Bà Trần Ái Cầm, Phó hiệu trưởng trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho biết, kết thúc đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung (NVBS) lần này, trường đã tiếp nhận hơn 2.000 hồ sơ cho tất cả các ngành, trong tổng số 3.800 chỉ tiêu NVBS.
“Như vậy, trường dự kiến tuyển thêm 1.500 chỉ tiêu NVBS cho đợt tiếp theo. Tuy nhiên, trường còn lo sợ hồ sơ ảo bởi trong đợt này, thí sinh vừa được nộp một lúc 3 giấy kết quả kỳ thi THPT quốc gia, vừa lại được xét tuyển thêm hình thức học bạ”, bà Cầm nói.
Theo đó, từ ngày 11/9 – 21/9, trường sẽ nhận hồ sơ xét tuyển đại học đợt 3 với điểm xét tuyển dự kiến là ở bậc ĐH, ngành Dược học (mã ngành: D720401): từ 18,75 điểm trở lên, còn các ngành khác: từ 15 điểm trở lên. Bậc CĐ: từ 12 điểm đến thấp hơn 15 điểm cho tất cả các ngành. Hình thức xét tuyển vừa lấy kết quả kỳ thi THPT quốc gia, vừa xét tuyển học bạ.
Trường ĐH Công nghệ TPHCM sau khi kết thúc đợt 2 cũng đã chính thức công bố điểm chuẩn trúng tuyển đối với tất cả các ngành đào tạo. Trường lấy điểm chuẩn trúng tuyển hệ ĐH từ 16 - 18 điểm (tùy theo ngành); và 12 điểm đối với tất cả các ngành hệ CĐ.
|
Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển NVBS ngày 9/7 tại một trường ĐH ở TPHCM. Ảnh: Tiền Phong. |
Ông Nguyễn Quốc Anh, trưởng phòng Tư vấn, tuyển sinh và truyền thông cho biết, trường dự kiến gọi nhập học 3.200 chỉ tiêu/4.400 hồ sơ. Do đó, dự kiến hơn 1.000 sinh viên không trúng tuyển trong đợt này. “Tuy nhiên, do tỷ lệ ảo trong đợt này khá cao nên trường vẫn phải tiếp tục nhận hồ sơ xét tuyển đợt 3 với khoảng 500 chỉ tiêu đối với những thí sinh đạt điểm trúng tuyển đợt 2 trở lên”, ông Anh nói.
ĐH Hoa Sen, kết thúc đợt 2 nhận được hơn 700 hồ sơ/ 820 chỉ tiêu. “Trường chắc chắn phải tuyển thêm NVBS đợt 3”, ông Hoàng Quốc Bình, Giám đốc Truyền thông và tuyển sinh nói. Tương tự, ĐH Lạc Hồng kết thúc đợt 2 nhận được 600 hồ sơ/800 chỉ tiêu.
Ông Lâm Thành Hiển, Phó hiệu trưởng nói: “Về lý thuyết, trường thiếu khoảng 200 chỉ tiêu, tuy nhiên, trong đợt 3 này, trường dự kiến tuyển 300 chỉ tiêu. Nguyên do là tỷ lệ ảo trong đợt này khá cao nên trường rất khó để dự đoán được tình hình”.
Ngày 7/9, Đại học Huế đã nhận gần 1.400 hồ sơ trên tổng số hơn 930 chỉ tiêu còn lại sau đợt xét tuyển lần 1. Đáng chú ý, trong đợt gọi bổ sung này, Đại học Huế hầu như không nhận được bất kỳ hồ sơ nào thuộc diện liên thông đăng ký vào đại học. Hồ sơ đăng ký vào các ngành đào tạo bậc cao đẳng cũng rất ít. Thí sinh nộp hồ sơ đợt bổ sung này tập trung vào các ngành còn chỉ tiêu thuộc Trường Đại học Khoa học, Đại học Nông lâm và Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị.
Thí sinh đi đâu?
Ngày chót đợt 2 tuyển sinh, nhiều trường vẫn chưa đủ thí sinh vì hồ sơ đăng ký thì đủ nhưng thí sinh lại ảo có thể tới 4 lần.
ĐH Nông nghiệp đợt 1 tuyển được 5.800 thí sinh, còn thiếu 140 chỉ tiêu đại học (ĐH) và 630 chỉ tiêu cao đẳng (CĐ). Nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển (ĐKXT) lần 2 trường này thu được 2.000 hồ sơ nhưng câu trả lời là chưa biết có đủ thí sinh hay không vì tỷ lệ ảo lần này rất cao, theo tính toán của các nhà tuyển sinh là tỷ lệ này cao 3-4 lần hoăc hơn do mỗi thí sinh có 3 giấy và còn có thể nộp bản photocopy.
Ông Nguyễn Xuân Bình, trưởng phòng đào tạo trường ĐH Vinh cũng cho biết, đến giờ chót ngày 7/9, tính theo số lượng hồ sơ ĐKXT trường thừa hồ sơ (1.500) so với chỉ tiêu (800) của đợt 2, nhưng nhà trường vẫn sợ sẽ không đủ học trò vì tỷ lệ ảo (ông Bình dự kiến chỉ có 50% thí sinh đến nhập học thực sự). Tuy nhiên, ông Bình cũng cho biết: Sẽ không tuyển thêm lần 3 vì không muốn “vơ bèo vợt tép”, để đảm bảo chất lượng người học.
ĐH Thăng Long (Hà Nội) nhận được 1.200 hồ sơ đợt 1 và có 1.120 nhập học (hơn 90%) nhưng sợ ảo, đợt 2 trường này nhận 1.500 hồ sơ và dự kiến sẽ có khoảng 50% thí sinh đến học. Hiệu trưởng trường này, ông Xuân Phú cho biết, dù không đủ chỉ tiêu cũng không tuyển đợt 3.
ĐH Đà Nẵng, vốn từ đầu mùa tuyển sinh nổi đình nổi đám vì đông thí sinh đến ĐKXT nên hết đợt 1 đã tuyển đủ sinh viên cho hệ ĐH chính quy và đợt 2 chỉ dành để tuyển chỉ tiêu đào tạo hệ CĐ, chủ yếu là cho 2 trường CĐ trong ĐH vùng này. Tuy nhiên, ông Trần Văn Nam, Giám đốc ĐH Đà Nẵng cũng phải ngơ ngác với câu hỏi: Không biết thí sinh đạt từ 12 - 15 điểm đi đâu?
Ông Nam cho rằng, có thể thí sinh ở khoảng điểm trúng tuyển CĐ đó vẫn có cơ hội vào học ĐH ở những trường tuyển sinh ĐH bằng học bạ.
Ông Nam nhận định, ngày nay thí sinh có cơ hội lựa chọn nhiều hơn với phương thức tuyển sinh mới 2015 nên thí sinh sẽ đến học ở những trường có thương hiệu và dễ xin việc làm hoặc những môi trường năng động như Hà Nội và TPHCM để có cơ hội kiếm việc làm thêm, ra trường có công ăn việc làm. Vậy có nên đóng cửa ngành hay trường không có người học không? Một nhà đào tạo trả lời: Các trường có thể chuyển đổi ngành đào tạo cho phù hợp, nhưng phải chuyển thật chứ không phải chuyển giả - nghiên cứu ra ngành mới chứ không phải đổi tên ngành cho hấp dẫn!
Đợt 3 nhận đơn từ 11/9 đến 21/9
Các trường sẽ công bố kết quả trúng tuyển đợt 2 trước 10/9; Đợt 3: Các trường nhận ĐKXT từ ngày 11/9 đến ngày 21/9, công bố kết quả trúng tuyển trước 24/9; Đợt 4: Các trường chưa tuyển đủ chỉ tiêu chủ động công bố thời gian nhận ĐKXT từ ngày 25/9 đến ngày 15/10 và công bố kết quả trúng tuyển trước 19/10. Tuyển sinh ĐH kết thúc ngày 20/10.
Theo Tiền Phong