Ra đời để làm máy bay đa năng
Chiến đấu cơ đa năng F-16 “Fighting Falcon” được thiết kế từ thời Chiến tranh Lạnh với những tiêu chí linh hoạt, khối lượng nhẹ và giá thành rẻ - một máy bay đa nhiệm, hoạt động song hành cùng tiêm kích chuyên không chiến F-15 “Eagle”.
Bay lần đầu tiên vào ngày 20/1/1974, F-16 đã chính thức được giới thiệu vào năm 1978 và từ đó đến nay đã có hơn 4.500 chiếc F-16 được sản xuất và sử dụng tại hơn 25 quốc gia.
Các chương trình hiện đại hóa liên tục đã đảm bảo cho F-16 đảm đương tốt các chức năng trên chiến trường hiện đại, cho phép F-16 tiếp tục hiện diện trong môi trường không chiến ngày càng dựa vào máy tính ngày nay. Tính đa năng cho phép một thiết kế máy bay tiêu chuẩn có thể đảm đương nhiều nhiệm vụ khi cần thiết cũng như tùy chỉnh các loại vũ khí, thiết bị, hệ thống theo ý muốn.
|
"Rắn hổ lục" F-16.
|
Mặc dù được đặt tên là “Fighting Falcon”, F-16 còn được đặt biệt danh là “Viper” (Rắn hổ lục), có lẽ nhờ hình dáng nhỏ bé nhưng cực kì lợi hại của nó. Là chiến đấu cơ thuộc thế hệ thứ 4, cũ hơn so với các máy bay thế hệ 5 mới của Mỹ, nhưng giá thành quá đắt của máy bay mới khiến những chiếc tiêm kích thế hệ 4 vẫn sống tốt đến tận năm 2030!
F-16 được khai sinh từ chương trình Máy bay chiến đấu hạng nhẹ của không quân Mỹ đầu những năm 1970. Chương trình này nhằm tìm kiếm một mẫu máy bay hạng nhẹ, một người lái, một động cơ.
Thiết kế YF-16 của General Dynamics đã chiến thắng thiết kế YF-17 của Northrop để trở thành chiến đấu cơ hạng nhẹ của Không quân Mỹ với định danh F-16 “Fighting Falcon”, còn YF-17 sau đó trở thành chiến đấu cơ F/A-18 “Hornet” của Hải quân Mỹ trong một chương trình khác. Vào thời điểm được tiếp nhận, F-16 là mẫu máy bay sản xuất hàng loạt đầu tiên trang bị hệ thống điều khiển bay bằng máy tính.
|
Ảnh minh họa.
|
"Mổ xẻ" F-16
Về thiết kế, phi công ngồi trong khoang lái có tầm quan sát rất rộng, với nắp kính buồng lái hoàn toàn không có điểm “mù”. Mũi máy bay đặt radar kết nối với hệ thống bay và vũ khí trên thân, ở đầu mút hai cánh chính gắn tên lửa đối không tầm ngắn AIM-9 Sidewinder.
F-16 chỉ có một đuôi đứng cùng với một đường lấy khí to nằm dưới bụng máy bay. Khi cần phải tăng tầm hoạt động của máy bay, ngoài việc gắn các thùng dầu phụ ở các mấu cứng dưới cánh thì F-16 có thể ốp các thùng dầu phụ dạng khí động học lên thân máy bay, giúp tăng tầm hoạt động trong khi không làm mất đi mấu cứng gắn vũ khí cũng như khả năng cơ động của máy bay so với thùng dầu phụ thông thường.
|
Mẫu F-16 của Israel được trang bị thêm thùng dầu phụ trên thân máy bay.
|
Về trang bị vũ khí, F-16 có một pháo chính M-61 Vulcan 6 nòng 20mm, bên cạnh đó là các loại vũ khí gắn dưới cánh như tên lửa đối không tầm trung, không đối đất, bom thông minh cũng như bom “ngu” các loại.
Thực sự, F-16 là loại máy bay đã được thử thách qua các cuộc chiến tranh, chứng minh rằng nó có thể làm tốt các nhiệm vụ từ đánh chặn đến tuần tra, không kích đến diệt radar, các quốc gia mua F-16 còn tích hợp các thiết bị của họ.
Bên cạnh bom tên lửa, F-16 còn có thể mang các thiết bị chuyên dùng cho các nhiệm vụ riêng biệt như thiết bị gây nhiễu điện tử (ECM), thiết bị dẫn bắn, cảm biến v.v…. radar tiêu chuẩn của máy bay là dòng AN/APG-66.
F-16 đã có quá trình phát triển dài từ khi ra đời. Phiên bản một chỗ ngồi là F-16A trong khi mẫu 2 chỗ ngồi là F-16B. Năm 1984, phiên bản nâng cấp F-16 C/D ra đời với những cải tiến như khả năng tác chiến “mọi thời tiết” và tăng khả năng không kích. Với việc có thể sử dụng loại tên lửa đối không tầm trung mới AIM-120 “AMRAAM”, F-16 giờ đây có thêm khả năng không chiến “ngoài tầm nhìn (BVR)”. Cánh đuôi đứng được mở rộng một chút về phía trước và màn hình hiển thị loại mới được lắp đặt.
|
Bộ vũ khí của F-16.
|
Thông thường F-16C “Block 50” sử dụng động cơ General Electric F110-GE-100 giúp đạt tốc độ tối đa Mach 2. Tầm bay tối đa là khoảng 4.200km trong khi tốc độ leo cao (lấy độ cao) là 15.240m/phút, chứng minh F-16 có khả năng đánh chặn rất tốt.
Phiên bản F-16 E/F dùng động cơ F110-132 mạnh mẽ hơn, bên cạnh đó là sử dụng radar quét mảng pha điện tử chủ động AESA AN/APG-80 và các thiết bị trong khoang lái hiện đại nhất có thể. Đây cũng là cơ sở cho phiên bản F-16 IN (Super Viper) tham gia cuộc thầu máy bay hạng trung MRCA của Ấn Độ nhưng đã bị loại bỏ. Phiên bản tương tự F-16I hai chỗ ngồi được sử dụng trong Không quân Israel.
Lịch sử thực chiến
F-16 đã tham gia nhiều cuộc chiến tranh từ khi ra đời, có thể kể đến như chiến dịch Bão táp Sa mạc năm 1991 khi khả năng đa nhiệm của F-16 được thể hiện bằng việc làm tê liệt hoàn toàn mạng lưới phòng không của Iraq, tiếp theo đó là canh chừng các vùng “Cấm bay” tại nước này. Sau đó F-16 được liên quân châu Âu sử dụng trong cuộc chiến tại Balkan và không kích Nam Tư.
|
F-16 phóng tên lửa không đối đất AGM-65 Maverick.
|
Mặc dù có vài sự thuyên giảm, F-16 vẫn giữ một thành phần quan trọng trong các hoạt động đường không của quân đội Mỹ hiện nay và cả tương lai gần.
Quân đội Israel sử dụng phiên bản F-16I Block 52 cực kì hiện đại với các thùng dầu phụ khí động học và hệ thống gây nhiễu tiên tiến, cấu hình hai phi công và là "nắm đấm" không kích chủ lực của quân đội nước này. Các quốc gia khác sử dụng F-16 như Bỉ, Thái Lan, Singapore, Hy Lạp… Trong đó Nhật Bản đã phát triển đấu cơ F-2 dựa trên F-16, còn Hàn Quốc thì có phiên bản KF-16 sản xuất tại Hàn Quốc.
Quang Minh