Phản đối sáp nhập trường, hàng trăm phu huynh cho con nghỉ học

Google News

Lo con đi học xa xôi khi phải sáp nhập trường, hàng trăm phụ huynh xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc, Nghệ An đã cho con nghỉ học để phản đối.

Sáng 7/9 là ngày học đầu tiên nhưng chỉ có 91/320 em học sinh xã Nghi Thiết đi học tại Trường THCS Tiến Thiết vì phụ huynh cho con nghỉ học để phản đối việc sáp nhập trường.

Trước tình hình trên, chính quyền địa phương và các ban ngành, đoàn thể xã Nghi Thiết đã tổ chức đối thoại với người dân để đưa học sinh đến trường trở lại.

Sự việc bắt nguồn từ chủ trương sáp nhập trường, đưa học sinh từ Trường THCS Nghi Thiết và THCS Nghi Tiến vào học tại một điểm Trường THCS Tiến Thiết.
Phan doi sap nhap truong, hang tram phu huynh cho con nghi hoc
Phụ huynh và học sinh tập trung tại Nhà văn hóa xã Nghi Thiết sáng 7/9 - Ảnh: Doãn Hòa 

Từ ngày khai giảng năm học mới, hàng trăm phụ huynh xã Nghi Thiết đồng loạt cho con nghỉ học để phản đối chủ trương sáp nhập trường. Ngày lễ khai giảng (5/9) chỉ có 126 học sinh cấp II xã Nghi Thiết đến trường dự.

Chị Võ Thị Trung (34 tuổi), mẹ em Nguyễn Văn Thắng (học sinh lớp 8), cho biết: “Trường mới cách nhà khoảng 6km, con tôi có thể đi được xe đạp nhưng gia đình vẫn không yên tâm bởi đường xa. Hơn nữa đoạn đường D4 các cháu đi học qua đang được thi công nên vợ chồng tôi rất lo ngại vì sự an toàn của cháu”.

Còn bà Hoàng Thị Thủy (47 tuổi, ngụ xã Nghi Thiết), mẹ em Nguyễn Sỹ Lương (học sinh lớp 8), cũng cho biết không rõ chủ trương sáp nhập trường. “Hằng năm chúng tôi đều đóng tiền xây dựng cơ sở vật chất ở nhà trường. Ngôi trường hiện nay vẫn có khuôn viên, sân chơi, lớp học, nhà giữ xe đầy đủ cho các cháu học tại sao lại chuyển các cháu đi học xa như vậy?”, bà Thủy băn khoăn.

Ông Nguyễn Hồng Điến, bí thư chi bộ xóm Đông, cho rằng chủ trương sáp nhập trường lớp là phù hợp để tập trung học sinh, đầu tư cơ sở vật chất nhằm nâng cao chất lượng. Tuy nhiên, quá trình triển khai sáp nhập trường lớp còn vội vàng, chưa được sự đồng thuận của người dân. “Với học sinh lớp 6, lớp 7, khoảng cách từ nhà đến trường như vậy là xa. Ngoài ra, đường D4 đang thi công nên lo ngại của người dân là chính đáng” - ông Điến nói.

Thiếu sót trong công tác tuyên truyền

Năm học 2015-2016, Trường THCS Tiến Thiết (gồm học sinh xã Nghi Thiết và Nghi Tiến) có 530 học sinh, trong đó học sinh xã Nghi Thiết là 320 em. Từ xã Nghi Thiết, học sinh đi học tại Trường THCS Tiến Thiết phải đi qua vùng đồi núi có nguy cơ sạt lở đất đá vào mùa mưa lũ.

“Nếu phụ huynh cho các em nghỉ học trong những buổi học tiếp theo thì các em sẽ không theo kịp chương trình, không chỉ hổng kiến thức mà còn ảnh hưởng đến tâm lý của các em”, thầy Võ Ngọc Quế, hiệu trưởng Trường THCS Tiến Thiết, chia sẻ.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Bùi Văn Thành, chủ tịch UBND xã Nghi Thiết, cho biết chủ trương sáp nhập trường có từ năm 2008 nhằm tập trung học sinh, đầu tư cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng dạy học.

Về khoảng cách điểm trường xa, ông Thành cho rằng nhiều học sinh ở xã Nghi Tiến có khoảng cách từ 5-6km nhưng vẫn đều đặn đến trường.

“Quá trình sáp nhập hai trường kéo dài 7 năm, hai địa phương vừa hoàn thiện cơ sở vật chất để đưa học sinh học tập trung. Đến cuối tháng 8/2015, Trường THCS Tiến Thiết mới được xây dựng hoàn chỉnh, nằm ở khu vực giáp ranh giữa hai xã - địa điểm này đã được khảo sát kỹ”, ông Thành cho biết.

“Tuy nhiên việc sáp nhập trường có sự thiếu sót của địa phương, các đoàn thể trong việc tuyên truyền để người dân hiểu được chủ trương”, ông Thành nói.

Ông Thành cho biết thêm thời gian tới sẽ tiếp tục yêu cầu các đoàn thể, nhà trường tuyên truyền, vận động người dân đưa học sinh đến trường, đồng thời sẽ giải quyết những vấn đề mà phụ huynh kiến nghị nhằm sớm đưa học sinh trở lại trường lớp, đảm bảo quyền được học hành của các em.

Tại buổi đối thoại sáng 7/9 kéo dài căng thẳng hơn 4 giờ nhưng giữa phụ huynh và chính quyền xã Nghi Thiết vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Nhiều phụ huynh cho rằng xã nên mở lại trường THCS Nghi Thiết và tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở vật chất để con em họ được đến trường.
Theo Tuổi Trẻ