Defencenews trích dẫn một báo cáo vừa trình lên Quốc hội Mỹ do Ủy ban kinh tế - an ninh Mỹ-Trung ban hành khẳng định, Trung Quốc sẽ đặt ra mối đe dọa cho tất cả lực lượng quân sự Mỹ và các căn cứ ở Tây Thái Binh Dương trong vòng 10 năm tới.
Báo cáo có đoạn, Trung Quốc còn có thể tấn công hệ thống vệ tinh dùng cho nhiệm vụ đảm bảo an ninh quốc gia của Mỹ theo nhiều cách khác nhau như: Va chạm, vũ khí laser, gây nhiễu điện tử hoặc "bắt lấy" các vệ tinh. Trung Quốc có thể tạo ra mối nguy cơ đối với hệ thống vệ tinh Mỹ ở mọi quỹ đạo trong vòng 10 năm tới.
“Trong không gian, vào năm 2014, Trung Quốc tiếp tục theo đuổi chương trình không gian rộng lớn nhằm thách thức hệ thống thông tin ưu việt của Mỹ trong một cuộc xung đột nếu có và phá vỡ hoặc tiêu diệt các vệ tinh nếu cần thiết”, trích dẫn từ báo cáo.
|
Ủy ban an ninh-kinh tế Mỹ-Trung khẳng định kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc ngày càng trở nên nguy hiểm hơn.
|
Bắc Kinh cũng tính đến khả năng chiến tranh không gian sẽ tăng cường chiến lược răn đe của mình, cho phép Trung Quốc “ép buộc” Mỹ và các quốc gia khác không tiến hành các biện pháp “can thiệp quân sự” nhắm vào Bắc Kinh.
Báo cáo cho biết, khả năng chiến tranh hạt nhân của Trung Quốc ngày càng đáng lo ngại. Trong 5 năm tiếp theo, lực lượng tên lửa hạt nhân Trung Quốc sẽ nhanh chóng mở rộng và hiện đại hóa. Khả năng này mang lại cho Trung Quốc một loạt các tùy chọn đối ngoại quốc phòng và có khả năng làm suy yếu chiến lược răn đe mở rộng của Mỹ, đặc biệt là đối với Nhật Bản.
Trong 3 năm tới, chương trình hạt nhân của Trung Quốc sẽ trở nên nguy hiểm hơn với các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) di động mới bổ sung. Bên cạnh đó, Hải quân Trung Quốc sẽ có 5 tàu ngầm hạt nhân chiến lược, một trong số các tàu này có thể mang theo 12 tên lửa liên lục địa. Các tên lửa mới có thể mang theo nhiều đầu đạn hạt nhân theo công nghệ MIRV.
Năm 2013, báo cáo của Lầu Năm Góc cho rằng, kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc chỉ khoảng 50-70 tên lửa liên lục địa có thể tấn công nước Mỹ. Số lượng tên lửa này có thể tăng lên đến 100 trong vòng 15 năm tới. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng, kho vũ khí hạt nhân của Bắc Kinh lớn hơn nhiều so với báo cáo của Lầu Năm Góc.
|
Khi đi vào hoạt động, ICBM DF-31 sẽ có khả năng tấn công toàn bộ lục địa Mỹ.
|
Trung Quốc đã tăng cường năng lực răn đe hạt nhân trên biển từ năm 2007 bằng cách đưa vào vận hành 3 tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa liên lục địa (SSBN) lớp Tấn. Dự kiến, Trung Quốc sẽ có thêm 2 tàu ngầm SSBN vào năm 2020, các tàu này mang tới 12 tên lửa đạn đạo JL-2 đã đạt được khả năng chiến đấu ban đầu.
Tên lửa JL-2 có tầm bắn khoảng 7.500 km mang lại cho Trung Quốc khả năng tấn công hạt nhân vào vùng Alaska nếu phóng từ vùng biển gần Trung Quốc. Tấn công Hawaii nếu phóng từ vùng biển phía Nam Nhật Bản. Tấn công tất cả 50 bang của Mỹ nếu phóng từ vùng biển phía Đông của Hawaii.
Ngoài tên lửa hạt nhân phóng từ tàu ngầm, mối quan tâm lớn được đề cập trong báo cáo là khả năng của các ICBM di động chẳng hạn như DF-31 và DF-31A. Trong năm 2006, Trung Quốc bắt đầu triển khai DF-31, đến năm 2007 đưa vào hoạt động biến thể nâng cấp DF-31A.
ICBM DF-31 có tầm bắn tối đa khoảng 11.000km cho phép tấn công phần lớn lục địa Mỹ. Gần đây, Trung Quốc tiếp tục thử nghiệm một loại ICBM di động mới là DF-41. Nhiều khả năng ICBM này sẽ được triển khai hoạt động trong năm 2015. DF-41 có khả năng mang theo 10 đầu đạn hạt nhân với tầm bắn khoảng 12.000km cho phép tấn công toàn bộ lục địa Mỹ.
Báo cáo còn cho rằng, khi đã làm chủ được công nghệ MIRV, Trung Quốc hoàn toàn có thể áp dụng nó cho các loại ICBM cũ hơn như DF-5A để tăng khả năng răn đe hạt nhân. Các tên lửa ICBM với công nghệ MIRV sẽ là thách thức lớn cho hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.
Quốc Minh