Mailisa tổ chức Pháp Hội khấn an trước khi trao nhà tình nghĩa

Google News

Cao Bằng, những ngày đầu tháng Tư khi những vệt nắng đầu hè vừa kịp hong khô lớp sương mù vùng cao, thì giữa thung lũng xóm Bản Riềng, một thanh âm khác cất lên - không phải tiếng máy móc, cũng không phải tiếng loa phóng thanh - mà là tiếng kinh kệ vang vọng từ một Pháp Hội trang nghiêm, được tổ chức ngay trong khuôn viên 'Làng tình nghĩa Khánh Mailisa'.

Trước ngày trao tặng 40 căn nhà tình thương cho bà con nghèo nơi đây, vợ chồng doanh nhân Hoàng Kim Khánh - Phan Thị Mai đã tổ chức một nghi lễ đặc biệt: Pháp Hội cầu an, với sự hiện diện của 50 vị sư thầy, tụng ba thời kinh - nguyện cầu cho quốc thái dân an, cho từng mái nhà được khởi đầu trong bình an và thiện lành.

Chư tăng và Phật tử Mailisa tụng kinh cầu an trang nghiêm trong Pháp hội tại Sơn Lộ - Cao Bằng, khấn nguyện bình an cho 40 mái ấm vùng cao.

Tâm linh - văn hóa và sự khởi đầu trọn vẹn

Với gia đình Mailisa, hành trình thiện nguyện không dừng lại ở việc xây nhà, tặng quà. Họ tin rằng: một mái nhà chỉ thực sự đủ đầy khi được khởi đầu bằng một chữ 'Tâm'.

Trong không khí linh thiêng, từng căn nhà đều được làm lễ cúng, khấn nguyện, thể hiện sự biết ơn đối với trời đất, tổ tiên và những vong linh chưa siêu thoát nơi núi rừng. Không ồn ào, không rình rang, nhưng nghi thức ấy lại khiến những người chứng kiến lặng người vì xúc động. 'Chúng tôi không làm để phô trương. Chúng tôi làm vì tin rằng, lòng thành sẽ chạm tới trời đất. Và người nhận - sẽ cảm thấy ấm lòng hơn.' - bà Mai chia sẻ.

Phật tử Mailisa đảnh lễ chư tăng trong Pháp hội cầu an và khấn nguyện an lành cho Làng Tình Nghĩa Khánh Mailisa và bà con vùng cao.

Không phải mê tín - mà là sự tôn trọng văn hóa người Việt

Đã có người đặt câu hỏi: 'Xây nhà là giúp rồi, sao còn phải cúng lễ?' Nhưng với vợ chồng Mai Khánh, đó là cách thể hiện sự tử tế trong văn hóa Việt Nam: 'Dù giàu hay nghèo, mỗi mái nhà mới đều cần có bàn thờ, có nén nhang đầu tiên. Đó không chỉ là truyền thống, mà còn là điểm tựa tinh thần để người ta sống tử tế hơn trong căn nhà của mình.'

Các nữ Phật tử nhà Mailisa đang chuẩn bị hoa cúng dường trong Pháp hội cầu thái dân an 40 căn nhà tình thương tại Làng Tình Nghĩa Khánh Mailisa

Không dừng ở phần lễ, từng căn nhà được lau dọn cẩn thận, treo ảnh Bác Hồ, bày bàn thờ gia tiên, sẵn sàng đón bà con về sống như chính trong tổ ấm của mình - không hề 'tạm bợ'.

Một cụ bà đã nói trong nước mắt: 'Tôi không ngờ mình lại có căn nhà khấn đàng hoàng, y như nhà thật sự… không phải nhà tạm.' - lời kể giản dị mà lay động lòng người.

Nội dung chú thích ảnh

Bà cụ người dân tộc cõng cháu nhỏ trên lưng tham dự Pháp hội cầu thái dân an 40 căn nhà tình thương tại Làng Tình Nghĩa Khánh Mailisa.

40 căn nhà, 40 câu chuyện. Nhưng hơn tất cả là một niềm tin mới được bắt đầu từ một nghi lễ trang nghiêm và chân thành. Ông Hoàng Kim Khánh chia sẻ: 'Giữa rừng sâu núi thẳm, nếu một đứa trẻ được ngủ trong căn nhà đã được khấn nguyện, thì khi lớn lên, em sẽ mang theo ký ức đó như một hành trang quý giá'.

Tập thể Phật tử và người dân cùng đội ngũ Mailisa chụp ảnh lưu niệm trước bàn thờ Phật tại lễ khánh thành Làng Tình Nghĩa Khánh Mailisa.

Chương trình 'Làng tình nghĩa Khánh Mailisa' là dự án từ thiện trọng điểm của Mailisa trong năm 2024, với tổng kinh phí lên tới 20 tỷ đồng, được sử dụng để xây dựng 40 căn nhà tình thương cho các hộ dân mất nhà hoặc sống trong nhà tạm bợ tại xóm Bản Riềng - xã Sơn Lộ - huyện Bảo Lạc - tỉnh Cao Bằng.

Không chỉ xây nhà, gia đình doanh nhân Mai Khánh còn trao tặng đầy đủ nội thất, tổ chức Pháp Hội tâm linh trước bàn giao, và chuẩn bị thêm 10 tấn gạo cho hơn 210 nhân khẩu, đảm bảo người dân ổn định cuộc sống trong 6 tháng đầu tiên.

PV