Ngày 19/8, gần 200 trường đại học công bố điểm chuẩn xét tuyển 2024. Điểm chuẩn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã gây “choáng” khi điểm một số ngành khối C đã gần tuyệt đối.
Cụ thể, điểm chuẩn ngành Sư phạm Lịch sử và Sư phạm Ngữ văn dẫn đầu ở mức 29,3 (trung bình 9,76 điểm mỗi môn). Điểm chuẩn ngành Sư phạm Địa lý cũng ở mức 29.05 điểm. Những năm trước, điểm chuẩn nhóm ngành sư phạm Văn, Sử, Địa có cao hơn nhóm ngành sư phạm khoa học tự nhiên, nhưng không quá cách biệt. Tuy nhiên, năm nay, khoảng cách này được nới rộng.
Điểm chuẩn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã gây xôn xao dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng, mức điểm chuẩn gần như "kịch trần", 9 điểm 1 môn vẫn trượt dẫn tới “loạn giá trị”. Khi đề thi phân hóa chưa tốt sẽ làm mờ ranh giới giữa thí sinh có năng lực thực sự và thí sinh lực học không bằng.
|
HIệu trưởng Trường ĐH Sư phạm nhìn nhận, 9 điểm 1 môn vẫn trượt nguyện vọng 1 là rất bình thường. Ảnh: Mai Loan. |
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống bên lề Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024 do Bộ GD&ĐT tổ chức sáng 19/8, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội, đánh giá điểm chuẩn năm nay ở các trường khối sư phạm đều tăng, không riêng ĐH Sư phạm Hà Nội.
"Lý do một phần đến chính sách miễn học phí và sinh hoạt phí đối với sinh viên ngành Sư phạm đã thu hút thí sinh đăng ký ngành sư phạm nhiều hơn. Theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT, số thí sinh đăng ký vào khối ngành sư phạm tăng vọt, 85% so với năm ngoái. Ở Đại học Sư phạm Hà Nội, Sư phạm TP HCM, Sư phạm Hà Nội 2, mức tăng khoảng gấp đôi.
Trong khi đó, chỉ tiêu lại có hạn. Do đó, có những thí sinh thuộc điểm tốp trên vẫn trượt. Đây là một dấu hiệu tích cực.
Riêng với Trường ĐH Sư phạm, có một điểm khác, đó là có cơ chế tuyển học sinh giỏi quốc gia. Năm vừa rồi, nhà trường tuyển hơn 300 học sinh giỏi quốc gia, trong đó có cả khối xã hội. Do đó việc cạnh tranh ở các phương thức khác cao hơn.
Về việc thí sinh đạt trên 9 điểm 1 môn vẫn trượt Sư phạm, ông Sơn cho rằng nếu nhìn nhận theo cách so sánh điểm năm nay với năm khác thì có vẻ điểm năm nay cao quá. Nhưng nếu nhìn theo cách tuyển sinh đại học, tức là tuyển những người có đủ năng lực để vào trường, mang tính chất lựa chọn, thì là bình thường.
“Bởi lựa chọn từ trên xuống dưới. Khi có nhiều người ở tốp trên rồi, thì người ở tốp dưới mất cơ hội, đấy là quy tắc của việc xét tuyển", ông Sơn nói.
Về việc nhiều phụ huynh bày tỏ bức xúc khi con 9 điểm 1 môn vẫn trượt nguyện vọng 1, ông Sơn cho hay, ông chia sẻ với tâm trạng của phụ huynh. Tuy nhiên, với số điểm cao như vậy, thí sinh có thể đỗ được nhiều nguyện vọng khác.
Bởi hiện, các em được đăng ký rất nhiều nguyện vọng. Nếu không đỗ được vào nguyện vọng có sự cạnh tranh lớn, các em còn những nguyện vọng ở mức cạnh tranh thấp hơn.
“Đây là một việc rất bình thường trong cuộc sống. Bởi không phải lúc nào trong cuộc sống cũng chỉ có một mình chúng ta. Mà chúng ta phải chấp nhận việc chúng ta có thể giỏi nhưng còn có những người khác giỏi hơn", PGS.TS Nguyễn Đức Sơn nói.
Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội thông tin, hiện tại, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã bắt đầu nghĩ tới việc tuyển sinh 2025, theo chương trình giáo dục 2018, các tổ hợp có thể khác đi đôi chút. Chẳng hạn, thi tốt nghiệp năm 2025 chỉ thi 2 môn bắt buộc, khác với trước đó. Vậy sẽ phải tính tới format của kỳ thi thế nào, tổ hợp từng ngành, các phương thức tuyển sinh ra sao…
Đưa ra lời khuyên đối với thí sinh từ năm tới, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn cho hay, các thí sinh nên chú ý tới những điều chỉnh về mặt chính sách của Bộ GD&ĐT và nhà trường.
Mới đây, Bộ cũng đã đưa ra một số định hướng cho việc tuyển sinh năm 2025. Chẳng hạn, sẽ thay đổi đối với xét tuyển sớm, hoặc các trường sẽ điều chỉnh cách thức tuyển sinh… . Về nguyên tắc sẽ vẫn giữ ổn định, và vẫn giữ tỷ lệ nhất định cho chỉ tiêu từ điểm thi tốt nghiệp THPT, tuy nhiên, có thể có những điều chỉnh, thí sinh cần phải theo dõi sát.
Cũng trao đổi bên lề Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng, việc điểm chuẩn ngành sư phạm năm nay tăng cao là tín hiệu đáng mừng. Bởi điểm chuẩn tăng thì chất lượng đầu vào cũng tăng.
Tuy nhiên, trước thực tế điểm chuẩn khối C ở hàng loạt các trường tăng vọt, không chỉ riêng Sư phạm, Bộ GD&ĐT sẽ có sự phân tích kỹ để đảm bảo sự công bằng giữa các phương thức tuyển sinh.
Mời quý độc giả xem video: PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội nói về việc hơn 9 điểm 1 môn vẫn trượt nguyện vọng 1 là "bình thường". Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.
Mai Loan