Tường tận máy bay cường kích A-6 Mỹ dùng trong CTVN (1)

Google News

(Kiến Thức) - Máy bay cường kích A-6 là một trong những chiến đấu cơ mà Mỹ sử dụng rộng rãi trong cuộc chiến tranh Việt Nam.

Máy bay cường kích A-6 là một trong những chiến đấu cơ Mỹ sử dụng rất rộng rãi trong các phi vụ không kích miền Bắc Việt Nam. Tất nhiên, "giặc trời" A-6 cũng hứng chịu không ít tổn thất lớn trong Chiến tranh Việt Nam. Phía Mỹ thừa nhận họ mất 84 chiếc A-6 ở Việt Nam gồm 10 máy bay bị hạ bởi tên lửa SAM-2, hai chiếc bị bắn hạ bởi tiêm kích MiG, 16 chiếc bị tai nạn và 56 chiếc bị hạ bởi pháo phòng không và hỏa lực mặt đất.
Hãy cùng Kiến Thức tìm hiểu chi tiết lịch sử, tính năng, các phiên bản của máy bay cường kích A-6 của Mỹ:
Cuối những năm 1940, Hải quân Mỹ muốn xây dựng một lực lượng hàng không hải quân chiến lược với những máy bay có tầm bay xa và mang được vũ khí hạt nhân. Bắt đầu là việc trang bị những máy bay ném bom tầm trung AJ-1 (A-2A) Savage có khả năng mang bom hạt nhân Mark 4, sau đó là máy bay ném bom chiến lược AD3-1 (A-3A) Skywarrior và cuối cùng đỉnh điểm của máy bay ném bom chiến lược A3J-1 (A-5A) Vigilante, máy bay ném bom chiến lược tầm xa bay siêu âm, sau này trở thành máy bay trinh sát tầm xa.
Tuong tan may bay cuong kich A-6 My dung trong CTVN (1)
Máy bay ném bom tầm trung AJ-1 (A-2A) Savage.
Tuy nhiên vào cuối những năm 1950, lực lượng hải quân chiến lược muốn chuyển việc tấn công hạt nhân từ máy bay sang các tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân phóng từ tàu ngầm vì họ cho rằng máy bay có người lái khó có thể tấn công các mục tiêu chiến lược có hệ thống phòng vệ kiên cố và dày đặc.
Mặc dù vậy, sau chiến tranh Triều Tiên, Mỹ nhận thấy rằng hỗ trợ hỏa lực cho lực lượng mặt đất từ trên không là rất cần thiết. Hải quân Mỹ nhận thấy rằng máy bay chiến thuật vẫn rất quan trọng và họ dự đoán rằng trong tương lai sẽ gặp những cuộc xung đột nhỏ, trong một phạm vi giới hạn thay vì một cuộc chiến tranh hạt nhân tổng lực. Vì thế hải quân muốn một máy bay tấn công chiến thuật bay nhanh (nhưng ở tốc độ hạ âm), hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết và sử dụng các loại vũ khí thông thường.
Mùa hè năm 1956, Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ đã bắt đầu xây dựng Đặc điểm kỹ thuật Kiểu 149 cho một loại máy bay tấn công được sử dụng chung trong hai lực lượng này. Ngày 2/10/1956, Bộ Trưởng các Hoạt động Hải quân Mỹ đã ban hành một bản yêu cầu hoạt động (CA-01.504) cho các máy bay mới. Và vào ngày 5/3/1957, Hải quân công bố ý định tiến hành một cuộc thi thiết kế.
Bản yêu cầu của cuộc thi là một máy bay có tốc độ bay là 900km/h, 2 chỗ ngồi, máy bay tấn công hạng trung trang bị một hệ thống ném bom trong mọi thời tiết tiên tiến và có khả năng tấn công bằng vũ khí hạt nhân cũng như vũ khí thông thường. 
Máy bay này cũng được trang bị hai loại vũ khí tấn công mới là XASM-N-8 Corvus (sau này bị hủy bỏ) và AGM-N-7 Bullpup (sau này được đặt tên lại là AGM-12 Bullpup). Đối với vai trò tấn công thông thường, máy bay phải mang được hai quả bom 500kg bay với bán kính chiến đấu hơn 600km với thời gian hoạt động là 1 giờ. Với vai trò tấn công hạt nhân thì phải mang được bom hạt nhân 1.000kg bay hơn 1.853km, nhưng tấn công hạt nhân chỉ là nhiệm vụ thứ cấp kể từ khi Hải quân Mỹ được cung cấp một số lượng lớn máy bay ném bom hạt nhân. Những máy bay này hoạt động trên tàu sân bay và cất cánh được từ máy phóng thủy lực trên tàu sân bay thuộc lớp Essex và máy phóng hơi nước trên tàu sân bay thuộc lớp Forrestal.
Tập đoàn máy bay Grumman nhận bản yêu cầu đề xuất vào tháng 2/1957 và trả lời vào ngày 16/8/1957. Ban đầu họ thiết kế một máy bay ném bom tầm trung 2 động cơ với cánh chính hình chữ M tương tự Il-28 Bear của Liên Xô. Nhưng không lâu sau học từ bỏ thiết kế này và thiết kế lại một máy bay với cánh mũi tên xuôi thông thường, sử dụng động cơ phản lực không tái khai hỏa và buồng lái ngồi cạnh nhau. Vào tháng 12/1958, Grumman đặt tên cho thiết kế này là Design 128Q.
Những công ty khác tham gia vào cuộc thi bao gồm Bell, Boeing, McDonnell Douglas, Lockheed, Martin, North American và Vought. Trong đó Boeing, McDonnell Douglas, Martin và Vought là những công ty đưa ra bản đề xuất với 2 loại máy bay khác nhau, một chiếc sử dụng động cơ turbine cánh quạt và một chiếc sử dụng động cơ phản lực. Bell đưa ra mẫu máy bay cất/ hạ cánh thẳng đứng (V/STOL). Còn 3 công ty còn lại gửi mẫu đề xuất về một máy bay có thiết kế thông thường sử dụng động cơ phản lực.
Trong tháng 12/1957 trong danh sách đã được thu hẹp với các công ty lọt vào vòng trong là McDonnell Douglas, Grumman và Vought. Ngày 2/5/1958, Hải quân Mỹ thông báo rằng Grumman đã thắng. Ngày 14/2/1958, Grumman nhận được một hợp đồng sơ bộ phát triển (No. 58-524c) trị giá 3,41 triệu USD cho thiết kế kỹ thuật và tiếp tục xây dựng mô hình máy bay có tên là A2F-1 Intruder. 
A2F-1 Intruder phát triển từ mẫu thiết kế Design 128Q của Grumman, với một điểm độc đáo mà bắt nguồn từ yêu cầu của Hải quân Mỹ cho khả năng cất/hạ cánh quãng ngắn, phù hợp với các sân bay nhỏ và tàu sân bay như USS Essex. 
Theo đó, cặp động cơ sử dụng trên A2F-1 Intruder đặt ở gần như phía trước máy bay, vòi phụt động cơ nằm gần trọng tâm máy bay và có thể quay được (tilting tailpipe). Vòi phụt có thể quay xuống phía dưới một góc 53 độ giúp máy bay cất/ hạ cánh quãng ngắn dễ dàng cũng như trong khi mang tải trọng vũ khí nặng.
Tuong tan may bay cuong kich A-6 My dung trong CTVN (1)-Hinh-2
 Mô hình tỷ lệ 1:1 của A2F-1 Intruder. Ở giá treo dưới thân mang mô hình tên lửa XASM-N-8 Corvus (sau này hủy bỏ) và giá treo trên cánh mang mô hình tên lửa AGM-N-7 Bullpup
Ngày 26/3/1959, Grumman nhận được một hợp đồng phát triển với "chi phí cộng với ưu đãi phí" trị giá 101,7 triệu USD do Hải quân Mỹ trao cho công ty để phát triển hệ thống vũ khí. 8 nguyên mẫu YA2F-1 được bắt đầu chế tạo vào năm 1959.
Nguyên mẫu đầu tiên (c/n 147864) đã được lắp ráp tại nhà máy Số 4 ở Bethpage và tiến hành thử nghiệm động cơ trên các sân bay lân cận. Sau đó được tháo rời và chở bằng xe tải đến cơ sở Grumman tại Calverton. Ngày 19/4/1960, YA2F-1 lần đầu cất cánh và cất cánh bằng vòi phụt quay dưới sự điều khiển của phi công thử nghiệm Bob Smyth.
Tuong tan may bay cuong kich A-6 My dung trong CTVN (1)-Hinh-3
 Nguyên mẫu YA2F-1 đầu tiên đang hạ cánh với vòi phụt quay đang quay xuống phía dưới.
Một trong những mục tiêu thử nghiệm đầu tiên là kiểm tra hiệu suất của vòi phụt quay. Vòi phụt quay lên xuống và lực đẩy vector hoàn hảo. Tuy nhiên, hiệu suất cất/ hạ cánh quãng ngắn thực tế đáng thất vọng - tốc độ hạ cánh chỉ giảm 15km/h so với hạ cánh thông thường. Chiếc máy bay có thể hạ cánh trong trạng thái “vòi phụt quay lên” với khoảng cách ngắn hơn so với khi nó cất cánh với trọng lượng nặng trong trạng thái “vòi phụt quay xuống”. 
Vì vậy, vòi phụt quay với lực đẩy vector đã được bỏ từ máy bay nguyên mẫu thứ 8 (c/n 148618) và tất cả những chiếc sau đó. Ngày 18/9/1962, những chiếc A2F-1 được định danh lại thành A-6A theo hệ thống định danh mới của Bộ Quốc Phòng Mỹ.
Tri Năng