Với những người lính Trường Sa, đảo là nhà, biển cả là quê hương. Họ tạm quên đi hạnh phúc của bản thân…
|
Các chiến sĩ trẻ trên đảo Sơn Ca chuẩn bị hoa và chim gấp bằng lá cây để tặng đội văn nghệ biểu diễn trên đảo. |
Duyên muộn lính đảo
Cuối năm, phóng viên gọi điện cho thượng úy Đào Hồng Đông, chàng trai quê Hà Đông vừa từ Trường Sa về đất liền. Tháng 5/2015, khi đoàn Hành trình Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương ra thăm, Đông đang là trung úy, Phó chỉ huy trưởng đảo Đá Thị. Trong chương trình kết nối biển đảo với đất liền, đoàn viên, thanh niên tham gia hành trình đã đến thăm nhà bố mẹ Đông, đồng thời ghi lại video cảnh sinh hoạt gia đình mang ra làm quà. Cảm động khi nhận được món quà, Đông chia sẻ, thỉnh thoảng vẫn nhớ nhà, nhớ cha mẹ. Đông kể, ra công tác tại quần đảo Trường Sa từ cuối năm 2012, nghỉ phép đợt 2013 cũng chỉ có cây bàng vuông mang về làm quà. “Ở nhà, mỗi khi nhớ con, mẹ lại ra ngắm và tưới nước cho cây”, mẹ Đông nhắn nhủ trong video.
Sinh năm 1987, đến nay, Đông vẫn chưa có bạn gái. Hiểu công việc của con, gia đình cũng không giục dù rất muốn có con dâu. Nhiều đợt các đoàn ra thăm Trường Sa, trong đó có không ít các nữ thanh niên, sinh viên, nhưng với bản tính ít nói, không thích văn nghệ, lại ngại giao tiếp với người lạ nên Đông chẳng quen được ai. Về đất liền từ tháng 7/2015, đến nay, Đông vẫn chưa có mối nào vì “ở nhà được một tháng lại vào Khánh Hòa công tác luôn”. Chàng trai vừa được thăng hàm thượng úy bảo chuyện vợ con tính sau và “tùy duyên số” vì còn có kế hoạch tiếp tục công tác tại Trường Sa.
Giống như thượng úy Đông, đã đi qua gần như tất cả các điểm đảo ở Trường Sa, nhưng chiến sĩ Bùi Minh Nam trên đảo Sơn Ca vẫn là “lính phòng không”. Có lẽ, vì đam mê nghiệp lính biển Trường Sa nên khi nói đến hạnh phúc riêng anh Nam vẫn bảo “tùy duyên”.
Anh Nam sinh năm 1982, có anh trai tên Bùi Minh Sâm cũng công tác ở Trường Sa. Chia sẻ với phóng viên, anh Nam bảo từ thời học phổ thông đã muốn giống như anh trai, công tác ngoài biển, đảo. Lớn hơn một chút, anh gác lại ước mơ làm lính biển để nối nghiệp bố làm công nhân cầu đường. Thế rồi, đến đợt gần vào biên chế, ước mơ đó thôi thúc khiến anh Nam xin đi nghĩa vụ quân sự. Nhập ngũ rồi, anh thi vào Học viện Hải quân nhưng không được, sau đó chuyển sang học trường Sĩ quan tăng thiết giáp. Như mong ước, tốt nghiệp xong, anh được công tác tại Lữ đoàn 101, Hải quân đánh bộ. Năm 2008, anh ra Song Tử Tây, bắt đầu chuỗi ngày sống với ước mơ của mình.
|
Trung úy Đào Hồng Đông thời điểm làm Phó chỉ huy trưởng đảo Đá Thị (5/2015) xúc động khi xem clip ghi lại cảnh gia đình trong đất liền do các bạn trẻ Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương làm tặng. |
Chia sẻ về hạnh phúc cá nhân, anh Nam nói, dù đã “có tuổi” nhưng bố mẹ vẫn chưa thúc giục chuyện lập gia đình. “Hạnh phúc cá nhân đến lúc nào thì đến”, anh nói. Với anh, hạnh phúc bây giờ là sống cùng anh em trên đảo. “Ra đây, tình cảm anh em thân thiết, gần gũi, thân tình. Những lúc ốm đau, thấy đồng đội, anh em quan tâm thực sự rất cảm động”, anh cười.
Cùng với đồng đội, niềm động viên đối với anh còn là việc có anh trai cũng làm lính hải quân. Anh trai của anh Nam công tác tại Trường Sa từ những năm 1993. “Đến nay, có những đảo anh ấy đi 3 - 4 lần rồi. Dù thế, trong từng ấy năm, chỉ 2 lần anh em được gặp nhau trên đảo. Có đợt, tưởng như được gặp, nhưng thực tế, hai anh em ở trên 2 tàu khác nhau, chỉ đứng nhìn và chào qua con sóng. Cũng trong từng ấy năm, chỉ 2 lần anh em được ăn Tết cùng nhau trong đất liền”, anh Nam kể.
Mình không đi đầu thì ai đi?
Lần thứ 2 ra công tác tại đảo Nam Yết, trung úy Đỗ Việt Tiến, nhân viên radar chia sẻ, thấy đảo khang trang, sạch sẽ và phát triển nhiều hơn trước. Sinh năm 1979, từng công tác qua Côn Đảo, Trường Sa Đông, Sinh Tồn, Sơn Ca… đến nay, anh Tiến đã quen với khí hậu khắc nghiệt ở Trường Sa. “Ngoài này, gió biển khắc nghiệt lắm, có lẽ cây hoa gạo cũng không chịu được”, anh nói. Quê ở Thái Thụy, Thái Bình nhưng anh lập gia đình tại Khánh Hòa. Hiện vợ anh Tiến đang làm Phó Bí thư Huyện Đoàn Khánh Vĩnh.
Kể thêm về gia đình, anh Tiến cho biết quen vợ trong đợt công tác tại đảo Bình Ba. Lúc đó, vợ anh Tiến đi thăm bạn bè ở đảo rồi tình cờ làm quen với nhau. “Sau đợt đó, giữ liên lạc với nhau cũng là cả một vấn đề. Giá cước điện thoại khoảng 3.000 - 4.000 đồng/phút đấy”, anh cười. Anh kể thêm, trước khi đăng ký kết hôn anh mặc cả “Anh làm lính, lương thấp lại đi biền biệt, em có ký không”.
Lấy chồng làm lính biển, như anh Tiến nói, vợ chồng phải chấp nhận xa cách. Sau khi cưới, anh ra công tác ở Nam Yết, chỉ liên lạc với vợ qua homephone anh mang theo. Vợ ở nhà cứ ao ước “anh viết thư cho em đi”, nhưng anh trả lời có gì mà viết. “Đôi lúc, mình cũng định viết thư nhưng thấy khó quá, cứ cầm bút lên lại đặt bút xuống không biết viết thế nào”, anh cười.
|
Một chiến sĩ đọc lời thề danh dự trong lễ chào cờ trên đảo Nam Yết. |
Đi xa biền biệt, lúc về phép, con đầu lòng của anh Tiến được 9 tháng tuổi. Anh chìa tay bế nhưng con không theo vì lạ. Liên lạc qua điện thoại, anh bảo đợt Tết Nguyên đán này sẽ về phép. Con thứ hai của anh dịp này được gần 1 tuổi. “Mình sợ con lạ, lại khóc và không theo, nhưng mà sẽ quen dần thôi”.
Xa cách lâu ngày, về đất liền anh thường chiều chuộng con quá đà, hay bị vợ mắng làm con hư. Hiện con đầu của anh đã học lớp 1. “Hai vợ chồng ở riêng, nhà ông bà ngoại cách gần 30km. Vợ ở nhà một mình lo cho gia đình. Vất vả nhưng vì nhiệm vụ chung thôi. Đợt sinh đứa thứ 2 cô ấy một mình đi bệnh viện lúc nửa đêm đấy”, vừa nói, anh Tiến vừa lấy điện thoại ra khoe tin nhắn của vợ “Ba ngủ chưa, vợ đang ở bệnh viện đi đẻ nè”.
Dừng lại một chút, anh Tiến chia sẻ, đôi khi vợ ở nhà một mình cũng buồn. Thấy vợ chồng bạn bè sum họp, quấn quýt bên nhau lại càng tủi thân. “Những lúc con ốm đau phải đi tiêm, đi viện chỉ có một mình cáng đáng, ai chẳng buồn. Những lúc như thế mình lại động viên, vất vả nhưng vì nhiệm vụ chung. “Anh là lính, em làm công tác Đoàn, mình là đảng viên, đoàn viên, không đi đầu thì ai đi?”. Nghe lời chồng, chị ở nhà càng cố gắng hơn nữa.
Cứ thế, những người lính Trường Sa thế hệ này tiếp nối thế hệ khác, quên đi hạnh phúc của bản thân cho hạnh phúc lớn lao hơn. Ra đảo Trường Sa Đông từ tháng 1/2015, pháo thủ Nguyễn Văn Thuật chia sẻ thấy tự hào khi được bảo vệ biển đảo quê hương. Thuật kể, cuộc sống ở trên đảo cũng giống như ở đất liền. Sáng sáng có tiếng gà gáy, lợn kêu.
Ngoài hoạt động tập luyện, buổi chiều có thể đánh bóng chuyền, tăng gia sản xuất. “Em có người yêu rồi. Tuần nào được biểu dương thì được gọi điện về”. Thuật bảo, đôi lúc cũng nhớ nhà, nhớ quê, nhớ bạn bè, nhưng anh em chung sống hòa thuận nên dịu bớt. “Em bắt được con ốc đẹp và to nhưng chưa có điều kiện gửi về. Đợi hết nghĩa vụ thì mang về tặng người yêu luôn”, Thuật nói, đồng thời tiết lộ, người yêu ở cùng quê, hiện đang là sinh viên đại học.
Giống như Thuật, Nguyễn Bảo Trung cũng nhanh chóng thích nghi và cảm thấy tự hào với cuộc sống trên đảo Trường Sa. Chia sẻ với phóng viên, Trung bảo “đang có người đợi ở nhà”. Tình yêu đã được 2 năm, ra đảo lại càng thêm nhớ. “Cuối tuần, ngày nghỉ, em gọi điện thoại về nói chuyện. Mỗi lần chỉ được khoảng 10 phút thôi. Nhiều khi phải mượn “phép” gọi điện thoại của bạn để bớt nhớ”, Trung nói.
Theo Tiền Phong