Dự thảo lấy ý kiến đến ngày 20/12 và nếu được thông qua sẽ áp dụng trong năm học tới.
Năm học 2020-2021, năm đầu tiên thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa mới bắt đầu từ lớp 1, Bộ GD&ĐT giao cho các trường lựa chọn SGK. Thế nhưng, 1 năm sau đó, quyền lựa chọn SGK mới lại thuộc về các tỉnh, thành phố. Theo đó, Bộ GD&ĐT hướng dẫn, mỗi tỉnh, thành phố thành lập 1 hội đồng lựa chọn sách phù hợp tình hình địa phương.
Thành viên Hội đồng gồm lãnh đạo, chuyên viên sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT và giáo viên. Chủ tịch Hội đồng là giám đốc hoặc phó giám đốc sở GD&ĐT, chịu trách nhiệm về xây dựng kế hoạch lựa chọn sách và xử lý, kiến nghị UBND tỉnh, thành phố xử lý các tình huống phát sinh trong quá trình chọn sách.
Quy định này áp dụng đến nay được 3 năm, tuy nhiên giáo viên, chuyên gia trong ngành giáo dục đã có nhiều ý kiến cho rằng, giao quyền chọn sách cho tỉnh, thành phố dẫn đến cách hiểu, cách làm khác nhau.
Ở nhiều nơi, giáo viên không có vai trò, tiếng nói trong việc chọn bộ sách để dạy học. Thậm chí, người ta nghi ngờ với cách làm đó, các nhà xuất bản có điều kiện chạy chọt, “đi đêm” với các địa phương để chọn bộ sách.
|
Việc lựa chọn SGK trong 3 năm qua vấp nhiều ý kiến trái chiều. Ảnh: Như Ý
|
Về lựa chọn SGK, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy từng có ý kiến rằng, cách chọn sách hiện nay thiếu minh bạch, khách quan, thiếu tôn trọng ý kiến nhà trường, giáo viên và điều đó được bắt nguồn từ Thông tư 25 về hướng dẫn chọn sách của Bộ GD&ĐT.
Thông tư trao quyền quyết định bỏ phiếu chọn sách cho hội đồng chỉ có 15 người mà không hề có quy định một cuốn sách được cơ sở lựa chọn với tỉ lệ bao nhiêu thì hội đồng có trách nhiệm phải chọn cuốn đó.
PGS. TS Trần Xuân Nhĩ, người từng có ý kiến gay gắt về việc giao quyền chọn SGK cho một hội đồng của tỉnh, thành phố là “rất bất thường”, đồng tình với dự kiến trả lại quyền chọn sách cho giáo viên, nhà trường. Bởi hơn ai hết, giáo viên là người đứng lớp dạy học sẽ hiểu sách nào hay, phù hợp, đồng thời việc này giảm thiểu được cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà xuất bản, đảm bảo việc chọn sách khách quan, minh bạch hơn trước đây.
Trong Nghị quyết giám sát chuyên đề về thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đánh giá, quy định lựa chọn SGK phổ thông tại Thông tư 55 của Bộ GD&ĐT chưa chặt chẽ, dẫn tới cách thức triển khai không thống nhất giữa các địa phương.
Thậm chí, tạo ra kẽ hở để trục lợi, cạnh tranh không lành mạnh. Thời gian lựa chọn ngắn, số bản mẫu SGK nhiều, nhất là ở cấp tiểu học nên giáo viên gặp khó khăn trong nghiên cứu, đề xuất lựa chọn. Nhiều tỉnh chậm phê duyệt kết quả lựa chọn SGK, ảnh hưởng đến tiến độ cung ứng sách cho năm học mới.
Bộ GD&ĐT buộc phải điều chỉnh
Để điều chỉnh quyền lựa chọn SGK, Bộ GD&ĐT vừa có Dự thảo thông tư quy định việc lựa chọn SGK mới, trong đó điểm mới là mỗi trường học sẽ thành lập Hội đồng lựa chọn SGK; cho toàn bộ giáo viên môn học tham gia lựa chọn sách của các môn học và đưa cả đại diện cha mẹ học sinh vào việc lựa chọn sách.
Khi được ban hành, việc lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông không còn thuộc về UBND tỉnh, thành phố như hiện nay. Cụ thể, trong Dự thảo mới, Bộ GD&ĐT yêu cầu, việc lựa chọn SGK bảo đảm thực hiện dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch.
Hội đồng lựa chọn SGK của cơ sở giáo dục phổ thông do hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông hoặc giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên, giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp thành lập, giúp người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức lựa chọn sách. Mỗi cơ sở giáo dục phổ thông thành lập 1 hội đồng.
Nếu như quy định hiện hành, Hội đồng lựa chọn SGK do UBND tỉnh, thành phố thành lập gồm tối thiểu là 15 người, trong đó ít nhất 2/3 thành viên là tổ trưởng tổ chuyên môn và giáo viên các trường thì ở dự thảo mới quy định, Hội đồng lựa chọn SGK của nhà trường tối thiểu là 11 thành viên, gồm người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu; đại diện tổ chuyên môn; đại diện giáo viên, đại diện ban đại diện cha mẹ học sinh của cơ sở giáo dục phổ thông.
Về quy trình lựa chọn sách, Hội đồng xây dựng kế hoạch tổ chức lựa chọn SGK của cơ sở giáo dục phổ thông và phân công nhiệm vụ cho từng người. Căn cứ vào kế hoạch của Hội đồng, tổ trưởng tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch lựa chọn sách cho từng môn học. Tổ chức cho toàn bộ giáo viên môn học bao gồm cả giáo viên hợp đồng, biệt phái, thỉnh giảng… của cơ sở giáo dục phổ thông tham gia lựa chọn sách của các môn học.
“Chậm nhất 15 ngày trước phiên họp đầu tiên của tổ chuyên môn, Tổ trưởng tổ chức cho giáo viên học nghiên cứu các SGK của môn học, viết phiếu nhận xét, đánh giá SGK theo tiêu chí lựa chọn”, Bộ GD&ĐT hướng dẫn.
SGK được lựa chọn đảm bảo có từ 1/2 số giáo viên trở lên lựa chọn. Sau đó, nhà trường tổng hợp kết quả lựa chọn sách của các tổ chuyên môn để lập hồ sơ lựa chọn SGK về cấp quản lý là Phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT. Căn cứ vào kết quả của các trường do Sở GD&ĐT trình, UBND cấp tỉnh quyết định phê duyệt danh mục lựa chọn SGK của các trường tại địa phương. Sau đó, UBND tỉnh đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng danh mục SGK mới được phê duyệt để sử dụng trong các trường trước 30/4 hằng năm.
Dự thảo cũng quy định, trong quá trình sử dụng, nếu có kiến nghị của giáo viên, học sinh và phụ huynh, các nhà trường đề xuất Phòng hoặc Sở GD&ĐT về việc điều chỉnh, bổ sung danh mục sách. Chủ tịch Hội đồng chịu trách nhiệm về hoạt động, lập kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch làm việc của hội đồng và giải trình về việc lựa chọn SGK của cơ sở.
Theo Hà Linh/Tiền phong