* Bài viết có trích dẫn tư liệu từ cuốn sách: “Nga và Liên Xô trong các cuộc chiến tranh của thế kỷ 20. Mất mát của các lực lượng vũ trang. Nghiên cứu thống kê”. Chủ biên: Phó Tiến sĩ Khoa học Quân sự, Giáo sư Học viên Khoa học Quân sự Thượng tướng G.F. Krivosheev.
Ngày 5/8/1964, sau khi bịa ra cái gọi là “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, Không quân và Hải quân Mỹ bắt đầu các chiến dịch ném bom miền Bắc Việt Nam, sau đó là đưa quân trực tiếp can thiệp vào miền Nam Việt Nam.
Trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam, Không quân, Hải quân Mỹ đã sử dụng nhiều phương tiện chiến tranh ném nhiều loại bom, tên lửa nhắm vào mục tiêu quân sự và cả dân sự gây thương vong lớn cho nhân dân Việt Nam.
Nhưng nhân dân Việt Nam vẫn đứng vững và kiên cường đánh trả các đợt ném bom tàn bạo của Đế quốc Mỹ bằng các loại vũ khí khí tài do Liên Xô và nhiều nước xã hội chủ nghĩa khác giúp đỡ.
|
Chuyên gia Liên Xô ở Việt Nam.
|
Các chuyến hàng quân sự đã được chuyển đến Việt Nam qua lãnh thổ Trung Quốc và theo đường biển đến cảng Hải Phòng. Bên cạnh các loại vũ khí, thì Liên Xô còn gửi nhiều đoàn chuyên gia quân sự sang huấn luyện bộ đội Việt Nam sử dụng các vũ khí khí tài (pháo, tên lửa, máy bay tiêm kích).
Những nhiệm vụ phức tạp và nặng nề đặt lên vai những chiến sĩ và sĩ quan của bộ đội phòng không Liên Xô đã đến Việt Nam. Trong một thời gian ngắn phải tổ chức được việc đánh trả các cuộc ném bom của Không quân Mỹ vào các mục tiêu ở miền Bắc. Việc huấn luyện các quân nhân Việt Nam được tiến hành với nhịp độ khẩn trương.
Và không lâu sau các tiểu đoàn của trung đoàn tên lửa phòng không đầu tiên đã vào trận bảo vệ Hà Nội. Ở giai đoạn đầu, trong các kíp chiến đấu tên lửa S-75 Dvina bảo vệ Hà Nội có các sĩ quan, hạ sĩ quan và chiến sĩ Liên Xô cùng tham gia.
|
Chuyên gia Liên Xô nghiên cứu mảnh xác B-52 bị quân dân miền Bắc Việt Nam bắn rơi.
|
Chiến thuật chống lại Không quân Mỹ được hoàn thiện, các phương tiện kỹ thuật mới chống lại Mỹ đã được chuyển đến Việt Nam, ngoài lực lượng tên lửa thì lực lượng Không quân Nhân dân Việt Nam có thêm nhiều máy bay tiêm kích như MiG-17 và kể cả loại hiện đại nhất, MiG-21.
Tuy nhiên, vai trò chính trong việc đánh lại các cuộc không kích của Không quân Mỹ thuộc về các đơn vị tên lửa phòng không. Ví dụ, trong 12 ngày đêm cuối năm 1972 đánh trả Chiến dịch Linebacker II của Mỹ, quân dân Việt Nam đã xuất sắc bắn rơi tổng cộng 81 máy bay Mỹ. Trong đó có 20 chiếc do pháo phòng không bắn hạ, 7 chiếc do không quân và 54 chiếc còn lại do tên lửa phòng không (trong 34 B-52 bị bắn hạ thì riêng tên lửa bắn rơi 31 chiếc).
Trong 8 năm chiến tranh các phi công miền Bắc Việt Nam với sự giúp đỡ huấn luyện, đảm bảo kỹ thuật từ các bạn Liên Xô tham gia tổng cộng 480 trận không chiến, bắn rơi 350 máy bay địch, nhưng chỉ mất 131 chiếc máy bay.
Theo tài liệu “Nga và Liên Xô trong các cuộc chiến tranh của thế kỷ 20. Mất mát của các lực lượng vũ trang. Nghiên cứu thống kê”, trong thời gian chiến tranh ở Việt Nam đã có hơn 6.000 quân nhân, chuyên gia dân sự sang Việt Nam phục vụ. Trong số này, đã có 16 người hi sinh gồm 15 sĩ quan và 1 chiến sĩ.
Nguyễn Vũ