Cách tên lửa phòng không Patriot PAC-2 rời bệ phóng

Google News

(Kiến Thức) - Động cơ đẩy chính được kích hoạt ngay khi quả đạn đang còn trên bệ phóng, tên lửa bay lên theo phương nghiêng khác hẳn với S-300, S-400.

Clip hệ thống Patriot PAC-2 của Hàn Quốc thử nghiệm diệt mục tiêu bay không người lái:

Patriot PAC-2 là hệ thống tên lửa phòng không tầm cao được chế tạo bởi Tập đoàn Raytheon cho Quân đội Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới. Patriot được xem là hệ thống tên lửa phòng không thành công nhất của Mỹ và NATO ở nhiều khía cạnh.
Một khẩu đội PAC-2 thường gồm 4 thành phần chính: 4 xe phóng (4 đạn/xe); radar tìm kiếm mục tiêu và điều khiển hỏa lực AN/MPQ-53/65; trạm kiểm soát thông tin di động AN/MSQ-104; xe tiếp đạn M985 GMT HEMTT.
Trong đó, AN/MPQ-53/65 là loại radar quét mạng pha điện tử bị động hoạt động ở băng tần G. Đây là loại radar kiểu “3 trong 1” tức là nó thực hiện tất cả các nhiệm vụ tìm kiếm mục tiêu, theo dõi, phân loại mục tiêu, dẫn đường cho tên lửa và kiêm luôn nhiệm vụ đối phó điện tử.
Radar này có khả năng theo dõi 100 mục tiêu, cung cấp kênh dẫn đường cho 9 tên lửa cùng lúc. Phạm vi tìm kiếm mục tiêu và dẫn đường cho tên lửa từ 3-170km, thời gian sẵn sàng chiến đấu của hệ thống khoảng 60 phút.
Cach ten lua phong khong Patriot PAC-2 roi be phong
 Đạn Patriot PAC-2 rời bệ phóng.
Đạn tên lửa dùng cho hệ thống PAC-2 có chiều dài 5,8m, trọng lượng 900kg, trang bị động cơ nhiên liệu rắn chỉnh luồng phụt với tốc độ gấp 5 lần vận tốc âm thanh (5.500km/h), tầm bắn khoảng 160km.
Tên lửa được dẫn đường đến mục tiêu theo kiểu “track-via-missile” (bám theo đạn tên lửa) TVM. Nghĩa là, công nghệ dẫn đường cho tên lửa thông qua một kênh liên kết dữ liệu “uplink-downlink”. Dữ liệu của mục tiêu được đầu tự dẫn radar bán chủ động trên tên lửa truyền xuống đài radar mặt đất qua một kênh TVM. Trạm radar mặt đất sẽ tính toán, sửa chữa cuối cùng cho việc khóa mục tiêu. Dữ liệu sau đó được truyền ngược lại cho tên lửa thông qua kênh TVM.
Hoàng Lê