Xe tăng T-90: công thủ toàn diện
T-90 là loại xe tăng chiến đấu chủ lực được Quân đội Nga đưa vào biên chế từ năm 1995. Với hỏa lực mạnh, khả năng bảo vệ rất cao và sức cơ động vượt trội, T-90 có sức mạnh toàn diện, là niềm tự hào của ngành công nghiệp quốc phòng Nga.
Xe tăng T-90 có khối lượng 46,5 tấn, dài 9,53m, rộng 3,78m, cao 2,22m. Điểm đặc biệt của xe tăng T-90 giống như tất cả các xe tăng do Liên Xô sản xuất là mật độ phối trí cao, và có kích thước nhỏ nhất so với xe tăng hiện đại thế giới. Toàn xe có thể tích bọc thép chỉ 13m3.
Việc thu gọn thể tích bên trong và mật độ phối trí cao đạt được do việc bố trí động cơ nằm ở mặt cắt ngang, không cần đến pháo thủ nạp đạn do sử dụng hệ thống tự động nạp đạn và áp dụng một loạt các phát minh mới về kết cấu. Hiển nhiên mật độ phối trí cao trên một thể tích nhỏ, giảm diện tích mặt ngoài, nên với cùng khối lượng sẽ tăng được độ dày của giáp, bảo vệ tốt hơn.
|
Xe tăng chiến đấu chủ lực T-90. |
Về vũ khí, xe được trang bị pháo nòng trơn 2А46М-4 125mm kết hợp hệ thống nạp đạn tự động cho phép đạt tốc độ bắn rất cao. Theo quảng cáo, tốc độ bắn lý thuyết của T-90 khi nạp tự động đạt tới 80 phát/phút. Tháp pháo còn lắp súng máy đồng trục 7,62mm và đại liên phòng không 12,7mm lắp trên giá điều khiển tự động.
Pháo 120mm có thể bắn nhiều loại đạn gồm: đạn lõm xuyên giáp (HEAT), đạn nổ phá mảnh (HE) và đạn xuyên vượt tốc có cánh đuôi (APFSDS). Đặc biệt, pháo 125mm có thể bắn tên lửa chống tăng có điều khiển 9M119 Refleks qua nòng.
Đây là đặc tính mà hầu hết các dòng xe tăng Mỹ và phương Tây đều không có. Với tên lửa 9M119, T-90 có thể tiêu diệt mục tiêu (xe tăng, xe bọc thép, trực thăng) ở cự ly tới 5.000m, độ chính xác rất cao.
Hệ thống kiểm soát bắn bằng máy vi tính và máy quét laser cùng ống ngắm nhiệt Agave của pháo thủ cho phép T-90 chiến đấu với các mục tiêu di động và chiến đấu ban đêm. Hệ thống này bao gồm thiết bị quan sát đêm - ngày PNK-4S/SR AGAT ở khoang của trưởng xe, có khả năng phát hiện ra các mục tiêu có kích cỡ xe tăng trong tầm khoảng từ 700 đến 1.100m.
Về hệ thống phòng vệ, T-90 thiết kế với lớp giáp dày, chế tạo bởi công thức tuyệt mật – đỉnh cao của ngành công nghiệp luyện kim “xứ sở bạch dương”. Sự kết hợp tuyệt vời giữa vỏ giáp bằng thép đặc biệt với vật liệu tổng hợp cùng giáp phản ứng nổ (ERA) mang đến cho xe tăng T-90 khả năng phòng thủ rất cao trước các loại vũ khí chống tăng.
Nhưng không chỉ ở vỏ giáp, điều làm nên sức mạnh cho T-90 là khả năng đánh chặn các loại tên lửa diệt tăng. Đây xe tăng đầu tiên được trang bị hệ thống phòng vệ quang - điện tử học TShU-1-7 Shtora-1. Nó được thiết kể để phá hoại sự chỉ định mục tiêu bằng lade và thiết bị đo xa của tên lửa chống tăng đang bay đến.
Nguyên lý hoạt động của Shtora-1 là, khi phát hiện xe tăng đang bị ngắm bắn bởi các tên lửa chống tăng. Shtora-1 sẽ phát xung hồng ngoại làm nhiễu đầu dò tên lửa, đồng thời 12 máy phun sương nặng 400 kg sẽ được kích hoạt. Màn sương chỉ chưa cần tới 3 giây đã có thể hình thành và kéo dài khoảng 20 giây, phạm vi triển khai của màn sương từ 50-70m. Màn sương này sẽ gây nhiễu các thiết bị chỉ định bằng laser cũng như thiết bị ngắm quang học.
|
Pháo chính 125mm T-90 khai hỏa trong khi xe tăng T-90 bay trên không. |
Xét yếu tố cơ động, T-90 được trang bị động cơ V-96 1.100 mã lực cho phép đạt tốc độ 60-65km/h trên đường nhựa, và 35-45km/h trên đường gồ ghề.
Có thể nói, T-90 là một sự kết hợp hiếm có các tính năng chiến đấu (hỏa lực, mức độ bảo vệ, tính cơ động và tính thuận tiện trong điều khiển) và kỹ thuật (tính độc lập, tính bảo dưỡng, tính khôi phục, tính chiến đấu, tính ổn định và tính kinh tế) cho phép đạt được mức độ hiệu quả chiến đấu cao nhất.
T-90 “đấu” M1 Abrams
So sánh hai loại xe tăng M1 Abrams và T-90 là rất khó khăn khi cả hai đều áp dụng công nghệ tối tân đi tới một mục đích bảo đảm sống sót cao trên chiến trường, hỏa lực mạnh mẽ.
Về sức mạnh hỏa lực, nếu M1 Abrams có đạn xuyên giáp Uranium nghèo thì T-90 có thể phóng tên lửa chống tăng 9M119. Loại vũ khí lắp đầu đạn kiểu 2 đầu nổ cho phép xuyên thủng mọi loại xe tăng hiện đại nhất thế giới.
Về tính cơ động, T-90 dù kém hơn về công suất động cơ, nhưng nhẹ hơn về khối lượng, nên tỉ số công suất / khối lượng không hề thua kém M1 Abrams. Tuy nhiên, nếu nói về tính tiết kiệm nhiên liệu thì động cơ diesel T-90 giành phần thắng so với động cơ tuốc bin khí M1 “uống nhiên liệu như nước lã”.
|
Thật khó đánh giá được T-90 (trên) hay M1 Abrams (dưới) mạnh hơn. |
Xét tới khả năng bảo vệ kíp xe, xe tăng T-90 vẫn mắc điểm yếu cố hữu khi bố trí khoang chứa đạn nằm cùng kíp xe. Nếu đạn pháo địch xuyên vào xe sẽ có thể kích nổ khối đạn làm kíp xe thương vong. Còn đối với M1 Abrams, khoang chứa đạn nằm cách biệt với khoang chiến đấu bằng một lớp cửa thép, trên nóc khoang có 2 tấm ván. Nếu đạn phát nổ thì nó giải phóng sức nổ ra ngoài xe đảm bảo không gây thương vong cho kíp xe.
Đây có thể coi là điểm hơn trong bảo vệ kíp xe của M1 Abrams, tuy nhiên, hệ thống giáp bảo vệ của T-90 không phải là dễ dàng để công phá với 3 lớp: hệ thống phòng vệ Shtora-1; giáp phản ứng nổ ERA và giáp chính.
Tất nhiên, nói về giáp M1 Abrams khá đáng gờm với giáp đa lớp kiểu Chobham dùng vật liệu uranium nghèo có thể đối chọi nhiều loại đạn chống tăng. Nhưng trong thực tiễn chiến đấu, M1 Abrams đã bị vũ khí chống tăng RPG-29 (Nga sản xuất) xuyên thủng ở chiến trường Iraq.
Xét giá cả, rõ ràng T-90 thắng thế hoàn toàn so với M1 Abrams khi đơn giá một chiếc rơi vào khoảng 3-4 triệu USD (theo số liệu năm 2011). Trong khi đó, M1 Abrams có giá lên tới 6,21 triệu USD. Dù vậy, số lượng khách hàng đã mua 2 loại xe tăng này tương đương nhau (5-5).
TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:
Lương Minh