Hết “nhái” Nga, Trung Quốc lại “nhái” tên lửa Na Uy

Google News

(Kiến Thức) - Thay vì sao chép hệ thống tên lửa Nga, lần này Trung Quốc chuyển sang “tham khảo” tên lửa NASAMS của Na Uy để phát triển tên lửa phòng không SD-10A.

Theo tạp chí Ordnance Knowledge, Trung Quốc đã bắt đầu thử nghiệm hệ thống phòng không mặt đất SD-10A sử dụng biến thể nâng cấp đạn tên lửa không đối không PL-12.
Chuyên gia cơ quan nghiên cứu chiến lược và phân tích kỹ thuật Nga Vasily Kashin cho biết, PL-12 là đạn tên lửa không đối không dẫn đường bằng radar chủ động rất hiện đại của Trung Quốc. Việc chế tạo loại tên lửa này có sự tham gia của chuyên gia Nga và linh kiện lắp quả PL-12 đầu tiên hầu hết dùng của Nga.
Hệ thống tên lửa phòng không tầm trung SD-10A.
Đài tiếng nói nước Nga giải thích thêm về hệ thống dẫn radar chủ động của PL-12 có nghĩa là, trên tên lửa lắp radar tự phát hiện, theo dõi khóa mục tiêu khi cách mục tiêu ở cự ly nhất định mà không cần radar trên máy bay phóng giúp chỉ thị mục tiêu.
Về phần hệ thống phòng không trên mặt đất SD-10A, Thời báo Hoàn Cầu cho rằng, so với hệ thống phòng không tầm trung HQ-16 đang được sử dụng, SD-10A vượt trội hơn. Nó sẽ sớm được triển khai trong tương lai cho lực lượng Lục quân Trung Quốc.
Theo thông tin được tiết lộ trên trang mạng Trung Quốc, hệ thống tên lửa đất đối không tầm trung SD-10A Sky Dragon gồm: các xe phóng tự hành (4 đạn/xe), xe chỉ huy và xe radar điều khiển hỏa lực (tầm trinh sát 130km).
Hệ thống có thể diệt mục tiêu ở cự ly 3-50km, độ cao từ 30m tới 20km, tỷ lệ trúng đích đạt 0,80 với mục tiêu máy bay tiêm kích.
Hệ thống được cho là có khả năng bắn hạ 12 mục tiêu cùng lúc, thời gian thu hồi chỉ mất 6 phút, triển khai mất 15 phút.
 Bắn thử nghiệm tên lửa PL-12 trên mặt đất.
Việc trang bị tên lửa không đối không cho hệ thống phòng không trên mặt đất không phải là lần đầu tiên xuất hiện ở Trung Quốc. Mà thực tế trước đó, từ cuối những năm 1990, Công ty Kongsberg Na Uy đã phát triển thành công hệ thống tên lửa phòng không tầm trung NASAMS dùng đạn tên lửa không đối không dẫn đường radar chủ động AIM-120 AMRAAM của Mỹ.
Tuy là đạn tên lửa AIM-120 AMRAAM có thể đạt tầm bắn tới hơn 100km nếu phóng trên máy bay, nhưng biến thể dành cho hệ thông NASAMS chỉ có tầm 25km. Biên chế hệ thống NASAM cũng "gọn nhẹ" với xe đài radar điều khiển và xe chỉ huy cùng bệ phóng tự hành.
Vì vậy, có thể nói rằng, một lần nữa, SD-10A không phải là sản phẩm do trí óc người Trung Quốc sáng tạo từ A-Z mà thực tế vẫn là sản phẩm có tham khảo từ hệ thống nước ngoài.
“SD-10A so với hệ thống phòng không tầm trung NASAMS của Na Uy có sự giống nhau. NASAMS bắt đầu đưa vào sử dụng từ những năm 1990 và sử dụng tên lửa không đối không AIM-120 của Mỹ”, báo chí Nga viết.
 Bệ phóng tên lửa NASAMS phóng tên lửa đối không AIM-120.
Tuy nhiên, việc sử dụng tên lửa không đối không trang bị cho hệ thống phòng không mặt đất không hẳn là giải pháp tốt.
Theo phân tích của báo chí Nga, tên lửa không đối không trong nghiên cứu do nhấn mạnh vào việc giảm tải trọng để trang bị trên máy bay, đã tự tạo ra nhiều thiếu sót. Sức mạnh của phần đầu đạn của tên lửa tương đối nhỏ, ngoài ra tuổi thọ của nó thường ngắn hơn so với tên lửa đất đối không, giá thành của tên lửa có hệ thống radar dẫn đường hiện đại thường cao hơn nhiều so với giá thành của tên lửa dẫn đường bằng radar bán chủ động. Xét từ góc độ kinh tế, Mỹ đã dừng thực hiện kế hoạch chế tạo hệ thống phòng không sử dụng tên lửa AIM-120.
Vì thế, hệ thống phòng không tầm trung SD-10A của Trung Quốc không phải dùng để thay thế tên lửa HQ-16A đang sử dụng trong quân đội mà có lẽ chủ yếu dùng để xuất khẩu.
Bằng Hữu