Lính Trường Sa những ngày Biển Đông dậy sóng

Google News

Lính đảo Trường Sa, khi Tổ Quốc cần, sẽ hy sinh đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Khi nghe chỉ huy đảo nói "còn người, còn đảo, còn chủ quyền đất nước"... mắt tôi bỗng cay xè, giữa cái nắng rát rạt tháng 5, mồ hôi chảy xuống mắt xót kinh khủng, đưa tay lên lưỡi nếm thấy mặn chát. Trần Đăng Khoa từng viết không ở đâu nước biển mặn như Trường Sa thì phải. Mặn như máu.
Chủ quyền không thể mất
Tâm thế “người còn, đảo còn” ấy đã tạc vào trong mỗi con người nhỏ bé đang bám trụ trên đảo nhỏ giữa biển khơi muôn trùng sóng dữ và sự rình rập xâm lấn của “người láng giềng” nhiều tham vọng.
Lính đảo Trường Sa đã sẵn sàng.
 
Cả tuần nay, triệu triệu trái tim Việt nhói đau, cùng hướng về nơi biển Đông dậy sóng, dõi theo từng bản tin về tàu chiến Trung Quốc gây hấn mỗi ngày trên biển Đông, nơi chúng hạ giàn khoan dầu khí bất hợp pháp bất chấp luật biển và chủ quyền Việt Nam. Trong đất liền thì vậy, tâm lý anh em ngoài đảo thế nào, tôi hỏi Thượng tá Phạm Văn Hoà – Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa lớn.
Người chỉ huy cao nhất của đảo tiền tiêu nói ngắn gọn: “Anh em chiến sỹ ngoài đảo luôn sẵn sàng chiến đấu. Chính phủ đang nỗ lực cho các giải pháp đàm phán hoà bình, không ai trong chúng ta muốn chiến tranh. Nhưng lính đảo Trường Sa, khi Tổ Quốc cần, sẽ hy sinh đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc”.
Mỗi người là một cột mốc chủ quyền của Tổ quốc
Không chỉ tôi, mà cả đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công dẫn đầu ra đảo hôm đó đều có một cảm giác khó diễn tả thành lời khi nghe tiếng trung tá Giáp vang khắp đảo ngay phút đầu gặp mặt: “Tôi, Trung tá Lương Xuân Giáp – Chính trị viên đảo Trường Sa lớn báo cáo, toàn bộ cán bộ, sỹ quan, chiến sỹ và nhân dân trên đảo đã tập hợp đầy đủ đón đoàn cán bộ Bộ GTVT thăm đảo. Báo cáo hết – Xin chỉ thị đồng chí”.
Trên đảo nhỏ chưa đầy một cây số vuông, tiếng hô điều lệnh và nghi thức đón đoàn được tiến hành trang trọng trong kỷ luật thép khiến không ít người trong chúng tôi trào nước mắt. Tổ quốc là đây.
Đảo nhỏ kiên cường giữa trùng dương sóng dữ, cách xa đất liền, với vô vàn khó khăn về vật chất, nhưng mỗi quân dân trên đảo luôn sắt son một điều: Sự hiện diện của mỗi người là một cột mốc chủ quyền của Tổ Quốc.
Lần này, đoàn công tác của Bộ GTVT ra Trường Sa mang theo quà tặng mà Bộ trưởng Đinh La Thăng đã hứa trong lần đến thăm đảo trước đó: Một chiếc xe bán tải chở hàng.
Món quà ý nghĩa khiến các chiến sỹ vui ra mặt. Hàng tiếp tế lên đảo nhiều, quân lương, nhu yếu phẩm, thiết bị, trước vẫn phải đẩy xe cải tiến giờ đã có thể chở nhanh hơn, đảm bảo hơn.
Chào đón đoàn bằng cái bắt tay siết chặt, chỉ huy trưởng Phạm Văn Hoà xúc động: Cảm ơn Bộ trưởng và cán bộ, người lao động ngành giao thông đã yêu thương, chia sẻ cùng Trường Sa lớn.
Quay sang nói nhỏ với tôi, Chủ tịch Công đoàn GTVT Đỗ Nga Việt xúc động: “Đoàn công tác của Bộ có mặt tại đây lúc này thật ý nghĩa. Máy bay tiêm kích, tàu chiến của Trung Quốc ngày càng ngang ngược, khiêu khích, quân dân trên đảo sẽ thấy ấm lòng hơn với những tình cảm đến từ đất liền”.
“Những chàng trai ra đảo đã quên mình”
Trong lúc ấy, cậu lính hải quân Vũ Duy Đạt trẻ măng cứ cười tủm tỉm khi thấy mấy chị trong đoàn chen nhau xem vườn rau, đàn vịt tăng gia của anh em trên đảo. Đạt nói, các đoàn chủ yếu ra bằng tàu, phải đi dài ngày nên không thể mang nhiều đồ tươi, hoa quả. Lính đảo phải tăng gia, trồng rau cải, muống biển, nuôi vịt, gà để cải thiện.
Đạt, chàng lính hải quân trẻ đầy bản lĩnh trên đảo Trường Sa. 
Mấy hôm nay, tàu Trung Quốc gây hấn gần đảo Hoàng Sa, bố mẹ ở nhà cũng lo lắng điện thoại ra hỏi thăm tình hình. Em phải động viên ngược lại. Bọn em vững vàng lắm, lính đảo mà, Đạt nói.
Trìu mến nhìn Đạt và đồng đội tập luyện và tăng gia trên đảo, những chàng trai quá trẻ chỉ vừa rời ghế nhà trường, những câu thơ của nhà báo Nguyễn Việt Chiến chợt ùa đến trong tôi: “Nếu Tổ quốc neo mình đầu sóng cả/Những chàng trai ra đảo đã quên mình/…
Nếu Tổ quốc nhìn từ bao mất mát/Máu xương kia dằng dặc suốt ngàn đời/Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất/Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi…”
Còn Miện, lính đơn vị 370 của không quân thì chia sẻ, bọn em nóng lòng lắm rồi, Trung Quốc thật hung hăng ngang ngược. Biết rằng phải có quân lệnh mới hành động nhưng trái tim đã dõi theo nhịp đập của cả nước từng ngày.
Rồi Miện đọc bài thơ đã lan truyền trên mạng nhiều ngày nay: “Vietnam ơi, hãy cùng nắm chặt tay/Ừ nước bé, nhưng hùng gan, bền chí/Quyết không để bọn ngoại bang khinh thị/Điện Biên Phủ ngoài khơi, ta chờ lệnh, tiến lên nào !!!”…
Theo Giao Thông Vận Tải