Cho "mượn" đất nhưng "đòi" không được
Thời gian gần đây, người dân thôn Phú Giã, xã Song Mai, TP Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang) phản ánh về tình trạng trạm trộn bê tông nhựa (Asphalt) của liên danh nhà thầu Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường và Công ty CP Đầu tư, Thương mại và Xây dựng giao thông 1 hoạt động gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống dân sinh và sức khỏe, nhưng không bị cơ quan chức năng xử lý.
|
Trạm trộn bê tông nhựa của liên danh nhà thầu Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường và Công ty CP Đầu tư, Thương mại và Xây dựng giao thông 1 xây dựng không phép trên hành lang đê điều và gây ô nhiễm môi trường. |
Bà Q, trú tại thôn Phú Giã, xã Song Mai bức xúc: “Trạm trộn bê tông này hoạt động liên tục với công suất lớn, gây ra nhiều khói bụi và mùi khét khó chịu khiến môi trường khu dân cư bị ảnh hưởng. Đặc biệt, khói bụi bẩn bốc ra từ trạm trộn đã khiến vựa tằm bị chết hàng loạt, gây thiệt hại kinh tế của bà con".
Tìm hiểu của PV Báo Tri thức và Cuộc sống, trạm trộn bê tông trên được liên danh nhà thầu Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường và Công ty CP Đầu tư, Thương mại và Xây dựng giao thông 1 đề nghị "mượn đất" và được UBND TP Bắc Giang và Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang chấp thuận cho xây dựng trong hành lang đê điều tại Km34+750 đê hữu Thương, đoạn qua thôn Phú Giã, xã Song Mai, TP Bắc Giang để lắp đặt trạm trộn bê tông và Asphalt, hoạt động từ năm 2018 đến nay.
Tuy nhiên, khi chưa được cấp giấy phép xây dựng, trạm trộn đã nhanh chóng mọc lên nhằm phục vụ thi công đường Trần Quang Khải, thuộc dự án Phát triển các đô thị dọc hành lang tiểu vùng sông Mê Kông (GMS) lần 2- dự án thành phần tỉnh Bắc Giang.
Đến ngày 29/12/2020, UBND TP Bắc Giang đã ban hành văn bản số 3696/UBND-KT yêu cầu liên danh nhà thầu trên tháo dỡ máy móc, trả mặt bằng với lý do thời gian “mượn” đã hết theo cam kết; dự án thi công đường Trần Quang Khải đã hoàn thành, đưa vào sử dụng nhưng thực tế trạm trộn trên vẫn được duy trì gây ô nhiễm môi trường, bức xúc cho nhân dân.
“Thời gian tháo dỡ, trả mặt bằng xong trước ngày 30/1/2021. Sau thời gian trên, UBND TP tiếp tục thực hiện các biện pháp xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đê điều, môi trường theo quy định" - văn bản UBND TP Bắc Giang nêu rõ.
Tuy vậy, đến nay, không những không tháo dỡ, trả lại mặt bằng theo quy định, các đơn vị liên quan vẫn ngang nhiên tập kết vật liệu, tiếp tục hoạt động, vận chuyển bê tông và Asphalt đến phục vụ các dự án xây dựng đường giao thông, công trình khác trên địa bàn.
Sai phạm vẫn thách thức chính quyền
Đại diện UBND TP Bắc Giang cho biết, đã 2 lần hoàn thiện hồ sơ, đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang trình UBND tỉnh Bắc Giang xử phạt trạm trộn bê tông Asphalt không phép, lấn chiếm hành lang đê, hành lang thoát lũ và hành lang bảo vệ cầu Bến Hướng của liên danh nhà thầu Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường và Công ty CP Đầu tư, Thương mại và Xây dựng giao thông 1 tại xã Song Mai, TP Bắc Giang.
|
Trạm bê tông vẫn hoạt động rầm rộ bất chấp lệnh tháo dỡ của cơ quan chức năng. |
Ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang cũng đã xác nhận việc Sở đã 2 lần nhận được văn bản đề nghị xử lý của UBND TP Bắc Giang. Hiện Sở đang giao bộ phận chuyên môn kiểm tra lại quy trình, thủ tục và hoàn thiện các bước xử lý liên quan trước khi trình Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang ban hành quyết định xử phạt hành chính theo thẩm quyền.
Lãnh đạo xã Song Mai cũng cho biết, từ dịp Tết Nguyên đán đến nay, sau khi hết thời gian mượn đất, người dân địa phương liên tục phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường nên đã có nhiều đoàn công tác tại các Sở và UBND TP Bắc Giang đến kiểm tra. Tuy nhiên, sau đó trạm trộn bê tông trái phép trên vẫn vô tư hoạt động, tiếp tục nhả khói gây ô nhiễm không khí, nguồn nước trên địa bàn.
Video: Tận thấy trạm trộn bê tông không phép gây ô nhiễm môi trường
Có mặt tại địa điểm trên, PV ghi nhận, các trạm trộn trên vẫn hoạt động bình thường, các cột khói vẫn bốc cao, tỏa vào khu dân cư. Nước thải trong quá trình sản xuất bê tông được xả thẳng xuống sông Thương gây ô nhiễm môi trường.
Báo Tri thức và Cuộc sống sẽ tiếp tục thông tin.
Hiểu Lam