Vì sao bỏ thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh?

Google News

Bộ Chính trị đã xem xét đến 3 lần khi cho ý kiến về đề án, đặc biệt cân nhắc rất kỹ việc không giữ lại các thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Thông tin về việc không giữ thị xã, thành phố thuộc tỉnh tại cuộc họp báo của Bộ Nội vụ mới đây, ông Phan Trung Tuấn, Vụ trưởng Vụ chính quyền địa phương cho biết, chủ trương bỏ thành phố thuộc tỉnh đã được Trung ương cân nhắc kỹ lưỡng và đi đến thống nhất.
Theo ông Phan Trung Tuấn, đề xuất ban đầu của Bộ Nội Vụ, mô hình tổ chức chính quyền địa phương vẫn có mô hình thành phố, thị xã và xác định đây là một đơn vị hành chính cấp cơ sở.
"Theo đề xuất ban đầu của Bộ Nội vụ, mô hình tổ chức chính quyền địa phương vẫn bảo đảm 2 cấp là cấp tỉnh và cấp cơ sở. Cấp cơ sở bao gồm xã, phường, đặc khu, thành phố, thị xã", ông Tuấn cho biết.
Vi sao bo thi xa, thanh pho thuoc cap tinh?
Một góc thành phố Hải Dương. (Ảnh minh họa) 
Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng đề án, các cấp có thẩm quyền đã cân nhắc rất kỹ lưỡng. Bộ Chính trị đã xem xét đến 3 lần khi cho ý kiến về đề án này, đặc biệt cân nhắc rất kỹ việc không giữ lại các thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Ông Tuấn cho biết, quyết định kết thúc hoạt động thành phố, thị xã xuất phát từ việc Trung ương đã thống nhất chủ trương bỏ hoàn toàn cấp huyện, tổ chức bộ máy theo mô hình 2 cấp.
Việc tiếp tục duy trì các tên gọi gắn với cấp huyện cũ sẽ khiến bộ máy không thống nhất và dễ tạo tâm lý băn khoăn trong Nhân dân là vì sao bỏ cấp huyện mà vẫn còn thành phố, thị xã.
Để tránh tâm lý như vậy, Trung ương đã cân nhắc rất kỹ vấn đề này, sau đó đi đến thống nhất tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, bỏ hoàn toàn cấp huyện, kể cả tên thành phố thuộc tỉnh.
Đồng thời, Bộ Chính trị, Trung ương cũng thống nhất tổ chức mô hình tương đối gọn nhẹ, để bảo đảm hướng tới phục vụ người dân tốt nhất, bảo đảm hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, để chính quyền cấp cơ sở thật gần dân, sát dân.
"Theo đó, cả nước giữ nguyên chính quyền cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cấp xã chỉ còn xã, phường, đặc khu (tổ chức ở các địa bàn hải đảo). Dự kiến, cả nước sẽ có 12-13 đặc khu theo phương án trình của các địa phương", ông  Phan Trung Tuấn thông tin thêm.
Trước đó, trên cơ sở định hướng của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ đã nghiên cứu, hoàn thiện kỹ lưỡng, đa chiều với tư duy đổi mới, từ đó đề xuất các nguyên tắc tổ chức sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp xã hiện nay thành các đơn vị hành chính cấp xã mới.
Theo đó, cả nước sẽ sắp xếp, tổ chức lại các cấp xã hiện nay theo hướng bỏ cấp trung gian (cấp huyện), hình thành các cấp xã mới, gồm xã, phường và đặc khu. Như vậy, không còn loại hình đơn vị hành chính thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, thị xã, quận, huyện, thị trấn.
Vi sao bo thi xa, thanh pho thuoc cap tinh?-Hinh-2
Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương Phan Trung Tuấn thông tin về đề án sắp xếp tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp 
Chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng trong quá trình thực hiện chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của đất nước, của từng địa phương trong định hướng phát triển nhanh và bền vững trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của đất nước và dân tộc.
Đây là cuộc cải cách về đơn vị hành chính các cấp trong cả nước có quy mô lớn nhất, toàn diện và triệt để nhất từ trước đến nay, có tác động sâu rộng tới tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, mọi cấp, mọi ngành, mọi địa phương và trực tiếp đến từng người dân.
Đồng thời, cũng là bước đi quan trọng trong việc tiếp tục đổi mới tư duy quản trị quốc gia, quản trị địa phương, sắp xếp, tổ chức lại các tỉnh, thành phố và cấp xã để mở rộng không gian phát triển với tầm nhìn dài hạn; tổ chức lại mô hình chính quyền địa phương từ 3 cấp như hiện nay sang mô hình 2 cấp hiện đại, tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, hướng tới phục vụ tốt nhất người dân, tổ chức và doanh nghiệp.
Liên quan đến tiến độ sắp xếp đơn vị hành chính, Bộ Nội vụ đang khẩn trương làm việc, căn cứ hồ sơ Đề án của các tỉnh, thành phố để thẩm định, tổng hợp và xây dựng Đề án chung trong suốt thời gian nghỉ Lễ (từ ngày 30/4 đến 4/5) để kịp thời trình các cấp theo quy định, ông Phan Trung Tuấn chia sẻ.
Cả nước hiện có 696 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm 2 thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (TP Thủ Đức và TP Thủy Nguyên), 85 thành phố thuộc tỉnh, 52 thị xã, 49 quận và 508 huyện. Dự kiến từ 1/7 tới đây sẽ không còn 696 huyện, trong đó có nhiều thành phố thuộc tỉnh và thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương.
Hải Ninh