T-44 là thế hệ xe tăng hạng trung đầu tiên dược sản xuất gần cuối Chiến tranh Thế giới thứ 2, và là sự kế thừa của dòng tăng huyền thoại T-34. Tuy nhiên, chỉ khoảng 2.000 chiếc "hậu bối" T-34 được sản xuất, nhưng nó chính là cơ sở cho sự ra đời của xe tăng chiến đấu chủ lực T-54/55 sau này - loại xe tăng được sản xuất nhiều nhất mọi thời đại.
|
Xe tăng hạng trung T-44 hành tiến trong thế giới hiện đại.
|
Xe tăng hạng trung T-44 do A.A Morozov thiết kế trong giai đoạn 1943-1944, được nhà máy số 75 Kharkiv sản xuất trong các năm 1944-1947 với số lượng chính xác 1.823 chiếc. Cơ bản thì T-44 sản xuất sử dụng nhiều thành phần từ T-34, nhưng có thân mới, trang bị động cơ diesel cải tiến, hộp số cùng hệ thống treo.
Chiếc xe có trọng lượng tổng thể 32 tấn, dài tổng thể (gồm cả pháo) 7,65m, rộng 3,25m, cao 2,455m, kíp lái 4 người. Bố trí trong xe được đánh giá là tiêu biểu thời kỳ đó, theo đó, khoang lái xe được đặt phía trước, tiếp sau là khoang chiến đấu đặt trung tâm và cuối cùng là khoang động cơ.
Mục đích ban đầu của thiết kế này là giữ tính cơ động cao và tốc độ của T-34, nhưng cung cấp cho T-44 có giáp hạng nặng tốt hơn chống lại pháo diệt tăng cỡ nòng lớn. Điều này đã được thực hiện bằng cách tăng thêm tấm giáp nhưng giảm khối lượng bên trong thân.
Clip khởi động xe tăng T-44:
Động cơ diesel V-44 12 xy lanh có công suất 520 mã lực - biến thể mạnh hơn cải tiến từ động cơ V-2, cải tiến hệ thống làm mát, hệ thống nhiên liệu. Một loạt cải tiến cho tốc độ tối đa 53km/h trên đường bằng phẳng, 20-25km/h trên đường ghồ ghề, tầm hoạt động 350km.
Xe tăng hạng trung T-44 được bọc giáp thép dày 120mm trước tháp pháo trong khi giáp hông là 75mm. Hỏa lực của xe là pháo 85mm ZiS-S-53 cũng như 2 đại liên 7,62mm DTM. Trong đó, pháo 85mm có khả năng xuyên giáp dày 100mm ở cách xa 1.000m, pháo có góc hạ/nâng lần lượt là -5/25 độ, không có bộ ổn định nòng.
|
Xe tăng T-44 không bao giờ tham chiến.
|
Các biến thể cải tiến sau này còn trang bị pháo cỡ nòng lớn hơn như T-44-122 (sản xuất năm 1944) trang bị pháo D-25-44T 122mm; T-44-100 (sản xuất 1945) lắp pháo 100mm D-10T hoặc 100mm LB-1. Tuy nhiên, hầu hết chúng đều không được sản xuất loạt.
Dù có thiết kế khá tốt, nhưng tiếc thay xe tăng hạng trung T-44 tham chiến quá muộn khi mà cục diện chiến trường gần như đã ngã ngũ. Theo một số tài liệu thì thậm chí T-44 không tham chiến do thiếu hậu cần kĩ thuật, thiếu phụ tùng với xe tăng mới. Những cỗ tăng T-44 cũng không được xuất khẩu cho bất kỳ quốc gia nào, khác hẳn với “tiền bối” T-34.
Hoàng Lê