Ngựa thồ hàng không của quân đội Mỹ
UH-1 Ironquois là mẫu máy bay trực thăng rất nổi tiếng do Bell Helicopter (Mỹ) chế tạo từ cuối những năm 1950. Chiếc máy bay đầu tiên gia nhập biên chế Quân đội Mỹ năm 1959, và quá trình sản xuất diễn ra cho đến năm 1976, với hơn 16.000 chiếc trực thăng xuất xưởng, với nhiều phiên bản khác nhau.
Trực thăng vận tải đa năng UH-1 có trọng lượng rỗng 2.365kg, trọng lượng cất cánh thông thường 4.100kg và tối đa là 4.309kg. Trực thăng được trang bị một động cơ T53 với dải công suất từ 700-1.400 mã lực tùy phiên bản, cho tốc độ tối đa 217 km/h, tầm bay chuyển sân 507km, trần bay 5.910m.
Về vũ trang, trực thăng thời đó chưa được trang bị các hệ thống điện tử quân sự, trinh sát mạnh. Vỏ máy bay cũng khá yếu trước các hỏa lực phòng không ở cấp tiểu đoàn bộ binh đi bộ trở lên, nên UH-1 chủ yếu được sử dụng cho nhiệm vụ vận tải. UH-1 có thể chở theo 14 lính trong nhiệm vụ chở quân, 6 cáng thương binh khi làm nhiệm vụ tải thương. Binh sĩ trên máy bay có thể sử dụng hai trung liên M-60 để yểm hộ hỏa lực. Ngoài ra, nó cũng có thể mang theo hai súng máy 6 nòng M134 cỡ 7,62mm, hai cụm rocket 7 ống cỡ 70mm bố trí ở hai bên thân máy bay.
Hoạt động tại Việt Nam
Những chiếc trực thăng đầu tiên thuộc phiên bản UH-1A được trang bị cho Sư đoàn đổ bộ đường không số 82 và số 101 - những đơn vị sừng sỏ của quân đội Mỹ. Có thể nói, UH-1 đã đặt một dấu mốc cho sự ra đời của cái gọi là lực lượng “kị binh bay” của Mỹ.
Tiếp nối những đơn vị “kị binh thiết giáp” hành quân và chiến đấu bằng các xe thiết giáp chở quân như M-113, thì “kị binh bay” là lực lượng sử dụng trực thăng làm phương tiện di chuyển và chiến đấu chính, với sức cơ động cao hơn rất nhiều. Nòng cốt của “kị binh bay” chính là các máy bay trực thăng vận tải UH-1. Mỗi chiếc có thể chở được một tiểu đội với đầy đủ trang bị.
|
UH-1 được sử dụng rất rộng rãi trong chiến tranh Việt Nam. |
Chiến trường lớn của “kị binh bay” chính là cuộc chiến tranh Việt Nam, với sự tham gia của hơn 7.000 chiếc trực thăng UH-1. Sư đoàn Không kị số 1 (Sư đoàn Kị binh bay) và Sư đoàn dù 101 - sử dụng máy bay trực thăng UH-1 làm phương tiện chuyển quân chính - đã tham gia nhiều trận đánh lớn trong chiến tranh Việt Nam, hoàn thiện chiến thuật “trực thăng vận” của Mỹ.
Có thể thấy rằng, lính “kị binh bay” được trang bị nhiều vũ khí hiện đại, bên cạnh một số lượng lớn các trực thăng UH-1 chở quân còn có các trực thăng vận tải hạng nặng CH-47, CH-54, trực thăng tấn công AH-1, đảm bảo cơ động một số lượng lớn binh sĩ, trang bị, khí tài (kể cả lựu pháo 105mm) với tốc độ cao.
|
Biên chế sư đoàn kị binh bay số 1, Mỹ năm 1965 |
Trong bối cảnh trang bị của Quân giải phóng miền Nam hạn chế, những chiến thuật như “trực thăng vận” và “thiết xa vận”, với nòng cốt là trực thăng UH-1 và xe thiết giáp chở quân M-113 đã gây rất nhiều khó khăn cho quân dân ta. Với ưu điểm tốc độ cao, sức chở khá lớn, khả năng hạ cánh trên nhiều địa hình phức tạp, nền đất yếu, thời gian đổ quân nhanh chỉ chừng 10 giây … UH-1 và “kị binh bay” thực sự là đối thủ đáng gờm của Quân đội Nhân dân Việt Nam vào thời điểm đó.
Tuy nhiên, những khó khăn về kĩ thuật vẫn có thể được khắc phục bằng chiến thuật. Trí tuệ và lòng dũng cảm Việt Nam đã khiến cho “kị binh bay” của Mỹ phải nhiều phen khốn đốn.
Bên cạnh những ưu điểm như sự cơ động, hiệu quả, cũng như khả năng đảm nhiệm nhiều vai trò (vận tải đổ bộ đường không, vận tải cứu thương chiến trường, yểm hộ hỏa lực hạng nhẹ) thì UH-1 có một số hạn chế, đó là thiếu các hệ thống điện tử và trinh sát hàng không mạnh, và khả năng bảo vệ yếu trước hỏa lực phòng không đối phương. Những hạn chế này xuất phát từ việc UH-1 được sản xuất và sử dụng với qui mô khá lớn, trong khi những hệ thống điện tử hàng không và trinh sát lại rất đắt đỏ vào thời điểm những năm 50. Việc gia tăng vỏ giáp trực thăng cũng sẽ làm hạn chế năng lực vận tải của UH-1.
Quân đội Nhân dân Việt Nam đã khai thác triệt để những hạn chế này để chống lại trực thăng UH-1. Các trọng liên phòng không 12,7mm được trang bị ở cấp tiểu đoàn bộ binh đi bộ là một sát thủ nguy hiểm với UH-1, bởi đây là loại vũ khí gọn nhẹ, và được trang bị rất nhiều trong quân đội ta. Đặc biệt trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào năm 1971, một lượng lớn súng máy phòng không 12,7mm được cất giấu trên hành lang 559 để chuẩn bị chuyển vào Nam đã được tung ra cho các đơn vị chiến đấu đánh máy bay Mỹ. Thời tiết sương mù ở vùng núi Tây Trường Sơn đã khiến các trực thăng UH-1 phải hạ rất thấp để đổ quân, trở thành miếng mồi ngon cho hỏa lực phòng không của ta. Theo một số thống kê, trong chiến dịch Đường 9, 555 chiếc máy bay Mỹ-VNCH đã bị bắn hạ, trong đó phần lớn là trực thăng UH-1.
Bước sang năm 1972, sự xuất hiện của các phân đội tên lửa phòng không vác vai 9K32 Strela-2 (Việt Nam gọi là A72) đã đặt dấu chấm hết cho trực thăng UH-1. Theo báo Quân đội Nhân dân, vào lúc cao điểm nhất quân đội chế độ Sài Gòn có đến 594 trực thăng UH-1, nhưng trong những năm cuối cùng trước khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, UH-1 hầu như chỉ còn có thể dùng cho nhiệm vụ vận tải chuyển quân, chứ ít khi tham chiến trên tiền duyên chiến trường.
Theo thống kê của trang mạng vhpa.org (Vietnam Helicopter Pilots Association – Hội Phi công trực thăng Mỹ trên chiến trường Việt Nam), tổng cộng đã có 7.013 chiếc UH-1 tham chiến, chiếm 59,3% tổng số trực thăng tham chiến. Số máy bay này gồm nhiêu phiên bản như UH-1 nguyên bản (80 chiếc), UH-1A (8 chiếc), UH-1B (729 chiếc), UH-1C (696 chiếc), UH-1D (1.926 chiếc), UH-1E (156 chiếc), UH-1F (31 chiếc), UH-1H (3.375 chiếc), UH-1L (2 chiếc), UH-1M (5 chiếc), UH-1N (2 chiếc), UH-1P (3 chiếc). Phần lớn các máy bay UH-1B và hầu như tất cả số UH-1C đều được sử dụng như các phiên bản vũ trang yểm hộ hỏa lực. UH-1H là phiên bản được sử dụng phổ biến nhất để chở quân, tải thương… Hầu hết số máy bay tham chiến ở Việt Nam đều thuộc biên chế lục quân Mỹ.
|
Máy bay UH-1B mang tên lửa chống tăng BGM-71 TOW |
Tổng cộng, trong chiến tranh Việt Nam đã có 3.305 chiếc trực thăng UH-1 bị phá hủy. Tống số phi hành đoàn UH-1 bị chết là 2.177 người, chiếm 44,4% số phi công trực thăng Mỹ thiệt mạng ở Việt Nam, và chiếm 5% trong số hơn 40.000 phi công trực thăng tham chiến.
Phục vụ trong Quân đội Nhân dân Việt Nam
Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, non sông thu về một mối. Không quân Nhân dân Việt Nam đã thu được của địch khoảng 50 chiếc UH-1 còn tốt, sử dụng được ngay. Số trực thăng này được biên chế cho Trung đoàn Không quân 917, thành lập ngày 20/7/1975, và lập tức tham gia chiến đấu truy quét Fulro, bảo vệ biên giới Tây Nam, cũng như làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền trên biển.
Rõ ràng, Không quân Nhân dân Việt Nam có quá ít trực thăng UH-1 nên không thể sử dụng chiến thuật tiến công đội hình lớn của Mỹ. Xuất phát từ những kinh nghiệm đối phó với UH-1 trong chiến tranh, Không quân Việt Nam đã sử dụng một cách hiệu quả những chiếc trực thăng này.
Bên cạnh vai trò tải thương, vận tải, UH-1 được ta sử dụng trực tiếp trên tiền duyên như một hỏa điểm di động lợi hại, bay rất sát mặt đất và dùng súng máy 6 nòng chế áp quân địch. Hỏa lực súng máy và rocket của UH-1 tỏ ra rất hiệu quả khi đánh địch trong công sự phòng ngự bán kiên cố, trên các tuyến giao thông hào, trong các ổ đề kháng mạnh cản bước bộ binh ... Nguy hiểm là không thể tránh khỏi. Phi công và các xạ thủ phải mặc áo giáp chống đạn, đội mũ sắt, ngồi trong ghế sắt có thành cao bao bọc, che chắn … Nhiều trận đánh, hỏa lực của địch đã làm máy bay bị hư hỏng, song nhờ tài năng và lòng dũng cảm của các phi công, đã hạn chế được tối đa thiệt hại. Trong thắng lợi chung của Quân đội Nhân dân Việt Nam, không thể không nhắc đến vai trò của lực lượng không quân trực thăng, trong đó có UH-1.
|
Hỏa lực súng máy và rocket của UH-1 tỏ ra rất hiệu quả trên chiến trường |
Sau một thời gian hoạt động liên tục với cường độ cao, thiếu phụ tùng thay thế, sửa chữa … cho đến đầu năm 1982, UH-1 đã gần như bị loại khỏi biên chế chiến đấu. Cho đến những năm 1990, nhà máy A41 của Quân chủng Phòng không - Không quân bắt đầu chương trình phục hồi các máy bay UH-1. Một số máy bay đã được đưa đi nâng cấp ở nước ngoài. Hiện nay có khoảng 12-14 chiếc UH-1 đang hoạt động trong biên chế Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Thanh Hoa