Stridsvagn 103 là một loại vũ khí thiên về phòng thủ hơn là tấn công và nó đã được thiết kế để Thụy Điển giữ được sự trung lập của mình sau Chiến tranh Thế giới thứ 2.
Giữa những năm 1950, Quân đội Thụy Điển đặt hàng một loại xe tăng mới thay cho những chiếc Centurion đã lỗi thời, hãng Bofor bắt đầu phát triển Stridsvagn 103 năm 1958. Hai mẫu thử nghiệm đầu tiên được hoàn thành năm 1961 và sau đó là 300 chiếc xe tăng Stridsvagn 103 đã được sản xuất từ năm 1966 đến 1971.
|
Xe tăng không tháp pháo Stridsvagn 103 của Thụy Điển.
|
Stridsvagn 103 không có tháp pháo, vũ khí chính của nó là một khẩu pháo cỡ nòng 105mm loại L7 của Anh được lắp cố định vào phía trước xe tăng. Để nhắm bắn, kíp xe phải xoay các bánh xích và tăng hoặc hạ góc tấn (dao động từ -10°đến +12°) bằng hệ thống treo. Chính vì không có tháp pháo và pháo không xoay được, pháo lại cố định với thân xe nên cũng không thể lắp hệ thống cân bằng nòng pháo dẫn đến không thể khai hỏa hiệu quả khi đang hành tiến.
Vì vậy, có thể nói Stridsvagn 103 không phải là một loại vũ khí tấn công tốt, nhưng thực tế thì trong thời gian Stridsvagn 103 phục vụ thì nó ít khi vừa bắn vừa di chuyển, nhất là khi đang phòng thủ.
Ngoài pháo chính 105mm, Stridsvagn 103 còn một khẩu súng máy đồng trục cỡ nòng 7,62mm và một khẩu 7,62mm chuyên phòng không ở cửa ra vào của trưởng xe - có thể khai hỏa khẩu đại liên này kể cả khi đang ngồi trong xe. Tiếp đến là 8 cặp pháo khói nghi binh và thậm chí là có thêm cả pháo sáng để tác chiến chiến ban đêm, có lẽ là vì Stridsvagn 103 không có kính ngắm hồng ngoại lẫn hệ thống bảo vệ kíp lái trước vũ khí hủy diệt lớn NBC.
|
Dàn lưới sắt lắp phía trước chiếc Stridsvagn 103.
|
Bên cạnh đó, Stridsvagn 103 còn có dàn lưới sắt lắp phía trước xe chuyên chống đạn nổ HEAT, nhưng tính năng này được giữ kín trong nhiều năm vì bình thường thì nó không được lắp đặt, mà chỉ ráp vào khi có chiến tranh.
Một ưu điểm của Stridsvagn 103 là nó có thể lùi xe cũng nhanh như cho xe tiến, do đó ngay sau khi khai hỏa vào đối phương thì Stridsvagn 103 có thể nhanh chóng lùi ra khỏi khu vực nguy hiểm. Với phần phía trước xe, vốn được bọc thép dày nhất vẫn quay về phía địch phòng trường hợp trúng đạn thì sẽ đỡ thiệt hại hơn nhiều nếu quay đuôi hay hông xe.
Tất nhiên, để làm được vậy thì Stridsvagn 103 có tới hai lái xe, một người chuyến lái tiến và người kia sẽ lái lùi, lái xe giật lùi sẽ có cơ chế lái riêng của anh ta, với hướng quan sát quay về sau. Thêm nữa, lái xe tiến kiêm chức năng pháo thủ còn lái xe lùi sử dụng máy truyền tin. Tóm lại, kíp lái của Stridsvagn 103 gồm 3 người: Trưởng xe, lái xe tiến/pháo thủ, lái xe lùi/điện đài viên. Không có pháo thủ số 2 làm chức năng nạp đạn pháo như ở các xe tăng thời đó vì Stridsvagn 103 sử dụng hệ thống nạp đạn tự động.
Về vị trí, trưởng xe ngồi phía trước bên phải còn lái xe tiến/pháo thủ ngồi bên trái, ngay sau anh ta là lái xe lùi/điện đài viên. Động cơ và hệ thống truyền động nằm phía đầu xe, khoang chiến đấu nắm giữa và sau cùng là khoang đạn nằm sau cùng.
Không giống với các loại xe tăng thông thường chỉ sử dụng một động cơ, Stridsvagn 103 đặc biệt sử dụng tới 2 động cơ – đó là động cơ dầu diesel Rolls Royce 240 mã lực và động cơ tuốc bin khí Boeing 300 mã lực. Động cơ diesel sử dụng để di chuyển trên đường còn động cơ Boeing tuốc khí được dùng đến khi tác chiến hoặc để vượt qua các địa hình khó khăn.
Một điểm thú vị là Stridsvagn 103 là mẫu tăng đầu tiên sử dụng động cơ turbine khí, điều mà chúng ta thường ít biết bên cạnh những chiếc xe tăng nổi tiếng với loại động cơ này như T-80 hay M1 Abrams.
Phiên bản nâng cấp của chiếc tăng “S” là loại Stridsvagn 103B với động cơ turbine khí mới mạnh mẽ hơn Caterpillar 490 mã lực và hệ thống tự đào công sự cho xe tăng.
Về kinh nghiệm thực chiến thì Stridsvagn 103 chưa tham gia các cuộc xung đột thực sự nào nhưng trong các cuộc diễn tập, thế mạnh của nó đã được khẳng định.
|
Stridsvagn 103 đi tiến cũng nhanh như đi lùi.
|
Năm 1967, Stridsvagn 103 diễn tập với xe tăng Leopard 1 và kết quả là nó phát hiện nhiều mục tiêu lẫn bắn nhanh hơn Leopard 1. Năm 1968, 2 chiếc Stridsvagn 103 được mang ra kiểm tra ở trưởng thiết giáp Quân đội Anh ở Bovington với nhận xét “Stridsvagn 103 với thiết kế không tháp pháo có nhiều ưu điểm đáng kể so với loại xe tăng có tháp pháo”.
Năm 1973, nó lại được thi lại với loại xe tăng Chieftain, hiệu quả không bao giờ xuống dưới 90% với báo cáo “không có bất kì sự bất lợi nào trong việc không thể khai hỏa khi di chuyển.
Năm 1975, hai chiếc Stridsvagn 103 được mang tới Mỹ để thi tài với loại xe tăng M60A1E3, kết quả là nó bắn chính xác hơn mặc dù thường chậm hơn 0,5 giây.
Năm 1986, tất cả tăng Stridsvagn 103 được nâng cấp lên thế hệ thứ 3 - Stridsvagn 103C, với động cơ diesel mới, hệ thống truyền động cải tiến và máy đo xa lade. Thiết kế thế hệ thứ 4 của Stridsvagn 103 cũng đã được hoàn thiện trong những năm 1990 với sự nâng cấp hệ thống kiểm soát hỏa lực, kính ngắm hồng ngoại cho kíp xe v.v… tiếc là đã không đi vào thực tế sản xuất vì Quân đội Thụy Điển đã quyết định sử dụng Stridsvagn 122 - phiên bản xe tăng Leopard 2A5 của Đức được Thụy Điển chỉnh sửa một chút.
Quang Minh