Sau khi Liên Xô tan rã, Ukraine được thừa hưởng một số lượng lớn các trang bị khí tài hiện đại từ Liên Xô. Bên cạnh đó, rất nhiều phòng thiết kế, nhà máy sản xuất vũ khí lớn của Liên Xô nằm trong lãnh thổ Ukraine. Họ còn sở hữu một số lượng lớn vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).
Cụ thể khi Liên Xô tan rã, Ukraine nắm giữ 220 tên lửa đạn đạo liên lục địa trong đó có 130 ICBM R-38 (NATO gọi là SS-18 Satan, tầm bắn 16.000km), 46 ICBM RT-23(NATO gọi là SS-24, tầm bắn 10.000km), 25 máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS, 19 chiếc Tu-160, 1.080 tên lửa hành trình tầm xa cùng 1.900 đầu đạn hạt nhân.
Tuy nhiên, Ukraine đã thực hiện chính sách phi hạt nhân hóa và toàn bộ số vũ khí nói trên đã được chuyển cho Nga để phá hủy. Ngoài việc thừa hưởng vũ khí, Ukraine còn thừa hưởng nhiều công nghệ quan trọng để phát triển công nghiêp quốc phòng cho riêng mình.
|
Xe tăng T-84 Oplot do Ukraine tự phát triển.
|
Lục quân
Lục quân Ukraine có quân số khoảng 144.000 người, lực lượng tăng thiết giáp của họ được đánh giá rất mạnh chỉ đứng sau Nga trong Cộng đồng các quốc gia độc lập SNG.
Trang bị bao gồm: 10 xe tăng chiến đấu chủ lực T-84 Oplot do họ sản xuất; 76 T-64 BM Bulat; 2.281 chiếc T-64; 172 chiếc T-55AGM; 271 chiếc T-80UD; 1.302 chiếc T-72.
Xe chiến đấu bộ binh các loại khoảng 6.431 chiếc, 1.647 khẩu pháo các loại trong đó có các loại đáng chú ý như pháo tự hành 2S19 Msta-S, 2S3 Akatsiya, 2S1 Gvozdika. 626 dàn pháo phản lực bắn loạt trong đó đáng chú ý nhất là 100 dàn pháo phản lực bắn loạt BM-30 Smerch mạnh hàng đầu thế giới.
Lực lượng tên lửa Ukraine còn có trong biên chế số lượng lớn tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm ngắn OTR-21 Tochka đạt tầm bắn 180km.
Phòng không
Lực lượng phòng không mặt đất của Ukraine cũng rất mạnh, họ có trong biên chế hầu hết các hệ thống phòng không do Liên Xô sản xuất trước đây như: S-300V, S-200, 9K330 Tor, 9K37 Buk, Buk-M1/2, 9K35 Strela-10, hệ thống phòng không tích hợp pháo – tên lửa Tunguska M1, pháo phòng không ZSU-23-4, tên lửa phòng không vác vai 9K38 Igla.
|
Hệ thống trinh sát bắt máy bay tàng hình Kolchuga.
|
Bên cạnh số lượng lớn tên lửa phòng không, Ukraine còn có hệ thống radar cảnh giới rất mạnh, trong đó đáng chú ý nhất là hệ thống trinh sát điện tử thụ động Kolchuga được đánh giá là hệ thống phát hiện máy bay tàng hình tiên tiến nhất thế giới hiện nay.
Hệ thống Kolchuga do các kỹ sư Ukraine độc lập phát triển, sản phẩm này là một minh chứng cho tiềm năng to lớn của Kiev trong phát triển các loại vũ khí công nghệ cao.
Không quân
Không quân Ukraine có quân số khoảng 43.100 người, trang bị 247 máy bay chiến đấu các loại. Trong đó có 36 tiêm kích đánh chặn hạng nặng Su-27, 80 tiêm kích bảo vệ không phận MiG-29, 36 máy bay cường kích Su-24M, 23 máy bay trinh sát Su-24MR, 46 máy bay cường kích tầm gần Su-25 cùng một số máy bay vận tải các loại.
|
Tiêm kích mạnh nhất Không quân Ukraine Su-27.
|
Bên cạnh các máy bay chiến đấu thừa hưởng được từ Liên Xô, Ukraine cũng đã bắt đầu phát triển các máy bay cho riêng mình. Phòng thiết kế Antonov đã phát triển thành công máy bay vận tải quân sự đa dụng tầm trung An-70, hiện tại đã có 2 chiếc được đưa vào trang bị.
Hải quân
Hải quân Ukraine có biên chế khoảng 15.470 người, trang bị của hải quân nước này khá yếu, phần lớn các tàu chiến có trong trang bị đều thừa hưởng từ Liên Xô. Tổng cộng có khoảng 27 tàu chiến các loại đang hoạt động.
|
Soái hạm - tàu chiến lớn nhất, hiện đại nhất Ukraine U130 Hetman Sahaydachniy.
|
Trong đó, loại tàu chiến hiện đại nhất là tàu hộ vệ lớp Krivak. Các tàu chiến của họ chủ yếu là các tàu loại nhỏ và không có tàu tên lửa nào. Mặt khác, biển Đen giống như một cái “ao làng” và mối đe dọa đối với họ từ đây không cao nên hải quân không phải là lực lượng được ưu tiên của Kiev. Bên cạnh đó, tại đây đã có căn cứ chính của Hạm đội biển Đen Nga bao trùm toàn bộ khu vực và Địa Trung Hải nên Ukraine không phải lo lắng nhiều.
Bình Đức