Sốc vì mức lương cả đời cống hiến chỉ hơn 1 triệu đồng
Chia sẻ câu chuyện của mình với PV Kiến Thức, cô Nguyễn Thị Thuận - nguyên Hiệu trưởng trường mầm non Cẩm Lý (Bắc Giang) ngậm ngùi: "Hơn 32 năm tôi theo nghề dạy học, không biết đưa bao nhiêu 'chuyến đò', vậy mà khi nghỉ hưu, tôi thực sự 'sốc' khi mức lương hưu của mình chỉ hơn 1 triệu đồng."
Cô kể mình công tác từ năm 1985, tham gia đóng bảo hiểm từ năm 1995, tính đến thời điểm nghỉ hưu đã có hơn 20 năm đóng bảo hiểm. Cô Thuận cho rằng, theo Thông tư 09/2013/TTLT-BGDĐT-BTC-BNV ngày 11/03/2013, Hướng dẫn thực hiện chi hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non theo quy định tại Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg ngày 26/10/201, thì mức lương hưu của cô được hưởng khi nghỉ hưu phải bậc 9, bậc 10. Nhưng thực tế hiện nay cô Thuận chỉ được hưởng lương hưu bậc 4 (hơn 1 triệu đồng).
Cô Thuận chua xót cho rằng, sở dĩ cô chỉ nhận được mức lương như vậy là do cách tính bậc lương sai.
|
Cô giáo Nguyễn Thị Thuận có hơn 32 năm dạy học nhưng khi nghỉ hưu, mức lương cô nhận chỉ hơn 1 triệu đồng. |
Tại huyện Lục Nam, trường hợp như cô Thuận không chỉ có 1 mà còn rất nhiều giáo viên khác cũng có phản ánh tương tự. Trong đó, có cả những người đã về hưu và những người còn công tác hoặc chuẩn bị về hưu.
Họ cho rằng, cách tính lương hưu của các cơ quan tại Lục Nam, Bắc Giang đang sai, khiến họ nhận mức lương "bèo bọt" sau cả đời cống hiến cho giáo dục.
Cô Thanh (nhân vật xin giấu tên, sắp nghỉ hưu) bức xúc phản ánh: "Huyện Lục Nam đã áp dụng sai cách tính bậc lương cho chúng tôi, có những người thâm niên công tác lâu năm thì lương lại không bằng những người có thâm niên công tác ít hơn. Thậm chí có trường hợp, giáo viên có 7 năm công tác và giáo viên có 17 năm với cùng trình độ đào tạo chuyên môn nghiệp vụ lại đều xếp lương bậc 1…”.
Nhận thấy sự vô lý trong cách tính lương, thời điểm đầu năm 2018, các giáo viên mầm non Lục Nam vác đơn đi gõ cửa các cơ quan ban ngành. Thế nhưng đến nay, các cô giáo vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng, sự việc vẫn chưa được giải quyết gây bức xúc cho những người cả đời cống hiến cho giáo dục như cô Thuận, và gây tâm lý hoang mang cho nhiều giáo viên vẫn đang công tác hoặc chờ nghỉ hưu như cô Thanh.
|
Các giáo viên mầm non huyện Lục Nam bức xúc vì chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng, sự việc kéo dài vài năm chưa có hồi kết. |
Tỉnh Bắc Giang trả lời như thế nào?
Được biết, sau khi các giáo viên mầm non trên địa bàn huyện Lục Nam phát đơn kêu cứu đi khắp nơi, các cơ quan ban ngành có liên quan đã vào cuộc. Tuy nhiên, đến giờ vẫn… chưa rõ kết quả.
Văn bản mới nhất số 1162/UBND-TCD ngày 9/4/2019, về việc tiếp tục kiểm tra, rà soát và làm rõ các kiến nghị của công dân do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương ký khẳng định: Ngày 22/2/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã có Công văn số 565/UBND-TCD giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với sở, ngành có liên quan kiểm tra, rà soát việc thực hiện Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLTBGDĐT-BTC-BNV, làm rõ các kiến nghị, tham mưu văn bản trình Chủ tịch UBND tỉnh để báo cáo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khóa XIV và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.
Được biết, Sở Nội vụ tỉnh Bắc Giang đã có Công văn số 325/SNV-CCVC ngày 28/3/2019 về việc trả lời các kiến nghị của công dân. Tuy nhiên, trong Văn bản 1162/UBND-TCD, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho rằng, nội dung báo cáo, tham mưu của Sở Nội vụ tỉnh đã không đúng với nội dung giao việc tại Công văn số 565/UBND-TCD ngày 22/2/2019.
Cụ thể, Sở Nội vụ tỉnh chưa phối hợp với các cơ quan có liên quan để kiểm tra, rà soát việc thực hiện Thông tư liên tịch số 09/2013; chưa làm rõ các kiến nghị; không kèm theo dự thảo văn bản trình Chủ tịch UBND tỉnh để báo cáo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khóa XIV và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.
Văn bản số 1162/UBND-TCD cũng nêu rõ, tiếp tục yêu cầu Sở Nội vụ thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của tỉnh tại Công văn số 565/UBND-TCD. Kết quả báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang trước ngày 30/4/2019.
Tuy nhiên, theo cô Thuận cùng các giáo viên khác là những người đã trực tiếp đứng đơn gửi đi các cơ quan chức năng có liên quan, kể từ khi UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Văn bản số 1162/UBND-TCD ngày 9/4/2019, cho đến thời điểm này đã cuối tháng 6, các cô vẫn chưa nhận được thêm bất cứ thông tin gì.
Khiếu nại của các cô giáo mầm non Lục Nam là có cơ sở
Luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Giám đốc công ty luật Đại Nam, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội ) nói rằng, việc các cô giáo mầm non khiếu nại việc sắp xếp bậc lương không đúng, gây thiệt hại về quyền và lợi ích cho bản thân các cô là hoàn toàn có căn cứ.
Luật sư Tuấn dẫn chứng theo Quyết định của Thủ tướng và theo thông tư 09 của Liên bộ Giáo dục, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính cũng đã quy định rất rõ, sau khi trừ đi việc tập sự, các cô sẽ được tính theo thời gian cống hiến để xếp bậc lương. Tuy nhiên ở Lục Nam đã không thực hiện việc sắp xếp đúng bậc lương các cô đúng với thời gian công tác, do đó đã xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các cô.
|
Luât sư Nguyễn Anh Tuấn. |
"Chủ tịch UBND huyện Lục Nam cần khẩn trương giải quyết khiếu nại, việc xem xét để sắp xếp lại bảng lương cho các cô giáo. Vừa qua, Chính phủ đã có Nghị định 06, xác nhận việc thời gian các cô đã đóng bảo hiểm để tính lương. Tuy nhiên trước đây huyện Lục Nam và Sở nội vụ Bắc Giang đã ko sắp xếp bậc lương cho các cô là hoàn toàn chưa đúng các quy định, xâm phạm đến quyền lợi chính đáng của các cô giáo", luật sư Tuấn nói.
Cũng theo luật sư Tuấn: "Việc huyện Lục Nam không tính đúng bậc lương không những ảnh hưởng đến quyền lợi của các cô giáo mà con thể hiện UBND Lục Nam và các cơ quan quản lý nhà nước tỉnh Bắc Giang đã không thực hiện triệt để, nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cũng như Nghị định của Chính phủ.
Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh, mục đích của Chính phủ giành các ưu đãi cho giáo viên mầm non nhằm làm sao phục vụ xã hội tốt nhất, cụ thể đây là việc chăm sóc các cháu ở độ tuổi mầm non. Việc đó ko những vì tương lai thế hệ trẻ, còn nhằm giảm gánh nặng xã hội và tạo sự yên tâm đối với những người lao động có con đang ở độ tuổi mầm non".
Theo Thông tư 09/2013/TTLT-BGDĐT-BTC-BNV ngày 11/03/2013 Hướng dẫn thực hiện chi hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non theo quy định tại Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg ngày 26/10/2011 thì nội dung hỗ trợ đối với giáo viên được áp dụng từ ngày 1/1/2012, quy định như sau:
“Nguyên tắc xếp lương: Căn cứ vào tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ đã đạt được tương ứng với từng thời điểm trong thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (nếu có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đứt quãng mà chưa được tính hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần thì được cộng dồn) sau khi trừ đi thời gian tập sự theo quy định để thực hiện xếp bậc lương theo chức danh nghề nghiệp của giáo viên mầm non như sau:
Cứ sau thời gian 3 năm (đủ 36 tháng) đối với chức danh nghề nghiệp của giáo viên mầm non có trình độ cao đẳng, đại học và cứ sau thời gian 2 năm (đủ 24 tháng) đối với chức danh nghề nghiệp của giáo viên mầm non có trình độ trung cấp được xếp lên 01 bậc lương của chức danh nghề nghiệp tương ứng.
Như vậy, căn cứ tính bậc lương cho các giáo viên theo chức danh nghề nghiệp là tính theo thâm niêm làm việc. Thực tế, đa số các giáo viên phản ánh đều làm nghề từ những năm 1990, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ trung cấp cao đẳng hoặc đại học sư phạm mầm non và có tham gia đóng BHXH bắt đầu kể từ thời gian công tác.
Theo quy định trên cứ sau thời gian 02 năm công tác có đóng BHXH thì được tính 01 bậc lương đối với giáo viên có trình độ trung cấp, 03 năm công tác có đóng BHXH thì được tính một bậc lương đối với giáo viên có trình độ Cao đẳng, Đại học.
Kiến Thức sẽ tiếp tục thông tin cô giáo "sốc" khi lương hưu chỉ hơn 1 triệu đồng tại Bắc Giang.
Minh Hải