Sau khi Diêm vương Tinh bị loại khỏi danh sách các hành tinh, Hệ Mặt Trời chỉ còn 8 hành tinh bao gồm cả Trái Đất. Trong khát khao chinh phục vũ trụ, con người ráo riết săn lùng hành tinh phía sau ranh giới của Diêm vương tinh. Với những nhiễu động trong quỹ đạo của Diêm vương tinh và Hải vương tinh thì các nhà thiên văn học tin rằng có ít nhất một hành tinh bí ẩn được gọi là hành tinh X bên ngoài quỹ đạo của Hải vương tinh.
Giả thuyết này được củng cố khi đầu năm nay, Konstantin Batygin và Mike Brown, hai nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ California (Caltech), Mỹ, công bố bằng chứng về sự tồn tại của hành tinh mới nằm ở rìa hệ Mặt Trời. Cụ thể, hành tinh X cách Mặt Trời 700 đơn vị thiên văn (1 đơn vị thiên văn bằng 150 triệu cây số hay khoảng cách trung bình từ Trái Đất đến Mặt Trời). Do ở quá xa Mặt Trời nên nó mất từ 10.000 đến 20.000 năm để quay một vòng quanh Mặt Trời.
Quỹ đạo của hành tinh X này được cho là elip khá hẹp. Có một số ý kiến cho rằng quỹ đạo của nó còn có thể bị ảnh hưởng từ một ngôi sao khác lân cận Mặt Trời. Về cấu tạo, hành tinh X được cho là có cấu trúc địa chất khác với Thiên vương tinh và Hải vương tinh, là những thiên thể băng đá khổng lồ trong Hệ mặt trời. Theo cấu trúc này thì ở tâm sẽ là lõi rắn, lớp chuyển tiếp, tiếp đến một lớp băng dày hàng ngàn cây số và lớp khí.
Ngay cả các chỉ số kích thước, trọng lượng của hành tinh X cũng khá giống với Thiên vương và Hải vương tinh. Nó được ước tính nặng gấp 10 lần Trái Đất và bán kính lớn hơn Trái Đất khoảng 3,7 lần. Do vậy, nếu đứng trên bề mặt của hành tinh này thì trọng lực của nó cũng tương đương như ở Trái Đất. Chỉ có điều, nhiệt độ của nó được cho là rất lạnh do nhận quá ít năng lượng từ mặt trời (bằng 1/500.000 so với Trái Đất trên cùng một đơn vị diện tích). Nếu không có những hoạt động địa chất tỏa nhiệt từ lõi do chịu áp lực từ trọng lượng của chính nó thì hành tinh thứ 9 còn có thể lạnh hơn.
Thực ra, trong hành trình đi tìm hành tinh X thì các nhà thiên văn phát hiện ra được nhiều vật thể bên ngoài quỹ đạo Hải vương tinh. Tuy nhiên, chúng tương đối nhỏ khi chỉ có bán kính vài trăm km hay cùng lắm là 90377 Sedna với đường kính khoảng 1.000 km, chưa đủ điều kiện để được gọi là hành tinh. Do vậy, hành tinh X nếu được phát hiện bằng những bằng chứng cụ thể hơn thì nó sẽ là hành tinh thứ 9 trong Hệ mặt trời.
Cho đến lúc này, NASA khẳng định vẫn còn quá sớm để nói về việc tồn tại hành tinh thứ 9 dù họ rất hào hứng với những khám phá của các nhà thiên văn từ Caltech. Dự báo cần mất ít nhất 20 năm nữa để chứng minh sự tồn tại của hành tinh thứ 9. Và vì chưa chứng minh sự tồn tại của nó nên giờ nó vẫn chưa có tên mà tạm gọi là hành tinh X.
Tại sao con người phải khao khát đi tìm các hành tinh xa Mặt Trời? Vì trong tương lai, Mặt Trời sau khi đốt cạn Hidro thì có thể hóa thành sao đỏ khổng lồ và phình đến luôn quỹ đạo Trái Đất hiện giờ rồi đến sao Hỏa. Con người muốn tồn tại thì chắc chắn phải tìm đến các hành tinh xa xôi hơn. Hy vọng hành tinh X nếu có sẽ có thể là ngôi nhà của loài người trong tương lai.
Theo Một Thế Giới