sẽ liên quan đến trách nhiệm nên “thẩm vấn có vẻ như ra bên ngoài một chút nhưng lại rất có ý nghĩa để xác định trách nhiệm”.
LS Chiến tiếp tục hỏi về giá thuê máy lọc thận. Ông Tình cho biết, sau sự cố khiến 8 bệnh nhân tử vong, Bộ Y tế cung cấp cho BV 10 máy, trong khi khoa có tới 150 bệnh nhân nên vẫn không đủ.
Trong cuộc họp gần nhất, BV có tính đến nhiều phương án. Phía Thiên Sơn có trao đổi về việc tiếp tục cho thuê máy. Sau đó giám đốc BV đã yêu cầu phòng Tổ chức cán bộ và phòng Kế toán xem xét hợp đồng cũ.
“Tôi cũng là thành viên của phòng Tổ chức cán bộ nên được tiếp cận. hợp đồng gần nhất tôi xem là 7,7 đô/ca chạy thận. Đến nay giám đốc vẫn chưa có quyết định”, ông Tình khai và nói không biết giá thuê tại các BV khác.
Không ai kiểm tra được tồn dư hoá chất
Tại phần thẩm vấn ông Hoàng Đình Khiếu, nguyên Trưởng khoa HSTC, LS Nguyễn Chiến tập trung làm rõ trách nhiệm nhận, bàn giao thiết bị, quy trình báo cáo công việc và biện pháp kiểm tra độ an toàn của hệ thống lọc nước RO sau sửa chữa.
Ông Khiếu thừa nhận, dù là trưởng khoa nhưng không được đào tạo nghiệp vụ chuyên môn về lọc máu.
Ông khẳng định đã giao nhiệm vụ cho BS Lương nhưng trong văn bản không nêu chi tiết, chỉ nêu việc phải làm tại các cuộc họp giao ban.
|
Ông Hoàng Đình Khiếu khai báo tại toà |
Về việc bàn giao thiết bị, ông Khiếu cho biết, ai giao thì người đó sẽ nhận lại. Từ ngày 26/5/2017, ông đã chỉ đạo điều dưỡng Nguyễn Thu Hằng mở khoá, giao thiết bị cho bên sửa chữa, bảo dưỡng. Theo đúng quy định, điều dưỡng Hằng sẽ là người báo cáo lại.
Tuy nhiên đến sáng 29/5, ông vẫn chưa nhận được báo cáo. “Nếu được báo cáo hệ thống chưa được sửa chữa, tôi không thể đồng ý cho chạy”, ông Khiếu trả lời.
LS Chiến hỏi: ‘Đơn nguyên thận nhân tạo hoạt động từ 15/3/2010, trong gần 10 năm, báo cáo có được thể hiện bằng văn bản không?”. Ông Khiếu cho biết, ở cấp độ khoa không cần văn bản, có thể trực tiếp hoặc điện thoại.
“Nếu miệng hay điện thoại, vậy trong trường hợp này nếu điều dưỡng Hằng hoặc BS Lương báo cáo, thì có bằng chứng nào để thể hiện là hệ thống lọc nước an toàn?”, LS Chiến tiếp tục hỏi. “Tôi sẽ hỏi bàn giao kỹ chưa, có văn bản chưa?”, ông Khiếu trả lời.
LS Chiến tiếp tục truy vấn: Điều dưỡng Đỗ Thị Điệp có khai, đã được xác nhận xong bàn giao và chạy thận, với cách bàn giao và báo cáo miệng như đề cập, nếu cán bộ báo cáo vậy thì xử lý thế nào?
Ông Khiếu nói chưa từng gặp, nếu được báo cáo, bản thân sẽ luôn hỏi có biên bản chưa và nếu có ở BV sẽ trực tiếp xuống kiểm tra.
- Giả sử có kiểm tra thì bằng biện pháp kĩ thuật nào để biết nguồn nước được tồn dư hoá chất?
- Ngay bản thân tôi hay các nhân viên của khoa không ai kiểm tra được vì việc sửa chữa, đảm bảo thiết bị máy móc do phòng vật tư đảm nhận. Khoa chỉ nhận bàn giao từ phòng vật tư sau khi đảm bảo về chất lượng. Như hệ thống lọc nước RO số 2 chỉ căn cứ vào đồng hồ đo độ dẫn điện.
- Ngay cả ông cũng không có biện pháp kiểm tra, vậy BS điều trị có quy trình nào, cần thời gian bao lâu và có trách nhiệm kiểm tra tồn dư hoá chất để đảm bảo an toàn cho người bệnh không?
- Khi muốn xác định tồn dư hoá chất thì phải làm các xét nghiệm, làm xét nghiệm nào thì tuỳ từng lần sửa chữa.
Ông Khiếu nói thêm, bản thân không được biết các nội dung sửa chữa trong hợp đồng, việc sửa chữa trang thiết bị không được học và không biết sau sửa chữa phải làm xét nghiệm nào. Tất cả đều do phòng vật tư quyết định, khoa sẽ sử dụng thiết bị sau khi đảm bảo chất lượng.
Theo Thúy Hạnh/Vietnamnet