Cho thôi việc thì người ta thích!
Ông nhìn nhận thế nào về thông tin ở Đà Nẵng có hàng chục giảng viên đại học được cử đi học thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài nhưng quá hạn cam kết không trở về?
Tôi không phải người Đà Nẵng, không biết rõ tỉ mỉ. Nhưng từ tình hình Đà Nẵng, chúng ta phải xem lại việc đào tạo Đại học và sau Đại học ở nước ngoài và tuyển dụng những người học ở nước ngoài về công tác trong nước. Nó còn liên quan đến cả việc kêu gọi trí thức, Việt kiều, người Việt ở nước ngoài về hợp tác và công tác ở trong nước.
Nếu người đi học bằng ngân sách nhà nước, có quy định nào buộc họ phải bồi thường không?
Quy định đó đã có rồi. Trong quy định, học viên học xong đều phải về nước phục vụ. Nếu không về nước, phải hoàn trả kinh phí. Rất tiếc, tôi không có số liệu cụ thể: học xong, bao nhiêu người về nước, bao nhiêu người ở lại.
Việc cơ quan chủ quản buộc thôi việc những người không về, ông có cho rằng đó chỉ là thủ tục. Bởi thực tế những người không về, bản thân họ đã phá vỡ cam kết, phá vỡ hợp đồng ngay khi họ không về nước làm việc?
Đúng là buộc thôi việc cũng chỉ là cái giấy, chứ người ta đã thôi việc rồi. Việc buộc thôi việc thì đương nhiên người ta càng thích vì người ta đang cần cái đó. Vấn đề quan trọng nhất là gửi đi đào tạo để người ta về nước phục vụ thì chúng ta không đạt được mục đích đó. Việc trao đổi sinh viên giữa các nước là rất hay, nhưng sử dụng như thế nào để khuyến khích những người được đi nước ngoài học tập về nước phục vụ, như thế mới đạt mục tiêu.
|
GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ giáo dục. |
Ta chưa có tự do trong nghiên cứu
Có ý kiến cho rằng, giảng viên đại học thường là những người có trình độ cao. Nếu không có môi trường làm việc giúp họ phát huy hết khả năng thì việc phá vỡ hợp đồng, đi học không về là điều tất yếu. Ông có ý kiến gì về điều này?
Theo tôi nhận xét như vậy rất đúng. Ở các nước tiên tiến, môi trường khoa học, môi trường giáo dục trong các trường đại học rất thuận lợi để con người có thể phát huy được khả năng. Ở phương Tây từ thế kỷ XI, người ta có đường lối gọi là tự do hàn lâm, tức là vào đại học thì trong giảng dạy cũng như trong nghiên cứu được phát huy quyền tự do của người trí thức. Anh giảng dạy có thể phát biểu, truyền đạt nhận xét riêng của mình về những vấn đề mình thích thú, và có thể đề xuất hay tìm tòi những ý kiến khác với người khác.
Ngoài ra, các phòng thí nghiệm cũng như các điều kiện trong khoa học xã hội thì các trường học ở phương Tây, Mỹ, Úc hay Niu Di lân, họ đảm bảo cho tất cả các cán bộ giảng dạy ở đại học làm cả 2 nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu. Ở ta nói thì 2 nhiệm vụ này nhưng điều kiện thì phần lớn là không không thỏa mãn.
Còn vấn đề ngân sách cho việc nghiên cứu ở các trường đại học: anh làm nghiên cứu gì thì đều có ngân sách, có tiền cho thiết bị và phần lớn là có người giúp việc nữa. Có những người tốt nghiệp đại học, tốt nghiệp phổ thông giúp cho những người nghiên cứu, hay ta còn gọi là những thí nghiệm viên để giúp cho người nghiên cứu...
Ở nước ta, người giảng dạy có lương ổn định và vẫn có thể nghiên cứu đấy chứ?
Nhưng ở ta không có 4 điều kiện cho việc nghiên cứu trong đại học như họ, và cái tự do hàn lâm là điều đầu tiên và rất quan trọng thì vẫn chưa có. Mình chưa bao giờ nói tự do trong nghiên cứu ở đại học ở Việt Nam.
Lương hằng tháng để sinh sống mới là quan trọng
Đà Nẵng từng được coi là điểm đến của nhiều hiền tài khi họ triển khai nhiều chính sách thu hút nhân tài như lương bổng, nhà ở, vị trí làm việc... nhưng đến nay tình trạng chảy máu chất xám đang diễn ra. Ông có cho rằng việc tuyển dụng và trọng dụng nhân tài ở Đà Nẵng nói riêng và trên cả nước đang có vấn đề?
Cái cụ thể của Đà Nẵng (lương hay nhà ở) thì tôi không nắm kỹ. Nhưng nhìn tình hình chung của cả nước thì đây là vấn đề rất lớn. Hiện nay, lương hàng tháng của cán bộ nghiên cứu được xếp như lương hành chính. Cán bộ nghiên cứu lương rất thấp. Gần đây, lương giáo sư, phó giáo sư mới có trong bậc lương chứ trước đây không có, nhưng cũng rất thấp. Để thu hút người có trình độ, địa phương có thể cho người ta mấy chục triệu đồng. Cái đó cũng được, nhưng món tiền khởi đầu chỉ là món quà. Lương hàng tháng để sinh sống mới là quan trọng, mới thể hiện tính chất trọng dụng, tôn vinh...
Như vậy có thể nhìn ngay vấn đề lương bổng?
Đúng là phải có vấn đề vật chất. Tôi có người quen là một ông ở Viện Chính sách và Hải quân Mỹ, ông ấy có viết một cuốn sách, sau đó NXB chính trị quốc gia dịch và in. Khi tôi được mời sang Mỹ, đến thăm nhà tác giả cuốn sách, ông ấy chỉ sang ngôi nhà bên cạnh và nói: “Tôi vừa viết quyển sách, người ta trả nhuận bút, tôi mua cái nhà đó”. Khi đó là năm 1997 hoặc 1998. Tôi có hỏi bao nhiêu tiền, họ nói khoảng 500 nghìn USD. Thế nhưng bây giờ ở Việt Nam, viết một quyển sách có khi chỉ được 5 - 10 triệu đồng, thậm chí NXB khó khăn thì trả bằng sách chứ không có tiền nhuận bút. Đấy là câu chuyện rất cụ thể.
Nghiên cứu khoa học phải ra đời sống. Một quyển sách có khi 5 - 10 năm mới ra được, thậm chí có quyển sách là cả cuộc đời nghiên cứu, lao động cần cù ngày đêm... Lao động vất vả có được bồi dưỡng thích đáng để người ta yên tâm với cuộc sống không thì có thể nói các nhà khoa học Việt Nam không có ai có điều kiện để thực hiện, lúc nào cũng phải lo về gia đình, thậm chí khi nhiều tuổi vẫn phải lo có đủ ăn và tiền thuốc men. Đời sống không bảo đảm thì người ta phải tìm chỗ bảo đảm hơn. Ở lại nước ngoài giảng dạy thì có lẽ họ không phải quá lo lắng về cơm áo gạo tiền.
Trong điều kiện hiện nay, nếu đòi hỏi nhà nước trả lương cao cho những giảng viên đại học thì cũng khó trong điều kiện mặt bằng chung của đất nước...
Nói thế cũng đúng, nhưng tư tưởng của mình nặng về cào bằng. So sánh người tốt nghiệp đại học hay tiến sĩ, giáo sư có mức sống hơn nông dân chẳng hạn thì đứng về phương diện nhà nước, so sánh đó không đúng, không hợp lý. Những người tài năng và trí thức nên được ưu đãi. Các nước tiên tiến họ đều vậy.
Xin cảm ơn ông!
Hàng chục giảng viên của Đại học Đà Nẵng được đưa đi học thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài quá hạn cam kết nhưng vẫn biệt tăm, không trở về. Đại học Đà Nẵng đã xử lý kỷ luật buộc cho thôi việc 6 người. Trong đó có những giảng viên được đi theo diện đề án với mức đầu tư gần nửa tỉ đồng/năm cho việc ăn học.
Theo TS Đoàn Gia Dũng, Trưởng ban Ban Tổ chức cán bộ, Đại học Đà Nẵng, tổng số giảng viên học tại nước ngoài đã tốt nghiệp xong nhưng chưa về nước là 18 người, trong đó trường Đại học Bách khoa 7 người, Đại học Kinh tế 3 người, Đại học Sư phạm 5 người, Cao đẳng Công nghệ 2 người... Về quy trình đưa giảng viên đi nước ngoài học tập, ông Trần Văn Nam, Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho biết, các giảng viên trước khi đi học thường phải viết giấy cam kết có cha mẹ bảo lãnh, sau khi hoàn thành việc học phải trở về báo cáo và công tác tại đơn vị cũ là Đại học Đà Nẵng. Tuy nhiên, sự ràng buộc này thực tế vẫn không hữu hiệu.
Hoài Hương (Thực hiện)