Mô hình hợp tác chưa từng có tiền lệ mà trường Đại học VinUni vừa tiên phong triển khai đã góp phần định vị lại hoạt động đào tạo quốc tế, mang lại diện mạo mới và nâng cao vị thế của giáo dục đại học Việt Nam trên toàn cầu.
“Giải cứu” du học sinh quốc tế của Mỹ thời COVID
Trong lịch sử hơn 150 năm, Cornell, 1 trong 8 đại học Ivy League danh giá của Mỹ, chưa bao giờ rơi vào tình cảnh như hiện tại. Trường phải đóng cửa và chuyển hoàn toàn sang hoạt động giảng dạy trực tuyến từ tháng Ba do đại dịch COVID-19 bùng phát.
Trong số 24.000 sinh viên của Cornell, “khốn khổ” nhất chính là 5.700 sinh viên nước ngoài, những người có nguy cơ phải về nước nếu chỉ học trực tuyến vào học kỳ mùa Thu tới theo quyết định của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Nhưng ngay cả khi được ở lại Mỹ, việc này cũng rất rủi ro bởi dịch COVID-19 tại Mỹ ngày càng phức tạp, ký túc xá thì đóng cửa mà chưa “hẹn ngày gặp lại”.
Hoàng Minh và Trà Giang (Hà Nội) là 2 trong số hàng chục lưu học sinh Việt Nam tại Cornell may mắn được “giải cứu” về nước giữa những ngày nước Mỹ đang “dầu sôi lửa bỏng”. May mắn hơn nữa là Minh và Giang còn có cơ hội được đến trường “như chưa hề có COVID” với chương trình “Study Away” tại trường Đại học VinUni từ học kỳ mùa Thu tới.
|
Trà Giang là 1 trong những sinh viên Cornell sẽ tiếp tục theo học chương trình “Study Away” tại trường Đại học VinUni từ học kỳ mùa Thu tới |
“Study Away” là một chương trình “du học đặc biệt” được Cornell phối hợp cùng một số đối tác toàn cầu thiết kế nhằm hỗ trợ các sinh viên quốc tế trong giai đoạn chưa thể quay trở lại Mỹ. VinUni là 1 trong 16 đối tác toàn cầu, và là đối tác duy nhất ở Đông Nam Á, được lựa chọn theo tiêu chuẩn khắt khe để triển khai chương trình chưa từng có tiền lệ trong lịch sử của Cornell.
Với tiêu chí “học tập ảo, trải nghiệm thật”, thông qua “Study Away”, các sinh viên quốc tế của Cornell được VinUni tiếp nhận vào học sẽ tiếp tục học chương trình của Cornell cùng với các giáo sư Cornell trên nền tảng trực tuyến. Đặc biệt, sinh viên nước ngoài còn có cơ hội “Khám phá Việt Nam” - tên một học phần đặc biệt do VinUni thiết kế, để từ đó hiểu sâu hơn về đất nước, văn hóa, cơ hội kinh doanh và môi trường khởi nghiệp của Việt Nam.
“VinUni đúng là cứu tinh của những du học sinh Cornell trong đại dịch”, Hoàng Minh và Trà Giang chia sẻ sau khi tham gia đoàn sinh viên Cornell khảo sát thực tế tại VinUni tuần đầu tháng 7. “Mình thấy khuôn viên và cơ sở vật chất của VinUni không thua kém gì Cornell.”
Theo GS. Rohit Verma, Hiệu trưởng Trường Đại học VinUni, học trực tuyến có nhiều lợi thế và đang được các trường trên thế giới áp dụng rộng rãi trong thời gian đại dịch. Nhưng hạn chế của giảng đường ảo là cách ly người học khỏi môi trường thực tế và các tương tác xã hội - yếu tố quan trọng giúp gia tăng trải nghiệm và thúc đẩy sự phát triển toàn diện của sinh viên.
“Với ‘Study Away’, VinUni sẽ giúp các sinh viên Cornell có được những trải nghiệm đại học đúng nghĩa ngay cả trong đại dịch, thậm chí là hơn thế nữa”, GS. Rohit Verma chia sẻ.
Hợp tác bình đẳng, nâng vị thế giáo dục Việt Nam
Chia sẻ thêm về mô hình đào tạo quốc tế mang tính tiên phong tại Việt Nam, GS. Rohit Verma cho biết đây là chương trình hợp tác bình đẳng giữa VinUni và Cornell khi mang lại lợi ích cho cả đôi bên.
“Với Cornell, VinUni là môi trường giáo dục với các tiêu chuẩn tương tự như tại Mỹ để họ có thể yên tâm gửi gắm sinh viên. Ngược lại, ‘Study Away’ sẽ góp phần tạo ra một môi trường đậm đặc nhân tài cho các sinh viên VinUni, để các em từng bước phát triển toàn diện thành các công dân toàn cầu”, GS. Rohit Verma nói.
Vị giáo sư được Cornell biệt phái đến VinUni theo chương trình hợp tác toàn diện giữa hai trường cũng cho biết mỗi năm có hàng nghìn sinh viên Cornell đăng ký học kỳ quốc tế ở ngoài nước Mỹ, nhưng rất ít sinh viên chọn Việt Nam. Cộng đồng du học sinh Việt Nam tại Cornell cũng như tại các đại học khác khá nhỏ bé, vì vậy, hình ảnh đại diện của Việt Nam còn tương đối mờ nhạt.
“Chương trình ‘Study Away’ sẽ mở ra một trang mới, đưa Việt Nam thành một điểm đến hấp dẫn với sinh viên quốc tế, đặc biệt là sinh viên của các trường đại học xuất sắc”, GS. Rohit Vermo kỳ vọng.
Theo các chuyên gia, dù tới đây dịch bệnh sẽ được dập tắt, sẽ có vắc-xin phòng COVID-19, nhưng đại dịch vừa qua đã thay đổi sâu sắc giáo dục đại học toàn cầu. Các chương trình hợp tác quốc tế cũng phải đổi mới, thay vì đi theo lối mòn trước đây.
Như trường hợp VinUni, đại học của Việt Nam đã chứng tỏ không hề thua kém môi trường giáo dục quốc tế. Với “Study Away”, đại học tinh hoa của Việt Nam đã tiên phong định vị mô hình đào tạo quốc tế mới, tạo nền tảng cho sự bình đẳng trong trao đổi sinh viên và học thuật lâu dài.
|
VinUni sở hữu thư viện kỹ thuật số rộng lên tới 4.000 m2 hoạt động 24/7, nơi các sinh viên học tập, làm việc nhóm, các dự án khởi nghiệp trong không gian tiện nghi và công nghệ cao. |
“Các trường nên lựa chọn một vài đối tác để hợp tác chiến lược, vừa tập trung nguồn lực vừa tạo được đặc trưng riêng. Đặc biệt, trong hợp tác, bản thân các trường phải xây dựng và khẳng định được thương hiệu của mình”, PGS. Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, nêu quan điểm.
Theo Bộ GD&ĐT, Việt Nam đang có gần 200.000 học sinh, sinh viên học tập ở nước ngoài. Cùng với đó, Việt Nam hiện đón khoảng 20.000 sinh viên quốc tế đến học tập. Nhu cầu tiếp nhận các chương trình đào tạo chất lượng cao của sinh viên ngày một tăng cùng chính sách ngày một thông thoáng đang thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động giáo dục quốc tế tại Việt Nam.
“Bối cảnh dịch bệnh hiện nay là cơ hội để các trường trong nước và quốc tế kết nối, đưa ra chương trình đào tạo phù hợp và chất lượng thu hút lượng người học tiềm năng”, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhận định trong Hội nghị “Thúc đẩy cơ hội học tập chương trình giáo dục quốc tế tại Việt Nam” do Bộ tổ chức trung tuần tháng 7 vừa qua.
Cũng theo người đứng đầu ngành giáo dục, trong hợp tác quốc tế, không nên đặt vấn đề sinh viên vào nước này thôi nước kia mà cần tạo môi trường tốt nhất và chương trình đào tạo phù hợp nhất cho người học. Người học không phải chỉ sang nước ngoài mới là du học, cũng không nên chỉ du học tại chỗ theo kiểu full-program.
“Vấn đề không chỉ thuần túy là kiến thức, công nghệ mà là trao đổi văn hóa, lịch sử giữa thế hệ trẻ ở các nước khác nhau, hình thành những công dân toàn cầu”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.
Người đứng đầu ngành giáo dục cũng cho biết, thời gian qua, bên cạnh thu hút các trường lớn của ngước ngoài, đầu tư xây dựng 1 số đại học xuất sắc theo hướng phối hợp với các nước như Việt-Đức, Việt-Nhật,… Chính phủ cũng rất khuyến khích phát triển một số đại học tư thục ở theo mô hình của những trường đẳng cấp quốc tế như VinUni nhằm tạo diện mạo mới và nâng vị thế cho giáo dục đại học Việt Nam.
“Trường không chỉ có cơ sở vật chất vượt trội, quan trọng nhất là tiếp cận với các trường thứ hạng cao của thế giới để cùng chia sẻ cơ hội và đưa ra những chương trình đào tạo, nghiên cứu bậc cao. Đây là cách đi mà Chính phủ rất khuyến khích”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định.
PV