Bộ GD&ĐT lý giải 9 điểm 1 môn vẫn trượt đại học

Google News

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho hay, Bộ sẽ xem xét, đánh giá kỹ việc điểm chuẩn tăng cao, 9 điểm 1 môn vẫn trượt đại học, nhằm đảm bảo sự công bằng giữa các phương thức tuyển sinh.

Điểm chuẩn khối C tăng “kịch trần”
Ngày 19/8, gần 200 trường đại học công bố điểm chuẩn xét tuyển 2024. Một số ngành khối C đã gây “choáng váng” khi lấy điểm gần như tuyệt đối, thí sinh 9 điểm 1 môn vẫn trượt đại học.
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, điểm chuẩn ngành Sư phạm Lịch sử và Sư phạm Ngữ văn dẫn đầu ở mức 29,3 (trung bình 9,76 điểm mỗi môn). Những năm trước, điểm chuẩn nhóm ngành sư phạm Văn, Sử, Địa có cao hơn nhóm ngành sư phạm khoa học tự nhiên, nhưng không quá cách biệt. Tuy nhiên, năm nay, khoảng cách này được nới rộng.
 
Bo GD&DT ly giai 9 diem 1 mon van truot dai hoc
 Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Không chỉ Sư phạm, một số ngành tuyển sinh bằng khối C và D ở các trường cũng có bước nhảy vọt về điểm chuẩn.
Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), ngành có điểm chuẩn cao nhất năm nay là ngành Quan hệ công chúng khối C00 với 29,10 điểm. Xếp sau đó là ngành Hàn Quốc khối C00 với 29,05; ngành Báo chí khối C00 với 29,03 điểm. Hầu hết các ngành của trường ở khối C00 đều lấy trên 27 điểm, tức trên 9 điểm/môn mới trúng tuyển.
Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM), C00 cũng là khối xét tuyển có điểm chuẩn cao nhất trường. Dẫn đầu là ngành Báo chí với 28,8 điểm, tiếp đến là Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành với 28,33. Ngành Văn hóa học, Nghệ thuật học, Lịch sử cũng lấy trên 28 điểm.
Học viện Ngoại giao có 8 ngành tuyển tổ hợp C00, thì cả 8 ngành này đều có điểm chuẩn khối C trên mức 28 điểm.
Trường Đại học Luật Hà Nội điểm chuẩn cao nhất là khối C00 ngành Luật kinh tế, với 28,85 điểm; Luật 28,15 điểm, cao hơn hẳn các tổ hợp khác dù cùng ngành.
Trước việc điểm chuẩn tăng vọt, 9 điểm 1 môn vẫn trượt đại học nhiều người đã bày tỏ sự băn khoăn, lo ngại về chất lượng ảo. “Tôi không thấy một sự tự hào nào để flex về điểm đầu vào của tuyển sinh đại học. Trái lại, tôi nhìn những con số đó như một chỉ báo về sự đổ vỡ trong tương lai gần, để sau đó xác lập lại trật tự của những giá trị thật”, một giảng viên của Trường ĐH Sư phạm bày tỏ quan điểm.
Bộ GD&ĐT sẽ có phân tích, đánh giá kỹ để đảm bảo công bằng
Trao đổi với phóng viên bên lề Hội nghị Tổng kết năm học 2023-2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025 về những băn khoăn liên quan đến điểm chuẩn tăng cao đến mức bất thường, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho hay, hiện nay, thí sinh được đăng ký nhiều nguyện vọng; thông tin xét tuyển của các trường ngày càng minh bạch, rõ ràng; việc xét tuyển được thực hiện công bằng, thuận lợi, cho nên, những trường có chất lượng đào tạo tốt, những ngành có nhu cầu nguồn nhân lực cao sẽ thu hút nhiều thí sinh.
Bo GD&DT ly giai 9 diem 1 mon van truot dai hoc-Hinh-2
 Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn trả lời phóng viên bên lề hội nghị về việc điểm chuẩn tăng vọt, 9 điểm 1 môn vẫn trượt đại học. Ảnh: Mai Loan.
“Trên bình diện cả nước, hoặc một khu vực nào đó, có những ngành chỉ tiêu không nhiều, nhưng tập trung lượng lớn thí sinh thì có thể đẩy điểm chuẩn lên cao”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn lý giải.
Về việc điểm chuẩn khối C tăng cao, “nóng” dư luận, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho hay, Bộ GD&ĐT cũng có đánh giá ngay từ đầu. So với năm 2023, phổ điểm năm 2024 có nhích lên, điều này đã được dự báo trước. Việc điểm chuẩn khối C có vẻ tăng mạnh hơn cũng cho thấy sự cạnh tranh ở các ngành, trường có uy tín chất lượng ngày càng rõ hơn.
Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT sẽ có sự phân tích kỹ để đảm bảo sự công bằng giữa các phương thức tuyển sinh.
“Bình thường, nếu các phương thức bảo đảm công bằng thì không vấn đề gì. Từng đấy thí sinh không trúng tuyển phương thức này, thì trúng tuyển phương thức khác. Chỉ sợ không đảm bảo công bằng thì có thể với một số phương thức, thí sinh được tuyển với mức điểm xét tuyển nào đó dễ dàng hơn. Điều này, Bộ GD&ĐT sẽ phải phân tích rất kỹ, tùy ngành tùy trường”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói.
Về điểm chuẩn ngành sư phạm năm nay tăng cao, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho hay, đây là tín hiệu đáng mừng. Bởi điểm chuẩn tăng thì chất lượng đầu vào cũng tăng.
Về việc nhiều địa phương thiếu giáo viên, nhưng các trường giảm chỉ tiêu sư phạm, Thứ trưởng cho rằng phải nhìn trên cả tổng thể. Ở đây là thiếu chỉ tiêu tuyển dụng còn đào tạo phải có tích lũy. Không hẳn cứ thấy thiếu là phải đào tạo ngay. Chẳng hạn, những năm trước, đào tạo 40.000-50.000 chỉ tiêu nhưng hiện vẫn chưa tuyển dụng hết.

Lý giải về hiện tượng điểm chuẩn khối C năm nay tăng đột biến, PGS Đặng Thị Thu Hương, Phó hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho hay, năm nay, cả nước có gần 1,1 triệu thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. Trong đó, có tới 63% thí sinh chọn bài thi khoa học xã hội, cao nhất trong vòng 7 năm qua. Đây cũng là một trong những nguyên nhân các trường đại học khối xã hội, nhân văn năm nay điểm chuẩn tăng vọt.

 >>> Mời quý độc giả xem video: Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống bên hành lang Quốc hội về việc dùng điểm Văn xét tuyển ngành Y:
 

Mai Loan