Đàn "châu chấu" T-70 kinh hoàng của Liên Xô trong CTTG 2

Google News

(Kiến Thức) - Nhỏ bé, hỏa lực kém nhưng với số lượng đông đảo, xe tăng T-70 của Liên Xô vẫn khiến quân phát xít Đức phải khốn đốn trong Chiến tranh Thế giới 2.

Mặc dù thua kém rất nhiều về hỏa lực và giáp bảo vệ so với các xe tăng Đức, nhưng những chiếc xe tăng T-60, T-70 của Liên Xô vẫn chiến đấu cho đến cuối chiến tranh thế giới thứ hai, trong những đội hình đông đảo, khiến cho quân Đức gặp phải một “nạn châu chấu xe tăng”.  
Việc sản xuất hàng loạt với qui mô lớn các xe tăng hạng nhẹ của Liên Xô trong những năm đầu Chiến tranh thế giới thứ hai chủ yếu là một biện pháp tình thế để bù đắp những tổn thất to lớn của Hồng quân do bị bất ngờ khi chiến tranh bùng nổ. Và mặc dù những xe tăng như T-60 đã phải chịu những tổn thất rất lớn trong những tháng đầu cuộc chiến, chúng đã góp phần quan trọng ngăn chặn sự tấn công của quân Đức vào năm 1941, để các nhà máy có thời gian sơ tán và sản xuất ra những cỗ máy chiến tranh mạnh mẽ hơn.
Dan
 Xe tăng hạng nhẹ T-60.
Xe tăng hạng nhẹ T-60 được phát triển vào mùa hè hỗn loạn năm 1941, sau khi quân đội của Hitler phát động chiến dịch Barbarrossa để xâm lược Liên Xô. Với trọng lượng chỉ 6,4 tấn, T-60 được nhà thiết kế Nikolai Astrov phát triển để phù hợp với hệ thống sản xuất ô tô hiện có lúc bấy giờ. 
Chiếc xe tăng này có thể được sản xuất trong các nhà máy tương tự như xe tăng hạng trung T-34, nhưng với chi phí rẻ hơn. Nhược điểm của xe chính là chỉ có giáp trước dày 30mm, mang pháo 20mm và súng máy 7,62mm, chủ yếu dùng để chống bộ binh.
Quan trọng hơn, chiếc T-60 hoàn toàn có thể so sánh với loại xe tăng PzKpfw II Ausf Flight của Đức – được sản xuất cùng năm và mang vũ khí cùng cỡ (các nhà thiết kế của Đức đã không thể đặt pháo 20mm lên chiếc xe tăng hạng nhẹ tiền nhiệm PzKpfw I Ausf, dù rằng nó nặng tương đương như T-60).
Tuy nhiên, trong những trận chiến không cân sức với các loại xe tăng hạng trung và hạng nặng của đối phương, T-60 đã bị tổn thất nặng nề, cả về số xe tăng cũng như danh tiếng của mình. Các nhà sử học quân sự ước tính: Đã có khoảng 6.000 chiếc xe tăng T-60 được sản xuất và kịp thời tham chiến, góp phần đáng kể chặn đứng quân Đức.
“Điều này không có gì, nhưng là một chút rắc rối, thưa đồng chí Stalin”
Kể từ khi các kĩ sư và chỉ huy quân sự Liên Xô nhận ra tổn thất của T-60 trên chiến trường là không thể chấp nhận được, họ đã quyết định nâng cấp chiếc xe tăng. Astrov đã chỉ đạo công việc này, cho ra đời thiết kế T-70 vào đầu năm 1942.
Công suất động cơ của xe tăng lên đến 140 mã lực, và độ dày giáp trước tăng lên 45mm. Các xe tăng T-70 đã được trang bị pháo 45mm, gia tăng sức mạnh công phá nhưng giảm độ chính xác và tốc độ bắn. Tuy nhiên, với pháo 45mm, T-70 có thể gây ra thiệt hại khi bắn trúng mục tiêu xe thiết giáp ở bên sườn và ngay cả phía trước.
Việc bắt đầu sản xuất xe tăng mới chỉ mất chừng ba tháng, phần lớn là nhờ sự thống nhất và sắp xếp hợp lí giữa các cơ sở công nghiệp quốc phòng trên cả nước. Khoảng 6.300 chiếc T-70 đã lăn bánh từ nhà máy ra chiến trường, chỉ xếp sau những chiếc xe tăng T-34 huyền thoại (35.000 chiếc).
Nhẹ nhàng và cơ động, T-70 linh hoạt hơn so với các xe tăng hạng trung và hạng nặng. Chúng thường được che chắn trong đội hình lớn các xe tăng, bất ngờ xuất hiện và tấn công kẻ thù.
Dan
 Xe tăng hạng nhẹ T-70 tham gia tái hiện một trận đánh trong Chiến tranh
vệ quốc vĩ đại
Nhưng khi T-70 lần đầu xuất trận vào mùa hè 1942, các kíp xe nhanh chóng nhận ra hiệu suất chiến đấu của xe khá thấp. T-70 không thể đối phó được với những chiếc PzKpfw III và PzKpfw IV - những chiếc xe tăng thường gặp nhất trên chiến trường. Do đó, xe tăng T-70 ít khi tham chiến đối đầu trực tiếp với các xe tăng hiện đại của địch, mà thường sẽ dùng giáp của mình che chắn và yểm trợ hỏa lực cho bộ binh.
Các pháo chống tăng Pak 40 cỡ 75mm có thể hạ gục T-70 chỉ với một phát bắn từ cự li khá xa và ở mọi góc chạm. “ Xe tăng hạng nhẹ T-70 mới chỉ đi vào chiến đấu, và đã tự đánh mất danh tiếng của mình” - tướng Mikhail Katukov, vị chỉ huy xe tăng nổi tiếng của Hồng quân đã viết trong một báo cáo năm 1942 gửi cho các chỉ huy cấp cao ở Moskva. “Điều này không có gì, nhưng là một chút rắc rối, thưa đồng chí Stalin.”, ông nói thêm về việc sửa chữa những thiếu sót của xe tăng.
T-70 tìm thấy vai trò của mình
Tuy nhiên, thời gian đã cho thấy rằng: Nếu như các kíp xe được huấn luyện tốt, T-70 sẽ không chỉ là một loại xe tăng “phụ họa” cho trận chiến, mà còn có thể đảm nhiệm vai trò tiên phong dẫn đầu đội hình. Những chiếc xe tăng T-70 là cơ sở của lực lượng đã bao vây 300.000 quân tinh nhuệ của Đức tại Stalingrad mùa đông năm 1943. Với tốc độ cao của mình, T-70 rất thích hợp để tạo thành gọng kìm hợp vây đối phương.
Mặc dù T-70 không đối đầu trực tiếp với các xe tăng hạng nặng của Đức, nhưng thiết kế thân xe thấp và độ cơ động cao cho phép T-70 chiếm ưu thế nếu tất công bất ngờ. 
Dan
 Xe tăng hạng nhẹ T-70 bị quân Đức thu giữ và tái sử dụng lại.
Trong trận Kursk, một chỉ huy xe tăng là Onufriyeva đã đánh tạt sườn một chiếc Tiger nặng 54 tấn, và bắn cháy nó sau hai phát pháo vào sườn xe. T-70 chiếm đến 22% số lượng xe tăng Liên Xô tham gia các trận chiến quan trọng, và đã chứng tỏ vai trò của các xe tăng hạng nhẹ. Ngày 6/07/1943, gần làng Pokhrovka, một chiếc T-70 đơn độc do trung úy B.V.Pavlovich chỉ huy đã hạ gục ba xe tăng hạng trung Panzer và Panther của Đức.
Mùa thu năm 1943, các nhà máy sản xuất xe tăng đã chuyển sang sản xuất pháo tự hành SU-76M trên cơ sở xe tăng T-70M. Các xe tăng T-70 còn lại đã được biên chế trong các lữ đoàn, trung đoàn và tiểu đoàn pháo tự hành, với tư cách xe tăng chỉ huy, và tiếp tục tham chiến cho đến khi kết thúc chiến tranh.
Trên chiến trường, T-70 trở thành đàn “châu chấu” gây kinh hoàng cho đối phương trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Còn các chiến sĩ Hồng quân thì trìu mến gọi chiếc xe bé nhỏ là “em bé”!
Thanh Hoa