Chiến đấu cơ Mitsubishi F-2 là mẫu thiết kế đa năng chỉ dành riêng cho Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF) nhằm thay thế cho những chiếc F-1. Công việc thiết kế bắt đầu từ những năm 1980 dưới mật danh chương trình FS-X, nhưng với những áp lực chính trị và kinh tế từ chính phủ Mỹ muốn Nhật từ bỏ chương trình máy bay nội địa của mình để tiếp tục nhận viện trợ thiết bị quân sự từ Mỹ. Kết quả của việc này là chương trình tự sản xuất mẫu máy bay riêng của Nhật bị dừng lại năm 1987 và họ chuyển qua nghiên cứu loại F-16C Block 40 của hãng Lockheed.
|
Mitsubishi F-2 có hình dáng rất giống mẫu F-16.
|
Máy bay F-16 sẽ được chỉnh sửa lại để tương thích với các yêu cầu của Nhật trong tổ hợp liên minh giữa tập đoàn Mitsubishi và tập đoàn Lockheed giờ đây là đối tác chính. Tập đoàn General Electric đảm nhận việc cung cấp động cơ phản lực.
Lúc đầu có 4 chiếc F-16C chỉnh sửa được sản xuất với vai trò thử nghiệm, chuyến bay đầu tiên của chúng là vào ngày 7/10/1995, đến tháng 12 cùng năm những chiếc máy bay này chính thức được đặt tên là F-2.
Được chấp nhận vào năm 2000, chiến đấu cơ F-2 được sử dụng trong Lực lượng Phòng vệ trên không Nhật Bản (JASDF) với vai trò phòng không, yểm trợ hỏa lực mặt đất và đánh biển. Với những tranh chấp ngày càng gay gắt về vấn đề biển đảo giữa Nhật với Trung Quốc và các quốc gia láng giềng khác, chiến đấu cơ F-2 đang đóng vai trò rất quan trọng trong các chiến dịch trên không của quốc đảo này.
|
F-2 là mối nguy hiểm với tàu mặt nước trong trường hợp xung đột biển đảo.
|
Mặc dù có thiết kế rất giống với loại máy bay F-16 của Mỹ (thật ra bản chất F-2 cũng từ F-16 mà ra), thì Mitsubishi F-2 mang những đặc điểm và công nghệ nội địa đủ để nâng tầm F-16 thành phiên bản mang đậm chất Nhật.
Về tổng quan, chiếc F-2, nguyên bản là máy bay một chỗ ngồi, một động cơ GE dòng F-100. Thân máy bay F-2 to hơn khoảng 25% so với F-16C gốc với việc sử dụng nhiều chất liệu composite trong kết cấu. Thân máy bay được kéo dài và kính buồng lái phi công giờ đây được chia thành ba phần thay cho hai phần trên F-16. Đuôi rộng hơn trong khi cửa lấy khí có đường kính rộng hơn nguyên bản.
|
F-2 to hơn F-16 khá nhiều.
|
Tuy vậy, do qui chế cắt giảm tính năng trong các sản phẩm xuất khẩu của Mỹ như phần mềm điều khiển, các kỹ sư Nhật Bản đã phát triển các giải pháp cho mình, như radar mạng pha chủ động AESA nhãn hiệu Mitsubishi, hệ thống hiển thị thông tin trong khoang lái, hệ thống hiển thị màu đa năng, hệ thống điều khiển HOTAS.
Về thông số kỹ thuật, F-2 dài 15,52m, chiều ngang 11,13m và cao 4,13m. Khối lượng rỗng của F-2 là 9,5 tấn, trong khi khối lượng cất cánh tối đa là 22 tấn, động cơ General Electric F110-GE-129 giúp F-2 có thể đạt tốc độ Mach 2, tầm hoạt động 836km và độ cao tối đa là 18km. Máy bay cũng tích hợp dù đuôi chuyên dụng hạ cánh ở những đường băng ngắn.
Trang bị vũ khí tiêu chuẩn của F-2 bao gồm pháo hàng không 6 nòng 20mm JM61A1, bên cạnh đó là 4 mấu cứng gắn vũ khí mỗi bên cánh và một mấu cứng dưới bụng với tổng cộng 8 tấn vũ khí có thể mang theo. Có thể kể đến vũ khí của F-2 như là tên lửa đối không tầm ngắn AIM-9 Sidewinder hay phiên bản nội địa Mitsubishi AAM-3, bên cạnh đó là tên lửa AIM-7 Sparrow hay phiên bản nội địa Mitsubishi AAM-4.
|
Các mấu cứng cảu F-2 có thể gắn tên lửa, bom hay thùng dầu phụ.
|
Để đáp ứng nhiệm vụ không kích mặt đất và đối hải, F-2 sẽ mang tên lửa diệt hạm ASM-1 và ASM-2, tên lửa chống radar và bom thông minh. Máy bay cũng có thể mang thêm thùng dầu phụ gắn dưới các mấu cứng hay ốp vào thân máy bay, giúp tăng tầm hoạt động của chúng.
Lúc đầu, chính phủ Nhật Bản dự định đặt hàng 140 chiếc từ chương trình FS-X. Tuy vậy việc cắt giảm ngân sách đã khiến chỉ có 94 chiếc F-2 được sản xuất bên cạnh 4 chiếc thử nghiệm. Giá của mỗi chiếc F-2 lên tới khoảng 100 triệu USD khiến nó bị cân nhắc sản xuất thêm, vì thực ra đặt hàng khung thân của F-16 còn rẻ hơn!
|
F-2B hai chỗ ngồi chuyên dùng huấn luyện.
|
Hiện tại F-2 có hai phiên bản chính, gồm F-2A một chỗ ngồi và F-2B hai chỗ ngồi chuyên dùng cho huấn luyện phi công. Có 18 chiếc F-2 đã bị phá hủy trong trận sóng thần năm 2011. F-2 sẽ là đối thủ chính của tiêm kích J-10 Trung Quốc trên bầu trời các đảo tranh chấp giữa hai nước này.
Quang Minh