Đơn vị này đã xuất hiện lần đầu tiên trong thời gian chiến tranh Việt Nam, từ đó về sau không có cuộc chiến tranh lớn nào mà Mỹ tham gia lại không có các đơn vị này. Điều đó không có gì lạ, bởi vì chỉ khi tiêu diệt hoặc buộc được các đài radar mặt đất của đối phương “im lặng” thì mới có thể đảm bảo cho mình ưu thế trên không và an toàn cho các chuyến bay.
Ra đời từ cuộc chiến tranh Việt Nam
Chính cuộc chiến tranh ở Việt Nam là cuộc xung đột đầu tiên mà lực lượng không quân hùng mạnh nước Mỹ vấp phải hệ thống phòng không “đáng sợ” nhiều tầng, nhiều lớp. Tất nhiên, việc Việt Nam có một lượng lớn các tổ hợp tên lửa phòng không do Liên Xô sản xuất là một bất ngờ khó chịu đối với người Mỹ và buộc họ phải tìm lối thoát.
Trong các biện pháp chống lại có việc chuyển sang bay ở độ cao thấp và cực thấp (nhưng ở độ cao này pháo phòng không hoạt động mạnh), cũng như sử dụng biện pháp gây nhiễu một cách rộng rãi. Để gây nhiễu, Không quân Mỹ đã sử dụng những máy bay chuyên dụng dùng để vượt qua lưới lửa phòng không của đối phương.
|
Máy bay chế áp phòng không F-105G mang tên lửa chống radar AGM-45 và AGM-78 hạ cánh xuống sân bay Korat (Thái Lan) năm 1972.
|
Chương trình chế tạo máy bay để vượt qua lưới lửa phòng không ở Mỹ định danh là Wild Weasel (Chồn hoang). Về sau các máy bay được tiêu chuẩn hoá trong khuôn khổ chương trình này cũng được gọi tên như vậy. Trong giai đoạn Wild Weasel I, được bắt đầu ngay từ năm 1965, người Mỹ đã dùng những máy bay tiêm kích F-100 Super Sabre được chế tạo từ 10 năm trước - đó là những máy bay vượt âm đầu tiên của Không quân Mỹ. Và biến thể tiêm kích F-100 2 người lái đã trở thành cơ sở cho “Chồn hoang”.
Chiếc F-100 có thể phát hiện ra đài radar của đối phương nhờ các máy thu phát xạ chuyên dùng đặc biệt. Sau đó sĩ quan điều khiển chỉ dẫn cho phi công hướng đến mục tiêu, từ đó phát hiện ra vị trí của đài radar mục tiêu bằng mắt thường và tấn công nó.
Nhưng máy bay tiêm kích F-100 không đủ tốc độ để bay cùng các máy bay tiêm kích hạng nặng F-4 Phantom II và cường kích F-105 Thunderchief hiện đại vào thời điểm đó thực thi nhiệm vụ. Vì vậy ở giai đoạn Wild Weasel II đã sử dụng phương án dựa vào máy bay tiêm kích F-105.
Năm 1966, ở các đơn vị đã xuất hiện máy bay EF-105 chuyên dụng, không lâu sau thay thế chúng là biến thể F-105G hoàn thiện hơn. Do việc sản xuất hàng loạt F-105 đã kết thúc từ trước năm 1964, nên số máy bay có thể nâng cấp thành “sát thủ phòng không” bị giảm đi, thêm vào đó thiệt hại của Không quân Mỹ ở Việt Nam là cao.
Kết quả là ở giai đoạn 4-5 của chương trình này đã sử dụng máy bay tiêm kích F-4 Phantom II làm nền tảng phát triển, gồm mẫu EF-4C Wild Weasel IV và F-4G Wild Weasel V.
|
Biến thể làm nhiệm vụ chế áp hệ thống phòng không F-4G mang tên lửa chống radar AGM-88 Harm của Mỹ.
|
“Đi trước, về sau”
Trong thời gian chiến tranh Việt Nam, các đơn vị “Chồn hoang” sử dụng hai biện pháp: Bay cùng các nhóm cường kích của Không quân Mỹ và làm nhiệm vụ “săn lùng tự do”.
Biện pháp thứ nhất, khi các nhóm cường kích làm nhiệm vụ thì các máy bay này bay trước vào vùng phòng không. Trong thời gian ném bom bắn phá, nhóm “Chồn hoang” sẽ chế áp tất cả các vị trí của tên lửa phòng không của đối phương đã phát hiện được. Chúng chỉ rời khỏi khu vực khi máy bay cường kích cuối cùng đã bay đi. Chính vì vậy mà đã có phương châm của “Chồn hoang”: “Đến trước tiên, về cuối cùng”.
Trong khi “săn lùng tự do”, “Chồn hoang” hoạt động theo cách “thợ săn - sát thủ”. Ví dụ, bay sau một chiếc F-105F là một tốp 3-4 máy bay F-105D hay F-4. Đôi khi là tốp gồm 2 “thợ săn” và 2 “sát thủ”. Chiếc máy bay đi đầu tìm ra vị trí của tên lửa phòng không và tấn công vào đó, các máy bay còn lại thấy mục tiêu, sau đó tất cả máy bay cường kích sẽ kết thúc cuộc tấn công.
Các thế hệ mới của “Chồn hoang” được trang bị vũ khí và thiết bị ngày càng hoàn thiện hơn, có cả tên lửa chống radar cũng như các hệ thống tác chiến điện tử.
|
Hiện nay Mỹ chủ yếu sử dụng mẫu F-16CJ hiện đại hơn.
|
Sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, đơn vị “Chồn hoang” tiếp tục phục vụ ở Tây Âu, cũng như ở Viễn Đông - nghĩa là ở những nơi mà khi cần Mỹ sẽ phải đối mặt với hệ thống phòng không của Liên Xô.
Trong những năm 1990, những chiếc máy bay cuối cùng của “Chồn hoang” đã được loại bỏ. Mỹ quyết định sử dụng các máy bay tiêm kích đa năng đã được nâng cấp hiện đại hoá F-16C cho mục đích này, thay thế mẫu F-4G.
F-16CJ Wild Weasel trở thành phương tiện chế áp hệ thống phòng không đối phương. Máy bay tiêm kích này được dùng để thực hiện nhiệm vụ vượt qua và chế áp hệ thống phòng không đối phương. Loại tiêm kích này có khả năng sử dụng tên lửa chống radar AGM-88 Harm, cũng như hệ thống dẫn đường AN/ASQ-213 HARM để tiêu diệt và chế áp hệ thống phòng không của đối phương. Không quân Mỹ đã dùng những chiếc F-16CJ chế áp hệ thống phòng không của Nam Tư năm 1999.
Ngoài Không quân Mỹ, Không quân Hải quân Mỹ cũng áp dụng biện pháp tương tự trong chiến tranh Việt Nam và cả sau này. Để chế áp hệ thống phòng không, họ đã dùng đầu tiên là EF-10D Skyknight, sau đó là EA-6A và EA-6B Prowler.
Hiện nay, Hải quân Mỹ đang dần chuyển sang các mẫu EA-18G Growler – biến thể của tiêm kích hạm F/A-18F Super Hornet thay thế cho EA-6B lạc hậu trong nhiệm vụ chế áp hệ thống phòng không.
Nguyễn Vũ