Sau khi Liên Xô tan rã, thừa hưởng những thành tựu công nghiệp quốc phòng Liên Xô, Ukraine đã tự phát triển dòng xe tăng mới cho mình mang tên T-84 – dựa trên nền tảng T-80 Liên Xô. Tuy được đánh giá cao về tính năng kỹ chiến thuật, nhưng mẫu tăng này vẫn đi theo phong cách của Liên Xô nên rất khó để xuất khẩu ra các nước châu Âu nhất là các nước thuộc quân sự NATO. Sở dĩ có khó khăn này là do thiết kế đạn dược giữa NATO và Liên Xô trước đây rất khác biệt nhau.
Để khắc phục hạn chế này, hướng tới mở rộng thị phần xuất khẩu, Phòng thiết kế Kharkiv Morozov đã giới thiệu biến thể cải tiến của xe tăng T-84 Oplot được chỉ định là T-84 Yatagan. Đây là một mẫu xe tăng chiến đấu chủ lực được thiết kế xuất khẩu cho các nước thuộc khối quân sự NATO.
|
Xe tăng chiến đấu chủ lực pha trộn "Liên Xô - NATO" T-84 Yatagan.
|
T-84 Yatagan được đánh giá là đã mang lại một cuộc “lột xác” mới cho xe tăng được thiết kế theo phong cách Liên Xô. Mẫu xe tăng mới này là một nỗ lực lớn của công nghiệp quốc phòng Ukraine trong việc thoát khỏi cái bóng của Liên Xô nhằm hình thành một hướng mới trong phát triển xe tăng chiến đấu chủ lực.
Một chi tiết khá thú vị là T-84 Yatagan được giới thiệu cho một quốc gia có nền công nghiệp quốc phòng tương đối mạnh của NATO là Thổ Nhĩ Kỳ trong chương trình hiện đại hóa lực lượng tăng thiết giáp của nước này. Để đáp ứng tiêu chuẩn của NATO, T-84 Yatagan phải thiết kế lại khá nhiều, đặc biệt là hệ thống vũ khí.
Phòng thiết kế Kharkiv Morozov đã phát triển một loại pháo tăng nòng trơn 120mm mới theo tiêu chuẩn NATO. Pháo chính mới có thể bắn tất cả các loại đạn chống tăng theo chuẩn NATO. Một lợi thế rất lớn của T-84 Yatagan là nó còn có khả năng phóng tên lửa chống tăng qua nòng pháo.
Ukraine đã phát triển một biến thể đặc biệt của tên lửa chống tăng AT-11 Sniper nhỏ hơn so với nguyên bản để thích hợp với pháo chính mới. T-84 Yatagan được xem là một sự hội tụ giữa phong cách hỏa lực theo kiểu NATO-Liên Xô. Đây là một tính năng độc đáo mà các xe tăng phương Tây không có được.
|
T-84 Yatagan trang bị pháo chính cỡ 120mm chuẩn NATO nhưng được tích hợp khả năng phóng tên lửa qua nòng - đặc trưng của dòng xe tăng Liên Xô.
|
Pháo chính 120mm sử dụng hệ thống nạp đạn tự động tương tự như T-84, cơ số đạn mang theo 40 viên, trong đó có 22 viên nạp sẵn trong hệ thống nạp đạn tự động, 18 viên đạn được dự trữ bên trong khoang chiến đấu phía sau tháp pháo.
Ngoài ra, xe tăng còn được trang bị súng máy đồng trục 7,62mm cơ số 4.000 viên đạn, đại liên phòng không điều khiển từ xa 12,7mm cơ số 450 viên đạn.
Yatagan sử dụng hệ thống điều khiển hỏa lực tương tự như T-84 Oplot. Nội thất bên trong xe có nhiều điểm cải tiến, vị trí lái xe đã chuyển sang sử dụng vô lăng thay cho các thanh điều khiển hình chữ T lúc trước. Phía trước nòng pháo chính được trang bị hệ thống cảm biến đo sơ tốc đầu nòng mới. Yatagan còn được trang bị hệ thống thông tin liên lạc mới, trang bị điều hòa nhiệt độ giúp ê kíp vận hành thoải mái hơn.
Tháp pháo được tăng cường bổ sung thêm giáp phản ứng nổ, váy bảo vệ hông 2 lớp. T-84 Yatagan có chiều dài 9,66 mét, rộng 3,77 mét, cao 2,21 mét, khối lượng chiến đấu 48 tấn, ê kíp vận hành 3 người.
|
T-84 Yatagan đạt tốc độ tối đa tới 65km/h.
|
T-84 Yatagan được trang bị động cơ diesel đa nhiên liệu 6TD-2 công suất 1.200 mã lực, tỷ lệ lực đẩy/trọng lượng tương đương 25 mã lực/tấn gần ngang ngửa với “xe tăng bay T-80”. Hệ thống động lực này giúp xe đạt tốc độ tối đa 65km/h, phạm vi hoạt động 540km.
Mặc dù T-84 Yatagan đã không vượt qua được các cuộc thử nghiệm và đánh giá của Thổ Nhĩ Kỳ nhưng đây vẫn là một mẫu xe tăng đầy hứa hẹn với thị trường xuất khẩu. Một trong những hạn chế của Yatagan không được Thổ Nhĩ Kỳ đánh giá cao đó là hệ thống điện tử, loại giáp tổng hợp do họ chế tạo chưa đạt được các tiêu chuẩn theo NATO.
Có thể T-84 Yatagan đã hơi tham vọng khi chọn một thị trường có tiêu chuẩn tương đối cao như Thổ Nhĩ Kỳ, nếu chọn những thị trường có tiêu chuẩn trung bình thì T-84 Yatagan hoàn toàn là một mẫu xe tăng đáng ghờm trên thị trường xuất khẩu xe tăng của thế giới.
Bình Đức